Cảnh giác với các biến động cực đoan của thời tiết

07:57, 08/04/2014

Những biểu hiện bất thường của thời tiết, thiên tai ngày càng khắc nghiệt đang diễn ra khắp thế giới. Đó là biểu hiện rõ ràng nhất của sự biến đổi khí hậu, đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân và mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, chỉ riêng những ngày đầu tháng 4 người dân đã phải gánh chịu những đợt gió lốc, mưa đá hoành hành.  

Thời tiết đang có nhiều diễn biến bất thường

 

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, rạng sáng 6/4, trận mưa dông kèm theo mưa đá, gió lốc kéo dài khoảng 30 phút với cường độ mạnh tấn công một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, mưa đá, gió lốc mạnh đã gây thiệt hại nặng nề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Tả Sử Choóng, Chiến Phố thuộc huyện Hoàng Su Phì; làm hơn 100 nhà dân ở các xã Pả Vi và thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc bị tốc mái. Tại xã Tả Sử Choóng, gần 30 ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở hai thôn Tả Choóng và Hóa Chéo Phìn bị tốc mái hoàn toàn. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 300 triệu đồng.

 

Cùng với đó, tối 5/4, một trận mưa đá kèm theo lốc tố đã trút xuống nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Lốc xoáy làm đổ cột phát sóng của Ðài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bát Xát, làm tốc mái 35 nhà dân, trường học, trạm y tế... Tại huyện Bảo Yên, hàng chục ngôi nhà ở bản Pác Mạc và Tàng Què (thuộc xã Vĩnh Yên) bị tốc mái. Tại Sa Pa và TP Lào Cai, mưa đá kéo dài trong khoảng 15 phút, làm gãy, đổ, hư hại hàng chục ha rau xanh và cây màu các loại.

 

Không chỉ hai tỉnh trên, gió lốc, mưa bão hoành hành, làm tốc mái nhà hàng trăm hộ tại Lai Châu. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, mưa đá và gió lốc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã làm gãy đổ hàng trăm cây cao su và hàng trăm nhà dân, trường học bị tốc mái, ước thiệt hại ban đầu lên đến hàng trăm triệu đồng. Riêng ngày 4/4, tại hai xã Hoang Thèn và xã Dào San của huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) xuất hiện gió lốc làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà. Tại địa bàn xã Hoang Thèn, gió lốc giật mạnh còn làm gẫy hơn 600 cây cao su trồng tiểu điền từ năm 2006 và đã bắt đầu cho khai thác mủ từ hơn hai năm nay…

 

Theo các chuyên gia môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ trầm trọng hơn, tốc độ (thời gian) diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Vì thế, năm 2013 thiên tai đã xảy ra bất thường hơn, khốc liệt hơn các năm. Nếu không có các biện pháp thích ứng hiệu quả, trong tương lai không xa chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do tình trạng BĐKH và thiên tai gia tăng.

 

Sẵn sàng đối phó với các biến động cực đoan của thời tiết

 

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhìn nhận, trước đây, các chu kỳ của thời tiết tương đối ổn định, giờ đây mọi thứ đã biến động rất nhiều theo hướng tiêu cực.

 

Cụ thể, năm 2014 dự báo sẽ có 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (năm 2012 chỉ có 10 cơn bão). Về mưa, khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ sẽ cao hơn mọi năm khiến lũ trên hệ thống sông các vùng này cũng sẽ cao hơn. Ngược lại, khu vực Tây nguyên lượng mưa sẽ ít hơn, sông hồ cạn hơn và sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước... “Bởi vậy, chúng ta cần ở thế sẵn sàng đối phó với các biến động cực đoan của thời tiết, khí hậu năm 2014 này”, ông Tăng cho biết.

 

Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, biểu hiện cực đoan, khắc nghiệt của thời tiết đang ngày càng rõ ràng, ai cũng có thể nhận thấy. Bởi vậy, không còn cách nào hơn là chúng ta phải chủ động phòng tránh để giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn nhiều địa phương vẫn chủ quan, thiếu sự phối hợp, chỉ đạo chưa kiên quyết. Về phía người dân, do thiếu thông tin nên vẫn còn chủ quan, đối diện với nguy cơ thiên tai mà vẫn dựa vào kinh nghiệm.

 

Bên cạnh đó, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị còn hạn chế; công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, địa phương... khiến thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi thiên tai ập xuống là tương đối lớn.

 

Bởi vậy, thời gian tới, để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, các bộ ngành liên quan cần nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân thông qua việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em, kỹ năng phòng chống thiên tai; chuyển đổi mô hình sinh kế; bổ sung chính sách an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương… Đồng thời, tập trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo ra tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và ổn định sinh kế cho người dân, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ để dự báo và phòng ngừa rủi ro thiên tai./.