"Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện Nhi trước đây là 30 ca/ngày nay đã giảm còn 4-5 ca. Giá mà truyền thông từ mấy tháng trước thì tốt", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nuối tiếc.
Ngày 21/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát một số bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn Hà Nội và làm việc với thành phố liên quan đến việc phòng chống căn bệnh này.
Trước thời điểm Bộ trưởng Y tế thăm khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, một trẻ 25 tháng tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) mắc sởi tử vong sau hơn 1 tháng nằm viện. Em ruột của bệnh nhi xấu số này mới 7 tháng tuổi cũng mắc sởi và đang nguy kịch.
Cách đó ít giờ, một bé trai 9 tháng tuổi (Hà Nội) mắc sởi cũng tử vong sau 10 ngày nằm viện.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mấy ngày qua, người dân đưa con đi tiêm vắcxin phòng sởi khá đông. Ngành y tế đã tổ chức tiêm miễn phí tại Trung tâm y tế dự phòng và 30 điểm khác tại các quận huyện. Tỷ lệ tiêm vét cho trẻ đã đạt khoảng 87%, phấn đấu trước ngày 25/5, số trẻ được tiêm vắcxin sởi sẽ đạt khoảng 95%.
Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thành phố đã quyết định chi 75 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch sởi và tổ chức các bệnh viện Saint Paul, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi. Các bệnh viện được tăng thêm giường, máy thở.
Tại cuộc họp với Hà Nội, Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho rằng, con số trẻ được tiêm phòng mà Sở Y tế đưa ra có thể chưa chính xác bởi có nhiều khu dân cư không có cơ quan quản lý, nhất là nhiều dự án chung cư chưa có tổ dân phố nên khó thống kê.
Ông Phu cũng lo ngại bệnh lây lan ở cộng đồng và cho biết, khi xuống huyện Thạch Thất, ông gặp 5 trường hợp trong đó có 1 bệnh nhân bị sởi điển hình song vẫn nằm chung phòng với các trẻ khác. Ông cho rằng phải phân loại ngay 2 luồng bệnh nhân từ tuyến cơ sở.
"Nếu Hà Nội không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến cả nước, thành phố sẽ phải chạy đua tiêm chủng, tháng 6 trở đi có thể mới giảm được ca bệnh", ông Phu nhận định.
Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, cũng khẳng định biện pháp giảm bệnh nhân cho tuyến dưới sẽ giúp "giảm tải, giảm chết, giảm mắc", vì dịch sởi không nặng nề như chúng ta tưởng.
Ông Khuê cho biết, các bệnh viện đã tổ chức phân luồng khám bệnh và cập nhật phác đồ điều trị mới. Cục sẽ phân tích nguyên nhân các cháu bé tử vong để có hướng điều trị thích hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dịch sởi không khởi phát ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh mà từ các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng nhờ làm công tác chống, tiêm vét tốt nên dịch đã giảm. Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh là những nơi có điều kiện nhất nhưng dịch lại lan mạnh.
Bộ trưởng chỉ ra 4 nguyên nhân khiến sởi bùng phát, trong đó có việc tụ tập quá đông bệnh nhân tại viện Nhi Trung ương. Bà cho rằng việc giảm tải cho viện Nhi đã hiệu quả nhờ công tác truyền thông. Mấy ngày qua, lượng bệnh nhân vào viện Nhi Trung ương đã giảm. "Từ 100 cháu mỗi ngày đã giảm xuống 30 rồi xuống 4-5 bệnh nhân sởi mới vào. Giá mà truyền thông từ mấy tháng trước thì tốt", bà Tiến nói.
Bộ trưởng Tiến cho hay, tại buổi thị sát tại bệnh viện Đống Đa, có bệnh nhân cho biết bà khám bệnh rất nhanh do vắng người. Các bệnh viện như Đống Đa, Thanh Nhàn được cấp máy thở mà chưa dùng đến.
Bà Tiến thông tin thêm, nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam cũng ghi nhận dịch sởi. Mỹ cũng tái xuất hiện bệnh sởi sau nhiều năm. Nữ Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân nhiều bệnh nhân không tiêm vắcxin và người lớn cũng mắc sởi.
4 nguyên nhân khiến sởi lan rộng
- Trẻ không được tiêm vắcxin.
- Bệnh nhân đổ dồn đến Bệnh viện Nhi Trung ương, con số tử vong của cả nước là hơn 100 bệnh nhân, 95% tập trung tại đây; sau đó mới đến khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ổ dịch chính vẫn là Viện Nhi.
- Việc dồn bệnh nhân quá đông vào một vị trí, tử vong xảy ra do lây nhiễm chéo, nhiễm trùng bệnh viện; chất lượng điều trị giảm, lực lượng chăm sóc không đủ. Những ngày qua tại Viện Nhi; số mắc, tử vong đã giảm.
- Trong những tháng vừa qua, khí hậu miền Bắc ẩm liên tục khiến cho virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Nhiều trẻ ban đầu vào viện do viêm phổi, sau đó mới lây bệnh sởi; bệnh chồng bệnh nguy cơ tử vong rất cao. |