Mặc dù được áp dụng phương pháp điều trị tốt nhất tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng hầu hết các bệnh nhân ở xã Phú Thượng và xã Liên Minh (Võ Nhai) bị ngộ độc nấm vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tốt. Hầu hết các bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Sau từ 5 ngày điều trị tích cực với nhóm bệnh nhân ở xã Phú Thượng và 9 ngày điều trị với nhóm bệnh nhân ở xã Liên Minh, đến chiều 17-3, tình trạng của hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc nấm đều diễn biến theo chiều hướng xấu đi. 8/9 bệnh nhân hiện được xác định đang trong tình trạng nguy kịch và phải điều trị hồi sức cấp cứu 24/24 giờ. Hơn một nửa bệnh nhân phải duy trì lọc máu 8 tiếng một lần. Trong đó, bệnh nhân Vũ Thị Hồi (60 tuổi) được xác định là người nặng nhất với tình trạng sốc, suy gan nghiêm trọng dẫn tới chảy máu ở nhiều nơi và phải thở máy liên tục. Bà Hồi cũng được xác định là một trong những người ăn nhiều nấm nhất. Ngoài bà Hồi, bệnh nhân Lý Thị Thơm (34 tuổi) cũng đang có những biểu hiện sức khỏe xấu đi. Theo các bác sĩ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 16-3, bệnh nhân Lý Thị Thơm bắt đầu có dấu hiệu tiền hôn mê gan và tổn thương nghiêm trọng tới tim.
Không chỉ riêng những bệnh nhân nhiễm độc đợt đầu, 5 bệnh nhân xóm Cao Biền, xã Phú Thượng nhiễm độc ngày 12-3 hiện cũng có dấu hiệu diễn biến bệnh xấu đi. Với những dấu hiệu nhiễm độc nặng hơn, 3/5 bệnh nhân được chỉ định nâng số lần lọc máu từ 2 lần/ngày lên 3 lần/ngày. Chị Triệu Thị Khách, vợ của bệnh nhân Triệu Văn Thọ cho biết: Sáng ngày 12-3, anh Thọ bảo sang nhà chị gái là Triệu Thị Hòa ăn trưa, tôi không ngờ anh ấy lại ăn phải nấm độc. Giờ anh Thọ bị bệnh, gia đình tôi rất khó khăn.
Nhắc đến 5 trường hợp bị ngộ độc nấm ở xã Liên Minh trước đó, người thân của 5 bệnh nhân ở xã Phú Thượng đều cho biết họ không hề biết tin, chỉ đến khi đưa người nhà xuống bệnh viện cấp cứu mới biết là đồng hương và cùng bị ngộ độc nấm. Anh Triệu Văn Tiên, Bí thư Chi bộ xóm Cao Biền cho biết: Ở xóm Cao Biền chưa có điện lưới nên không xem được truyền hình, báo in thì thường phát hành rất muộn. Sóng phát thanh có nhưng người dân ở bản cũng ít nghe nên không hề biết là trước đó có người ở xã Liên Minh bị ngộ độc nấm.
Trong số 9 bệnh nhân đang điều trị, chỉ có duy nhất bệnh nhân Triệu Nho Phú (56 tuổi) là có dấu hiệu bình phục, không bị suy gan và được chuyển xuống phòng điều trị thông thường. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: Hiện tôi đã thấy sức khỏe mình tốt hơn, có thể nói chuyện mà không cảm thấy mệt như trước. Bữa đó, mặc dù thấy nấm lạ nhưng tôi nghĩ không độc nên cũng ăn 2 cái nấm và bị ngộ độc. Tôi mong không ai còn ăn phải nấm đó nữa để không bị ngộ độc như tôi.
Được biết, hàng năm, Bệnh viện Bạch Mai đều tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm nhưng đây là lần đầu tiên, Bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân đông (10 người) trong một thời gian ngắn lại cùng trên một địa bàn huyện. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ ngộ độc nấm này, Bệnh viện Bạch Mai đã huy động tổng lực từ con người đến trang thiết bị để điều trị cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Hà Trần Hưng - Một trong những người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân cho biết: Diễn biến của các bệnh nhân liên tục phải hồi sức cấp cứu nên từ gần 1 tuần nay, toàn bộ các bác sĩ, điều dưỡng viên của Trung tâm được huy động làm gấp 2 thời gian ngày thường để bảo đảm luôn có lượng cán bộ trực hồi sức cấp cứu gấp 2 lần ngày. Ngoài ra, chúng tôi cũng huy động thêm hàng chục học viên sau đại học đang thực tập tại Trung tâm trợ giúp mới bảo đảm đủ người trực cấp cứu thường xuyên cho các bệnh nhân. Bệnh viện cũng điều động thêm 3 máy lọc máu ở các khoa khác cho Trung tâm để bảo đảm đủ 9 máy hoạt động liên tục.
Theo bác sĩ Hưng, cả 10 bệnh nhân Thái Nguyên bị ngộ độc nấm ban đầu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Sau khi được điều trị điện giải, các bệnh nhân giảm nôn và khỏe lại như bình thường nhưng thực tế, ở một số bệnh nhân các tế bào gan bắt đầu bị phá hủy bởi chất độc và men gan tăng dần. Thậm chí như bệnh nhân Lý Minh Khôi, 13 tuổi ở xóm Ngọc Mỹ, xã Liên Minh đã nhanh chóng chuyển giai đoạn bộc lộ viêm gan nhiễm độc, hôn mê gan và tử vong vào ngày 13-3. Trước sự cấp thiết của vụ ngộ độc, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ ở nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong điều trị ngộ độc. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành để đưa ra những biện pháp và điều kiện phù hợp để chữa trị tốt nhất. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cung cấp cho Trung tâm những loại thuốc giải độc tốt nhất để giúp Trung tâm điều trị có hiệu quả cao hơn. Có thể nói, tất cả các biện pháp tốt nhất trong nước đang được áp dụng đối với 9 bệnh nhân của Thái Nguyên điều trị tại Trung tâm Chống độc và chúng tôi hy vọng sẽ giảm thiểu tối đa khả năng tử vong cho các bệnh nhân.