Xã Yên Lạc (Phú Lương) có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,91%, giao thông đi lại khó khăn. Tuy nhiên trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cán bộ y, bác sĩ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSK) ngày càng được nâng cao.
Ông La Văn Đồng, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo CSSK nhân dân xã Yên Lạc cho biết: Xã có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Sán Chí chiếm hơn 50%. Với đặc thù là xã nghèo, mỗi dân tộc lại có phong tục, tập quán riêng nên việc triển khai công tác y tế gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, xác định công tác CSSK nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, xã đã triển khai công tác này đến đội ngũ y, bác sĩ và người dân.
Năm 2010, Trạm được đầu tư xây mới theo Dự án AP (dự án phi Chính phủ của Mỹ) với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng với 13 phòng chức năng, trong đó có các phòng: hấp sấy dụng cụ y tế, lưu bệnh nhân, tiêm, y học cổ truyền, tuyên truyền... Với những phòng khám chuyên biệt như vậy, không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh trong việc khám, chữa bệnh, mà còn đáp ứng nhu cầu lưu trú, tư vấn, tra cứu thông tin cho bệnh nhân. Trạm được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cơ bản, đặc biệt là máy đo điện tim hiện đại. Ngoài ra, Trạm còn xây dựng vườn thuốc Nam rộng 80m2 với hơn 40 loài thảo dược, là nguồn thuốc phục vụ chữa bệnh Đông - Tây y kết hợp.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, Trạm cũng đã dần hoàn thiện đội ngũ cán bộ y tế cả về chất và lượng. Nếu như năm 2010, Trạm mới chỉ có 5 cán bộ gồm: 1 bác sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng trung học, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ trung học, thì từ năm 2011 đến nay, Trạm có thêm 3 y sĩ đa khoa, trong đó có 2 y sĩ được định hướng y học cổ truyền. Khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại là tiêu chí mà Trạm đã và đang hướng tới.
Ông La Văn Tạo, 68 tuổi ở xóm Cầu Đá vui vẻ chia sẻ: “Tôi mắc bệnh đau lưng, nhiều đêm đau nhức không ngủ được, các bác sĩ ở đây giới thiệu phương pháp bấm huyệt và châm cứu có tác dụng tốt nên cứ 1 tuần 2 lần, kiên trì trong 2 tuần nay, lưng tôi không còn đau nhiều nữa. Trước kia tôi rất sợ tiêm, thuốc kháng sinh vào người gây mệt mỏi, nhưng giờ bấm huyệt tôi thấy dễ chịu hơn. Bác sĩ làm khéo, nhẹ nhàng nên người già như tôi thấy rất thoải mái”.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nên hầu hết các kế hoạch đã đề ra đều hoàn thành đúng chỉ tiêu. 100% bà mẹ có thai đều được khám và tư vấn sức khỏe sinh sản, tiêm phòng uốn ván trước sinh. Công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi được triển khai đầy đủ các loại vac-xin theo quy định của Bộ Y tế đạt 95,5%.
Anh Thi Văn Dinh, 41 tuổi ở xóm Cầu Đá, là một trong 6 nam cán bộ y tế thôn bản của xã và cũng là người hoạt động hiệu quả, có những cách làm hay. Là đàn ông nên việc tiếp cận với các chị em trong CSSK bà mẹ, trẻ em, tư vấn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai có phần khó khăn hơn. Do vậy anh đã chủ động phối hợp với Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi tranh thủ lồng ghép tư vấn và tuyên truyền kiến thức CSSK tới toàn thể người dân trong xóm trong các buổi họp.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, công tác CSSK cho nhân dân trên địa bàn đã có nhiều biến chuyển, kết quả là người dân đến khám và điều trị bệnh ngày càng tăng. Tính riêng năm 2013 là 5.385 lượt người, trong đó, khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền trên 1.498 người. Trạm luôn bảo đảm tất cả người dân là các đối tượng chính sách, người có thẻ bảo hiểm y tế, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám, điều trị bệnh theo đúng quy định của Nhà nước.
Bà Hoàng Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Lạc khẳng định: Chúng tôi luôn xác định công tác CSSK nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, với việc tư vấn, khám và sàng lọc bệnh tại tuyến cơ sở, người dân được phát hiện và chữa bệnh kịp thời, từ đó góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Thời gian tới, Trạm tiếp tục cử y, bác sĩ tham gia các khóa học đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, đồng thời mỗi người cũng phải luôn tự ý thức được trách nhiệm cá nhân, hoàn thiện kỹ năng và y đức để chất lượng CSSK nhân dân ngày càng được nâng cao.