Bệnh sởi: Không được chủ quan

15:12, 14/04/2014

Từ đầu năm đến nay, bệnh sởi xuất hiện nhiều tại một số tỉnh thành phố trong cả nước trong đó có Thái Nguyên. Mặc dù vậy, chỉ có một số tỉnh ghi nhận ổ dịch sởi tập trung với quy mô nhỏ và vừa như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang. Tại Thái Nguyên, cơ quan chức năng mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhi mắc sởi ở hai địa phương khác nhau.  

Ít nguy cơ thành dịch

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có trên 6,6 nghìn trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận gần 2,5 nghìn trường hợp được xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học). Mặc dù vậy, trên địa bàn tỉnh,  tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh sởi. So với cả nước, số bệnh nhân mắc sởi của Thái Nguyên chỉ chiếm gần một phần nghìn.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù có nhiều bệnh nhi đang điều trị nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nhưng số bệnh nhi bị sốt phát ban dạng sởi hầu như không có hoặc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tại Bệnh viện A, hiện có hơn 100 bệnh nhi đang điều trị nội trú chủ yếu mắc các bệnh như: viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu chảy mà không có bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi. Theo bác sĩ chuyên khoa I Đàm Thị Nga, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng trên 10 bệnh nhân bị sốt phát ban dạng sởi nhưng không có bệnh nhân diễn biến nặng và thường điều trị 2 đến 3 ngày là khỏi bệnh. Cũng tương tự như Bệnh viện A, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên hiện đang điều trị cho trên 140 bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh: sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và chỉ có 5 bệnh nhân bị sốt phát ban đang điều trị với những dấu hiệu sốt, phát ban nhưng không có bệnh nhân bị diễn biến nặng. Bác sĩ Khổng Thị Ngọc Mai, Trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết: Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng Khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân bị sốt phát ban dạng sởi nhưng các bệnh nhân điều trị 2 đến 3 ngày là khỏi bệnh, không có bệnh nhân bị biến chứng nặng.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết, Ngay từ đầu năm, khi nhiều tỉnh thành phố trên cả nước phát hiện bệnh nhân sởi, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động giám sát tại tất cả các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh đồng thời yêu cầu trung tâm y tế các huyện, các trạm y tế xã chủ động giám sát trên địa bàn, tổng hợp số liệu và báo cáo thường xuyên.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ ghi nhận trên 40 ca sốt phát ban nghi nhiễm sởi điều trị tại rải rác tại một số bệnh viện như: Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên… Tất cả các bệnh nhân nghi mắc sởi đều có diễn biến nhẹ, trong đó chỉ có 2 ca bệnh nhân phát hiện mắc sởi. Được biết, năm 2013, toàn tỉnh cũng có khoảng 40 ca sốt phát ban nghi mắc sởi nhưng qua xét nghiệm không có bệnh nhân nào mắc bệnh sởi. Theo bác sĩ Hoàng Anh, người dân không nên quá lo lắng với bệnh sởi và duy trì cho con, em mình đi học và tham gia các hoạt động học tập, vui chơi bình thường.
 

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 15 tuổi

 

Mặc dù vậy, bác sĩ Hoàng Anh cũng cho rằng người dân không nên quá chủ quan đặc biệt là khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh. Các bệnh sốt phát ban dạng sởi khi xuất hiện trong cộng đồng người dân thường chăm sóc người bệnh theo kinh nghiệm dân gian như kiêng nước, tránh gió, tránh ra ngoài cho khỏi bội nhiễm. Kinh nghiệm này đúng nhưng như thế chưa đủ bởi nếu người bệnh bị sởi cấp tính có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi mà tiếp xúc với nguồn lây thì khả năng mắc bệnh rất lớn. Tất cả trẻ bị nhiễm vi rút sởi đều có biểu hiện lâm sàng điển hình. Sau khi mắc sởi gây suy giảm miễn dịch do đó các trẻ em rất dễ bị biến chứng do mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Vì vậy, khi trẻ bị sốt phát ban dạng sởi, người dân cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trẻ cũng cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Để tránh mắc bệnh sởi, các phu huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ.

 

Theo điều tra dịch tễ của Bộ Y tế cho thấy khoảng 80% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm phòng. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin sởi thì tỷ lệ bảo vệ lên tới 90-95%.

 

Bác sĩ Hoàng Anh cũng cho biết: Ngoài giám sát dịch bệnh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, Trung tâm cũng đang tăng cường giám sát dịch bệnh ở các xã, phường, thị trấn thông qua hệ thống các trạm y tế xã và các y tế thôn bản để kiểm soát tốt hơn với bệnh sởi và một số bệnh khác trong thời điểm giao mùa hiện tại. Vừa qua, cùng với cả nước, Thái Nguyên cũng đã thực hiện tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ. Ngoài ra, từ tháng 10 năm nay, tỉnh cùng với toàn quốc sẽ triển khai tiêm vắc xin sởi, rubella cho toàn bộ trẻ từ 0 đến 15 tuổi. Chương trình này sẽ tiêm cho tất cả trẻ trong lứa tuổi trên đã hoặc chưa tiêm phòng sởi, rubella. Hiện, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang lập kế hoạch để triển khai trên toàn tỉnh và đây sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi bùng phát thời gian sau này.