Sau khi đã chuẩn bị xong bữa cơm trưa cho gia đình nhà chủ, chị Liêu Thị Tuyến, người làm nghề giúp việc có ít phút thảnh thơi. Lúc đó, tôi lân la trò chuyện: Chị kể: Nhà có 5 sào ruộng, cấy cày không đủ thóc nuôi nhau, vì thế khi 2 con gái trở thành sinh viên thì tôi đi giúp việc lấy tiền nuôi chúng.
Chị Tuyến người dân tộc Tày, ở xóm Đầu Cầu, xã Đức Lương (Đại Từ). Năm 1990, vừa đầy 17 tuổi thì chị được cha mẹ gả cưới cho anh Lã Văn Kiên, người cùng xóm, kém chị 1 tuổi. Tuy không có yêu đương hò hẹn, nhưng sau ngày cưới, 2 người sống đằm thắm và lần lượt các cháu: Lã Thị Thùy (1992) và Lã Thị Hồng Nhung (1995) chào đời.
Tuy cuộc sống không dư dật nhiều, song trong ngôi nhà của họ luôn ấm áp tiếng cười nói hạnh phúc. Rồi vào một ngày đầu năm 1997, bà Hoàng Thị Tiến, xóm Dốc Mon, xã Yên Lãng là dì ruột bên chồng đến nhà thủ thỉ, rủ anh Kiên sang Sơn Dương (Tuyên Quang) làm quặng.
Nhớ lại chuyện cũ, chị Tuyến rân rấn nước mắt: Sau 7 tháng đi làm ăn xa nhà, người ta đã đưa chồng tôi về. Người ta bảo chồng tôi mất mạng do bị sập hầm trong khi tìm bới quặng. 2 người bạn của chồng tôi trong vụ sập hầm cũng được cấp cứu trong bệnh viện. 7 tháng đi đào quặng thuê, anh Kiên chưa nhận được một đồng tiền công nào để gửi về cho vợ nuôi con nhỏ. Chị Tuyến mộc mạc: Trước ngày chồng đi làm thuê, vợ chồng tôi cũng bàn tính với nhau, đợi cuối năm nhận lương một thể cho ra tấm ra món. Vậy mà anh ấy chết khi đứa con lớn mới lên 5 tuổi, đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi.
Một thân nuôi 2 con nhỏ, chị Tuyến vừa là người mẹ, lại là người bố bởi nhiều lúc phải “xù cánh” để bảo vệ các con khi bị bạn bè trêu chọc. Chị tần tảo lao động, hết việc nhà, ra việc đồng, hàng xóm ai nhờ gì chị cũng giúp. Tuy nhà thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ chị để các con mình phải nhịn đói đi học. Chị thường dạy các con: Đời bố, mẹ nghèo khổ cũng vì không được học hành nên các con có sức học đến đâu, mẹ cũng ủng hộ.
Thương mẹ, 2 chị em Thùy và Nhung chăm chỉ học tập, ngoài những buổi đến trường, 2 chị em tranh thủ giúp đỡ mẹ công việc đồng áng. Năm 2012, Thùy thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Lúc đó, chị Tuyến vừa mừng cho con.
Sau ngày tiễn cháu Thùy về trường nhập học, chị đưa cháu Nhung sang gửi ông bà nội trông nom để khăn gói về Hà Nội làm người giúp việc. Chị kể: Đi làm giúp việc, vốn liếng mình có là sức khỏe, sự thật thà, chăm chỉ chịu khó. Vậy mà cũng có chủ nhà không thông cảm, sinh sự, đặt điều bịa chuyện, kêu mất mát tiền của khiến tôi phải tủi thân. Khóc ròng mấy đêm thì người chủ nhà ấy mới nói thật là thử thách xem tôi là người như thế nào.
Năm 2013, cháu Nhung thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), chị mừng cho con, nhưng cũng biết gánh nặng chất lên đôi vai gầy của mình nhiều hơn. Ngày tiễn Nhung về trường nhập học, chị dặn: Đời mẹ nghèo nhưng sạch, con đi học, đừng vì nghèo mà đánh mất mình, đi làm những công việc hèn hạ. Nhờ chăm chỉ, thật thà chịu khó và biết lắng nghe, nên chị Tuyến được nhiều người nhờ đến nhà làm giúp việc. Đầu năm 2014, qua giới thiệu của bạn đồng nghề, chị về làm người giúp việc cho gia đình ông Nguyễn Đình Khúc, ở xóm Ao Voi, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên).
Vì phải lo làm ăn, các con của ông Khúc đều ra ở riêng. Ông Khúc thì đã già, 86 tuổi, nên mọi việc trong nhà ông đều giao cho chị, kể từ việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn. Ông Khúc bảo: Tôi rất may mắn có được người giúp việc như chị Tuyến ở trong nhà. Còn chị Tuyến thật thà, bảo: Làm giúp việc cũng là một nghề, chí ít là mình giúp cho người khác yên tâm, làm ra nhiều của cải cho gia đình và xã hội. Còn tôi, cơm đã ăn cùng gia đình nhà chủ, mỗi tháng còn được nhận thêm 3 triệu đồng tiền công. Có số tiền này, tôi gửi hết cho 2 con gái ăn học.
Chuyện chị Tuyến đi làm người giúp việc để nuôi 2 con ăn học được nhiều người khen ngợi. Chị đã kiên cường đi trên con đường đầy nhọc nhằn của cuộc sống, để chắt chiu từng đồng tiền lẻ, chăm bẵm dưỡng nuôi các con mình trở thành người sống có ích cho xã hội.