Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả trong các cơ sở khám, chữa bệnh

08:41, 13/03/2014

Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả trong điều kiện nguồn thuốc cung ứng phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại; tình trạng kháng thuốc gia tăng và khả năng chi trả có hạn của người dân là một thách thức lớn đối với các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay.

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách thuốc quốc gia của Việt Nam giai đoạn 1996-2010 và tầm nhìn 2020 với hai mục tiêu cung ứng đủ thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhờ chính sách ưu tiên sản xuất, sử dụng thuốc sản xuất trong nước góp phần phong phú nguồn thuốc cả về số lượng và chất lượng, về cơ bản không còn tình trạng thiếu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị. Vấn đề đặt ra hiện nay là: Làm thế nào lựa chọn được thuốc phù hợp với nhu cầu điều trị; lựa chọn thuốc bảo đảm an toàn cho người bệnh; lựa chọn thuốc phù hợp với khả năng thanh toán của người dân (kể cả người có thẻ BHYT) nhất là trong bối cảnh tình trạng kháng thuốc ngày một gia tăng.

 

Theo quy định của Bộ Y tế, Hội đồng Thuốc và điều trị (HĐTĐT) trong bệnh viện có chức năng tư vấn cho giám đốc bệnh viện về các vấn đề liên quan đến thuốc và điều trị bằng thuốc của bệnh viện, thực hiện tốt chính sách quốc gia về thuốc trong bệnh viện. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, HĐTĐT phải xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc trong bệnh viện, như các tiêu chí lựa chọn thuốc để xây dựng danh mục thuốc bệnh viện; lựa chọn các hướng dẫn điều trị (phác đồ điều trị) làm cơ sở cho việc xây dựng danh mục thuốc; quy trình và tiêu chí bổ sung hoặc loại bỏ thuốc ra khỏi danh mục thuốc bệnh viện; các tiêu chí để lựa chọn thuốc trong đấu thầu mua thuốc; quy trình cấp phát thuốc từ khoa Dược đến người bệnh... Tùy vào quy mô và khả năng của mỗi bệnh viện, Hội đồng có thể tự xây dựng hướng dẫn điều trị hoặc tham khảo từ những tài liệu có sẵn để xây dựng hướng dẫn điều trị sử dụng trong bệnh viện. Ngoài xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc trong bệnh viện, HĐTĐT phải xác định và phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và các sai sót trong điều trị; thông báo, kiểm soát thông tin về thuốc...

 

Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn hoạt động Dược lâm sàng trong bệnh viện. Đây là cơ sở tạo điều kiện cho các cán bộ dược phát huy vai trò và kinh nghiệm của mình trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động dược của bệnh viện. Trong đó, dược sĩ lâm sàng có các nhiệm vụ tham gia phân tích, đánh giá tình hình sử dụng thuốc; tham gia tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc của đơn vị, đưa ra ý kiến hoặc cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng về việc thuốc nào nên đưa vào hoặc bỏ ra khỏi danh mục thuốc để bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; tham gia xây dựng các quy trình chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc; quy trình giám sát sử dụng đối với các thuốc trong danh mục do giám đốc bệnh viện ban hành trên cơ sở được tư vấn của HĐTĐT; hướng dẫn và giám sát việc sử dụng thuốc trong bệnh viện...

 

Thông tin thuốc cho người bệnh và cán bộ y tế, dược sĩ lâm sàng cần cập nhật thông tin sử dụng thuốc, thông tin về thuốc mới, thông tin cảnh giác dược gửi đến cán bộ y tế và đến người bệnh. Đối với việc tập huấn, đào tạo về dược lâm sàng: Dược sĩ lâm sàng lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, cập nhật kiến thức sử dụng thuốc cho bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh viên của đơn vị mình... Trong đó, dược sĩ lâm sàng được tham gia hội chẩn chuyên môn về thuốc, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nặng, bệnh cần dùng thuốc đặc biệt, người bệnh bị nhiễm vi sinh vật kháng thuốc; tham gia bình ca lâm sàng định kỳ tại khoa lâm sàng, tại bệnh viện và giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình sử dụng thuốc đã được HĐTĐT thông qua và giám đốc bệnh viện phê duyệt.

 

Hiện nay, ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa", Bộ Y tế đã bắt tay vào xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm: Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

 

Theo kế hoạch, ngoài nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ về kháng thuốc, Bộ Y tế sẽ có những chương trình nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý; kiểm soát nhiễm khuẩn và tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

 

Như vậy, việc bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả đã có hệ thống văn bản quy phạm và các hướng dẫn tương đối đầy đủ. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bắt tay vào thực hiện những nội dung trên để bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.