Năm nay đã bước sang tuổi 84, người cựu chiến binh Bùi Viết Hường, hiện trú tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, vốn là chiến sỹ công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, vẫn nhớ như in những tháng ngày hào hùng mà ông cùng đồng đội đã vinh dự đóng góp một phần tạo nên một chiến thắng "chấn động địa cầu."
Ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn 60 năm như những thước phim quay chậm được tái hiện qua lời kể của người chiến sỹ công binh năm xưa.
Những tháng ngày khói lửa
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Thanh Hà, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1950 nghe theo tiếng gọi của Đảng, người thanh niên Bùi Viết Hường hăng hái lên đường nhập ngũ và đóng quân tại C240, Sư đoàn 32 công binh ở tỉnh Bắc Ninh.
Sau đợt huấn luyện gian khổ trong quân ngũ, năm 1953 ông được chuyển lên Điện Biên chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Hường nhớ lại: "Hồi ấy hành quân vất vả lắm, đường sá đi lại rất khó khăn, phải đi vào ban đêm, khi hành quân, mỗi người phải cõng trên lưng gần 15kg gạo cùng súng và tư trang.
Dọc đường đi, có rất nhiều anh em đã hy sinh do sốt rét hoặc do trúng đạn giặc bởi vì lúc ấy giặc đánh phá rất ác liệt nhằm chặn đứng tuyến đường tiếp viện của ta. Tuy nhiên với ý chí kiên cường của những người lính công binh, mặc cho mưa bom, bão đạn, chúng tôi vẫn tiếp tục tiến quân…"
Được phân công phụ trách khu phía Bắc lòng chảo Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của ông Hường và các đồng đội là phải loại bỏ các chướng vật cản như bom, mìn, hàng rào dây thép gai…, mở đường cho bộ đội tiến vào trận địa.
Ông Hường hào hứng kể về trận đánh đầu tiên của chiến dịch, để bảo đảm nguyên tắc "trận đầu phải thắng," đơn vị của ông được chia thành nhiều tổ phụ trách phá hàng rào của cụm cứ điểm Him Lam cho bộ binh tấn công.
Tổ của ông Hường gồm bốn người, khi có hiệu lệnh là phát pháo xanh thứ nhất, mỗi người ôm hai ống bộc phá bật tung ra hai bên để phá hàng rào và bom mìn mà địch đã gài sẵn, sau khi loại bỏ thành công các chướng ngại vật thì bộ binh được lệnh tiến công đánh chiếm đồi Him Lam.
Sau khi phá được đồi Him Lam, sư đoàn của ông được nghỉ vài ngày, sau đó nhận được lệnh đánh đường 26 chặn xe tăng của địch phản công ra.
Lực lượng bộ đội vừa chiến đấu vừa đào hào bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ông Hường hồi tưởng, lúc ấy đơn vị bắt đầu được lệnh bố trí mìn để tiêu diệt xe tăng địch. Khi ấy trời rất tối, anh em phải dựa vào các tia sáng từ những quả pháo sáng bên địch bắn lên để chôn những quả bộc phá.
Do lực lượng và trang thiết bị của địch và ta lúc ấy quá chênh lệch, bọn chúng bắn phá liên tục khiến các đồng đội của ông thương vong rất nhiều, tuy nhiên cạm bẫy mà ông Hường cùng các đồng đội gài ở đó đã phát huy hiệu quả khi cản phá được rất nhiều đợt xe tăng, làm quân địch hoảng loạn.
“Chỗ chúng tôi đặt mìn cách bốt địch không xa nên khi thấy động, bọn địch đã nã đạn pháo bắn ra dày đặc và trong nhiều giờ liền, do đó việc đào hố để chôn bộc phá gặp rất nhiều khó khăn, khi đặt bộc phá xong, về đến khu vực an toàn mới biết anh em hy sinh nhiều, lúc đi có 36 người thì khi về chỉ còn lại 16 người.
Đây là trận chiến khó khăn và có số người hy sinh nhiều nhất trong chiến dịch của đơn vị tôi, nhưng đồng đội tôi cũng không hy sinh oan uổng khi nhiều chiếc xe tăng của địch bị đốn gục, từ đó làm địch suy yếu, để quân ta giành những chiến thắng tiếp theo…,” ông Hường ngẹn ngào nhớ lại.
Sau đó, sư đoàn của ông Hường nhận lệnh đánh chiếm khu trung tâm Mường Thanh, tại đây có nhiều trận chiến ác liệt giằng co giữa ta và địch. Tuy nhiên với tinh thần chiến đấu quật cường, đơn vị của ông Hường đã đánh chiếm được Mường Thanh, phối hợp với các cánh quân khác bao vây tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng lịch sử tại Điện Biên, sư đoàn của ông Hường nhận lệnh tiến về giải phóng Vĩnh Phúc sau đó tiếp quản Thủ đô…
Sáng kiến hiệu quả trong chiến đấu
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hường đã có những sáng kiến được áp dụng rất hiệu quả trong thực tiễn chiến đấu, được đồng đội học tập và được Bộ chỉ huy chiến dịch khen ngợi.
Ông Hường cho biết: "Ngày ấy đường sá chặt hẹp mà dốc đồi núi lại gần như thẳng đứng, bộ đội ta cứ kéo pháo lên một tí xong pháo lại thụt xuống, mặc dù huy động rất đông người nhưng vẫn không thể nào kéo nổi pháo lên. Tôi nghĩ, nếu cứ kéo thế này thì sẽ rất nguy hiểm vì nếu nhỡ tay một chút thôi là có thể đe dọa tính mạng của anh em chiến sỹ và nguy hiểm hơn nữa là khẩu pháo có thể bị lật, rơi xuống vực trong nháy mắt.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi mạnh dạn đề xuất là dùng một sợi dây buộc một đầu vào pháo, đầu dây kia buộc vào một đoạn gỗ rồi lợi dụng sức của cây ven đường làm điểm tựa, sau đó cử bốn người xoay quanh khúc gỗ cuốn dây để từ từ kéo khẩu pháo lên".
“Chính nhờ sáng kiến lợi dụng sức cây làm tời đó mà pháo của ta được kéo lên an toàn, bộ đội ta lại không phải mất quá nhiều sức lực. Nhờ sáng kiến này mà tôi đã vinh dự được Ban chỉ huy chiến dịch tặng bằng khen ngay tại trong chiến dịch,” ông Hường tự hào.
Một sáng kiến nữa của ông Hường là lúc đánh vào trung tâm Mường Thanh, sư đoàn của ông đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân địch ở cầu Mường Thanh, trận chiến này kéo dài trong nhiều ngày đêm, quân ta bị thương vong rất nhiều mà vẫn chưa thể nào qua được cầu vì hỏa lực từ trong đồn bốt của địch bắn ra liên tục.
Ông Hường kể: "Lúc ấy, chúng tôi nằm chờ từ 0 giờ đêm đến sáng rất nhiều ngày rồi mà vẫn chưa làm cách nào mà phá được đồn địch, tôi mới nghĩ ra một cách để nghi binh là lấy một khúc gỗ hóa trang giả làm người thật, thi thoảng lại giơ lên làm cho địch tưởng quân ta tiến quân, bọn chúng mới bắn đạn ra liên tục, cứ đợi một lúc chúng tôi lại giơ người giả lên, bọn chúng lại bắn ra, cứ như thế làm cho địch rối loạn, trong khi bộ binh của ta có thời gian nghỉ ngơi lấy sức chiến đấu.
Trong khi địch bắn liên tục ra mà không tiêu diệt được mục tiêu, đạn của chúng dần cạn, ý chí chiến đấu sụt giảm, bộ binh của ta mới tiến lên và nhanh chóng vượt cầu tiêu diệt các vị trí kháng cự cuối cùng của địch."
Sáng kiến nghi binh của ông Hường đã được Bộ chỉ huy chiến dịch đánh giá rất cao bởi nó giúp làm cho bộ đội tránh khỏi nhiều thương vong, trong khi làm cho tinh thần chiến đấu của quân địch hoảng loạn. Nhờ thế,bộ binh của ta đã nhanh chóng qua được cầu Mường Thanh rồi tiến quân sâu vào bên trong để tiêu diệt địch.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sư đoàn của ông Hường tiến quân về tiếp quản Thủ đô rồi sau đó ông tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều cống hiến và đóng góp to lớn, ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước./.