Hiệu quả từ những công trình nước tự chảy

10:49, 22/04/2014

Bằng nhiều nguồn vốn, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ đời sống nhân dân. Nhờ đó đã nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên toàn huyện lên 84%.

Trước đây Trường Mầm non Hợp Tiến chỉ sử dụng nguồn nước giếng đào để phục vụ sinh hoạt cho trên 20 giáo viên và gần 300 học sinh. Kể từ ngày có công trình nước sạch tự chảy dẫn nước từ khe Đèo Cái, Chòi Lũng về, Nhà trường đã ngừng hẳn việc sử dụng nước giếng mà chuyển sang sử dụng nước sạch. Cô Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trước đây, mặc dù biết nước giếng không đảm bảo vệ sinh, không tốt cho sức khỏe nhưng chúng tôi vẫn phải dùng vì không còn cách nào khác. Được dùng nước sạch từ công trình cấp nước sạch tập trung của xã, hơn 20 giáo viên và học sinh của Nhà trường vui mừng lắm vì từ nay đã đảm bảo được sinh hoạt, ăn uống hợp vệ sinh”.

 

Còn gia đình ông Dương Quý Vượng, xóm Bãi Bông trước kia chưa bao giờ nghĩ được dùng nước sạch thoải mái và thuận tiện. Vậy mà từ năm 2006 điều đó đã trở thành hiện thực khi công trình nước tự chảy được đưa vào hoạt động. Nguồn nước này đảm bảo phục vụ cho gia đình trong sinh hoạt thường ngày… Ông Dương Quý Vượng bảo: “Gia đình mình cũng như các gia đình khác ở trong xóm vui lắm, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà bà con ở đây được sử dụng nguồn nước sạch, giờ thì nước sạch chảy quanh năm, không lo thiếu. Bên cạnh nguồn nước đảm bảo thì chất lượng cũng rất tốt, bà con trong xóm không phải lo đi xa gánh nước từ khe trên núi về như ngày xưa nữa.

 

Ông Triệu Văn Đồng, Phó Chủ tịch UNND xã Hợp Tiến cho biết: Hợp Tiến là xã vùng sâu vùng xa của huyện Đồng Hỷ, có trên 1,6 nghìn hộ dân với 6 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65% tổng số dân. Một số xóm của xã có trên 98% số hộ là người dân tộc Dao như: Bãi Bông, Đèo Bụt, Cao Phong. 10/10 xóm của xã có địa hình chủ yếu là đồi núi. Bà con trong xã lâu nay đều thiếu nước sạch do đặc thù của địa phương là nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn. Nước ở các giếng đào, giếng khoan rất đục và đóng cặn vàng. Vì vậy, lâu nay người dân phải đi xa để lấy nước ở các khe suối về dùng cho sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Từ năm 2006 đến nay, xã được đầu tư 3 công trình nước sạch tự chảy. Khi đưa vào sử dụng, các công trình này đã phát huy hiệu quả, cung cấp nước sạch cho trên 400 hộ dân và các đơn vị trong xã. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện đáng kể.

 

Không chỉ ở xã Hợp Tiến, người dân ở các xã vùng dân tộc, miền núi khác của huyện Đồng Hỷ cũng đều được Nhà nước đầu tư những công trình nước sạch tự chảy thông qua các Chương trình số 134, 135. Đến nay, toàn  huyện đã xây dựng được 26 công trình nước tự chảy với tổng số tiền gần 50,6 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Chương trình 134, 135 và các chương trình khác. Từ đó, mang lại niềm vui được dùng nước sạch sinh hoạt cho 5,5 nghìn hộ dân và các trường học, nhà văn hóa, trụ sở tại khu vực hưởng lợi.

 

Nói về những công trình nước sạch tự chảy trên địa bàn, bà Phạm Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tập trung được huyện, xã và các cấp ngành coi trọng. Trước khi xây dựng các công trình nước tự chảy, các ban, ngành chức năng đều tiến hành khảo sát kỹ về địa hình, nguồn nước đảm bảo lưu lượng và chất lượng, địa chất đất… Đối với những xóm ở nơi có địa hình dốc, có nguồn nước chảy tự nhiên sạch, không thích hợp cho việc khoan giếng thì được xem xét để đầu tư xây dựng công trình nước tự chảy bao gồm bể chứa nước, nối đường ống dẫn nước về tận các hộ để giải quyết nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho bà con. Ưu điểm nổi bật của các công trình nước tự chảy là nguồn nước sạch, đảm bảo, tiết kiệm được chi phí do không sử dụng bằng điện, chảy tự nhiên, không phải khoan, đào, vừa tiện lợi, vừa kinh tế… chính vì vậy mà các công trình này đã mang lại hiệu quả cao, được bà con đón nhận, đồng tình ủng hộ và tiếp nhận quản lý giữ gìn công trình. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe của bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, hầu hết các công trình nước tự chảy trên địa bàn huyện đều hoạt động tốt, chất lượng nước đảm bảo và số lượng nước đủ cung cấp theo thiết kế xây dựng, bà con ở những nơi được thụ hưởng công trình nước sạch tự chảy đều có ý thức và trách nhiệm cao trong sử dụng, bảo quản các công trình.

 

Thực tế đã khẳng định hiệu quả của các công trình nước tự chảy đối với đời sống, sinh hoạt của các hộ dân vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện, người dân ở một số xóm vẫn còn gặp khó khăn về nước sinh hoạt mà địa hình, địa chất và nguồn nước ở những nơi này có thể phù hợp để xây dựng công trình nước tự chảy. Thiết nghĩ, trong những năm tới, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục khảo sát, bố trí kinh phí để xây dựng thêm công trình nước tự chảy, để trên địa bàn huyện Đồng Hỷ sẽ có thêm nhiều hộ được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh và tiện lợi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.