Tính đến ngày hôm qua (19-3), 4 bệnh nhân trong tổng số 10 người bị ngộ độc nấm trên địa bàn huyện Võ Nhai đã tử vong, 5 bệnh nhân khác vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Từ vụ việc này, chiều qua, khi trả phỏng vấn phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã nhấn mạnh: “Người dân tuyệt đối không hái sử dụng nấm dại không rõ nguồn gốc”.
P.V: Trước khi vụ ngộ độc thứ hai xảy ra ngày 12-3, người dân xóm Cao Biền đã không được cảnh báo về nguy cơ ngộ độc. Rõ ràng là biện pháp truyền thông chưa đạt hiệu quả cao. Vậy, các ngành chức năng đã thay đổi biện pháp truyền thông như thế nào để nâng cao hiệu quả?
Ông Lý Văn Cảnh: Xác định nguy cơ ngộ độc nấm có thể xảy ra trên địa bàn, hằng năm, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến đông đảo người dân về nguy cơ ngộ độc đối với nấm hái từ rừng, nấm không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, đến ngày 8-3 năm nay, trên địa bàn xã Liên Minh đã xảy ra vụ ngộ độc đáng tiếc khiến 5 người mắc và hiện 4 người đã tử vong. Sau đó chỉ 4 ngày, ngày 12-3, lại thêm 5 bệnh nhân ở xã Phú Thượng bị ngộ độc nấm. Điều đáng nói là ngay sau vụ ngộ độc đầu tiên xảy ra ngày 8-3, chúng tôi đã phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, và tại cộng đồng các xã, thị trấn nhưng do địa hình, điều kiện khó khăn, người dân nhiều nơi trong đó có người dân xóm Cao Biền, xã Phú Thượng đã không được cảnh báo về nguy cơ ngộ độc.
Nhận thấy những hạn chế này, ngay sau khi vụ ngộ độc thứ hai xảy ra, sáng 13-3, chúng tôi đã phối hợp với UBND huyện Võ Nhai triệu tập tất cả các trạm y tế, lãnh đạo các xã, thị trấn toàn huyện để giao nhiệm vụ cụ thể cho các xã tổ chức họp cấp xóm, bản để truyền thông về nguy cơ ngộ độc nấm tới toàn thể người dân. Ngay trong tối 13-3, 100% các xóm, bản của huyện Võ Nhai đã tổ chức họp, khuyến cáo người dân tuyệt đối: không ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc. Chúng tôi cũng phối hợp với huyện yêu cầu 100% trường học trên địa bàn đưa nội dung tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc nấm trong các giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp tới mỗi em học sinh và đề nghị các em về nói lại với người thân trong gia đình.
Không riêng trên địa bàn huyện Võ Nhai, ngành Y tế cũng có công văn chỉ đạo các trạm y tế, trung tâm y tế trong cả tỉnh triển khai các biện pháp tuyên truyền khẩn cấp tới các y tế thôn bản và đến từng hộ gia đình trong toàn tỉnh để khuyến cáo người dân thận trọng khi sử dụng nấm và thức ăn lấy từ rừng.
P.V: Như vậy, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân nhưng theo ông nguy cơ bị ngộ độc nấm liệu có còn?
Ông Lý Văn Cảnh: Với khí hậu nhiệt đới, nấm rừng có thể phát triển quanh năm và gây nguy cơ ngộ độc cho người khi sử dụng làm thức ăn. Tuy nhiên, thường hàng năm nấm phát triển mạnh nhất vào dịp từ tháng Giêng âm lịch đến khoảng hết tháng 3 âm lịch do thời điểm này thời tiết hay mưa dầm, ẩm ướt. Khi bước vào mùa hè, xuất hiện mưa rào lượng nấm phát triển tự nhiên sẽ giảm. Như vậy, trong vòng 1 tháng tới, trên địa bàn tỉnh vẫn có nguy cơ rất cao xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Biện pháp hữu hiệu nhất là truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về ATVSTP đặc biệt là nhận thức về nguy cơ ngộ độc khi sử dụng nấm không rõ nguồn gốc, nấm hái từ rừng. Chúng tôi mong, tất cả người dân hiểu biết cũng sẽ chung sức vì cộng đồng mà tham gia truyền thông, khuyến cáo người dân tránh xa nguy cơ ngộ độc.
P.V: Trước diễn biến 2 vụ ngộ độc nấm như trên, một số người dân tỏ ra e ngại khi sử dụng nấm bán tại các chợ, siêu thị trên địa bàn. Ông có khuyến cáo gì với người dân về nấm thực phẩm trên thị trường?
Ông Lý Văn Cảnh: Chúng tôi khuyến cao tất cả người dân: “Tuyệt đối không hái, không sử dụng và không ăn nấm dại, nấm không rõ nguồn gốc”. Điều này có nghĩa là không chỉ nấm hái từ rừng mà chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng nấm không rõ nguồn gốc. Những loại nấm bán trên thị trường mà không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người dân tuyệt đối không nên sử dụng để tránh nguy cơ ngộ độc.
PV: Vậy, khi nghi ngờ hoặc phát hiện bị ngộ độc nấm, người dân cần làm gì?
Ông Lý Văn Cảnh: Khi nghi ngờ hoặc phát hiện bị ngộ độc nấm, người dân lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị đồng thời tường thuật lại toàn bộ quá trình sử dụng nấm cho cán bộ y tế; mang theo mẫu nấm nghi có độc mà người bệnh đã ăn để giúp cơ quan y tế có điều kiện nhận diện nguồn gây ngộ độc, tạo điều kiện thuận lợi trong điều trị chống độc cho bệnh nhân. Với những người nghi ngộ độc nấm mà ở xa các cơ sở y tế thì cũng ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý là trên đường vận chuyển bệnh nhân cần tác động gây nôn cho bệnh nhân bằng nhiều cách để giảm nguy cơ gây ngộ độc. Tất cả người bệnh bị ngộ độc nấm đều phải được điều trị tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không điều trị tại nhà.
P.V: Xin cảm ơn ông!