Là địa phương đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước sẽ khó tránh khỏi đối với tỉnh ta. Những năm qua, ngành Tài nguyên - Môi trường của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý về lĩnh vực này và thực tế đã tạo được những chuyển biến khá tích cực.
Hoạt động nhân Ngày Nước thế giới năm 2014, chủ đề "Nước và năng lượng" là nhằm mục đích kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về tầm quan trọng của tài nguyên nước. Ngoài ra, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, chính quyền các cấp, đồng thời tạo cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng cùng chia sẻ các sáng kiến, các mô hình, giải pháp áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp và gắn kết các bên để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến nước và năng lượng. Hoạt động này nhằm tìm kiếm biện pháp quản lý để đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu của con người thông qua khai thác bền vững tài nguyên nước và sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh. |
Trong những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã không ngừng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường nước do những tác động từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Ngành đã tham mưu cho tỉnh nhiều biện pháp quản lý và thực hiện nghiêm những quy định về xử lý các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước. Trường hợp của Công ty CP Sơn Lâm - đơn vị chuyên sản xuất tinh bột sắn ngay trên địa bàn T.P Thái Nguyên là một ví dụ điển hình. Việc tự ý xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty này đã bị ngành Tài nguyên và Môi trường phát hiện và tiến hành các biện pháp xử lý nhiều lần. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn cố tình vi phạm. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất phương án trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với mức cao nhất và yêu cầu Công ty này dừng ngay mọi hoạt động sản xuất.
Trước đó, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường nước. Qua đó đã giúp các đơn vị sản xuất quan tâm hơn đến môi trường nước bằng việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ và Công ty CP Giấy xuất khẩu (nằm trên địa bàn T.P Thái Nguyên) là hai đơn vị đã từng xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu và nguồn nước sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Sau khi bị ngành chức năng phát hiện, xử lý, hai doanh nghiệp này hiện nay đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải khá hiện đại, dần cải thiện nguồn nước trước khi xả ra môi trường. Nhà máy Kẽm điện phân Sông Công (Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên) cũng là trường hợp tương tự. Sau nhiều lần để xảy ra sự cố, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân đị phương, đến nay Nhà máy này đã cải tạo lại toàn bộ hệ thống bể lắng, lọc và đảm bảo nguồn nước đủ tiêu chuẩn trước khi thải ra bên ngoài.
Trường hợp tiếp theo mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là trường hợp gây ô nhiễm dòng suối Cốc của một số nhà máy nằm trong Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, trong đó có Nhà máy Cốc hóa. Đã nhiều năm người dân sống gần dòng suối Cốc bức xúc về tình trạng ô nhiễm gây thiệt hại đến hoa màu, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Mặc dù các nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm, song do chịu tác động từ nhiều năm nên hiện tại dòng suối Cốc vẫn bị bảo phủ bởi lớp bùn thải dày đặc, không dễ khắc phục. Các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp xử lý, song thực trạng trên vẫn chưa được giải quyết. Gần đây, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, đề xuất tỉnh triển khai Dự án nạo vét và xử lý môi trường dòng suối Cốc. Dự án sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất với quy mô và khả năng thực thi khá đáp ứng yêu cầu. Đây là dự án thực sự mở ra cơ hội giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm nguồn nước nhiều năm qua.
Với những nỗ lực của ngành chức năng, sự chung tay của các cấp chính quyền và tinh thần trách nhiệm của các chủ nguồn thải, nên thời gian gần đây, một số đơn vị sản xuất đã thoát ra khỏi danh sách nhiều năm liền gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã làm tốt công tác quy hoạch bảo vệ nguồn nước. Đến nay, Ngành đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt hoàn thành Dự án "Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên và triển khai Dự án Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt giai đoạn 2012-2020. Công tác thẩm định và cấp phép tài nguyên nước cũng được Ngành quan tâm thực hiện chặt chẽ, chú trọng từ khâu thẩm định hồ sơ đến thẩm định hiện trường, đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các đơn vị sau khi được cấp phép cũng như hoạt động sử dụng tài nguyên nước đã được tăng cường thường xuyên. Riêng năm 2013, Ngành đã kiểm tra 14 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước và đã xử lý nghiêm các trường hợp giấy phép hết hạn, không có biện pháp xử lý nước thải, xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường...
Trao đổi về nội dung này, ông Vương Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) đánh giá: Nhìn chung, thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn đạt được những kết quả tích cực. Tình hình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước... đã từng bước được chấn chỉnh và đi vào nền nếp. Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước luôn được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của mọi đối tượng trên địa bàn.