Xóm Văn hoá dưới chân núi Quạt Nan

09:11, 26/03/2014

Gần 50 hộ dân người Dao ở xóm Đình Cường (xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ) sống chủ yếu dựa vào 14 ha chè; 8 ha ruộng nằm ven chân núi Quạt Nan thuộc dãy núi Tam Đảo; nhiều năm tuyến đường này bị chia cắt bởi dòng suối Cái vì chưa có cầu bắc qua. Thế nhưng, đồng bào dân tộc Dao nơi đây đã đoàn kết vượt qua những khó khăn, vươn lên thoát nghèo, xây dựng xóm Văn hóa.

Đầu năm 2013, Nhà nước đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng cầu tràn qua suối Cái. Nỗi ám ảnh của người dân nơi đây về những trận lũ lớn, nước suối dâng cao, người dân xóm Đình Cường hoàn toàn bị cô lập với các xóm lân cận; trẻ em không thể tới trường đã không còn. Ngồi trong ngôi nhà xây khang trang với nhiều vật dụng sinh hoạt khá tiện nghi, đồng chí Dương Trung Ngọc, Bí thư Chi bộ xóm Đình Cường phấn khởi: Khi chưa có cầu tràn qua suối, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác có xe máy phải gửi nhờ bên kia suối (xóm Cổ Rồng) rất bất tiện. Tôi là người có xe máy đầu tiên ở Đình Cường, tiếng là xe của mình nhưng 7-8 năm không mang được về nhà. Nhưng nay đã khác,  44/46 hộ đã có xe máy; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Xóm chỉ còn duy nhất một hộ ở nhà tranh vì các thành viên trong gia đình đều bị thiểu năng trí tuệ. Tuy nhiên, các hộ trong xóm vẫn quan tâm, giúp đỡ thường xuyên. Mối đoàn kết thân tình - là ưu điểm lớn nhất ở xóm chúng tôi. Nhờ có sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người dân trong xóm đã vượt qua được nhiều khó khăn, xây dựng và giữ vững được danh hiệu xóm Văn hóa hơn 10 năm nay.

 

Đình Cường đạt danh hiệu xóm Văn hóa đồng nghĩa với việc, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên; đám hiếu, hỷ được tổ chức văn minh, tiết kiệm theo nếp sống mới, không mời thuốc, không chúc rượu. Gia đình nào có đám hiếu, mỗi gia đình tự giác góp một đấu gạo, 1 đon củi, cắt cử ít nhất 1 thành viên đến giúp đỡ tang chủ khi nào xong xuôi công việc mới về nhà. Đám hỷ, nhà gái không thách cưới, giảm bớt thủ tục ăn hỏi để tránh lãng phí, chỉ tổ chức dạm ngõ, thông báo ngày cưới và tổ chức tiệc cưới. Cỗ cưới được phân công cho những phụ nữ khéo tay trong xóm nấu nướng, không bày vẽ tốn kém. Những thành viên của Tổ hòa giải “lâm” vào cảnh “thất nghiệp” gần chục năm nay vì mọi việc diễn ra trong xóm, tới các gia đình đều bình yên, êm ấm. Anh Dương Trung Ngọc tự hào nói: Các chị vào đây, xe máy cứ để ngoài đầu ngõ, tối về vẫn còn nguyên. Nhà cửa, chúng tôi đi làm chẳng khóa bao giờ. Gà, vịt chạy đầy vườn, đầy bãi, tối về tự vào chuồng, không lo mất mát gì. An ninh trật tự được đảm bảo, người dân yên tâm tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

 

Do đất sản xuất ít, nông dân ở Đình Cường đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh lúa, chè, giảm chi phí đầu tư, công lao động mà vẫn cho năng suất, chất lượng cao. Trong 14 ha chè thì có tới 70% diện tích đã được chuyển sang trồng bằng các giống chè lai, năng suất đạt 105 tạ búp tươi/năm; 4/8 ha đất canh tác được gieo cấy bằng giống lúa lai, năng suất bình quân đạt trên 55 tạ/ha. Người Dao ở Đình Cường đang phá dần thế tự sản tự tiêu mà đã có sự giao thương hàng hóa với bên ngoài khi đường sá thuận lợi. Từ nguồn thu nhập của cây chè, số hộ nghèo giảm dần qua các năm, nếu như năm 2012, xóm còn 13 hộ nghèo thì nay còn 8 hộ. Người dân trong xóm đã đóng góp công sức, tiền của đối ứng cùng Nhà nước làm được hơn 700m đường bê tông, kế hoạch trong năm nay sẽ làm thêm 800m đường bê tông mới.

 

Đứng ở bờ suối Cái có thể ngắm nhìn gần như tổng thể bức tranh làng quê Đình Cường xanh tươi, trù phú nằm khiêm nhường dưới chân núi Quạt Nan. Những ngôi nhà mái ngói ẩn hiện sau màu xanh của lúa, chè và cây rừng. Trẻ em tan trường ríu ran trò chuyện, đuổi bắt nhau trong tiếng cười vô tư, trong trẻo. Niềm vui lan tỏa trong mỗi chúng tôi khi nhìn thấy các em trở về nhà trên chiếc cầu tràn kiên cố mà không phải lội bì bõm qua suối…