Lao động để sống vui, sống khỏe

10:01, 22/04/2014

Đã ở tuổi hơn tám mươi, vậy mà ông bà Liêm - Hân, ở tổ 10, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) tham gia lao động. Công việc của ông là làm vườn, mỗi năm thu nhập cũng đạt vài chục triệu đồng. Ông bảo: Vợ chồng tôi học tấm gương lao động của Bác Hồ để sống vui, sống khỏe...

Hôm nghe ông mệt tôi vào thăm, nhưng đến cổng đã thấy ông ở ngoài vườn chuối. Tôi bảo, ốm mà sao ông ra vườn sớm vậy? Ông cười , ốm mà cứ nằm bệt thì càng ốm hơn, cố gắng nhúc nhắc làm, quên cả ốm đau. Đây là bí quyết để vợ chồng tôi sống khỏe hơn đấy.

 

Tiếp tôi, ông hỏi huyết áp thấp hay cao. Tôi bảo huyết áp thấp! - thế là ông lấy đồ pha cà phê, rồi bảo: Cà phê của nhà đấy! Vừa nhâm nhi ly cà phê thơm nức, ông vừa trò chuyện: Ông bà đã về hưu được hơn 30 năm nhưng chưa khi nào ngừng lao động. Với hơn 3.000m2 đất vườn ông bà đã “xoay đủ món”: Đào ao thả cá, nuôi lợn, nuôi gà, rồi là trồng mơ, trồng dâu lấy quả. Tiếp là trồng mít, lúc cao điểm trong vườn có tới 40 cây mít cho trái, đến khi mít cũng không hiệu quả, ông lại phá mít để trồng cà phê. Thấy cà phê cũng không ổn, vài ba năm nay, ông chuyển sang chuối và đu đủ. Để có vườn cây trái như hiện nay ông đã phải sưu tầm, tìm hiểu rất nhiều tài liệu phục vụ cho công việc chăm sóc. Ông kết luận trồng chuối và đu đủ vừa kinh tế vừa phù hợp với sức khỏe tuổi già nhất.

 

Theo ông ra thăm vườn, thú thực tôi đã thăm quan nhiều mô hình V.A.C nhưng chưa thấy ở đâu làm quy củ như mô hình của ông bà. Hiện tại trong vườn có gần 100 gốc chuối được trồng theo hàng, thẳng tắp. Mỗi bụi ông chỉ để một cây mẹ và một cây con. Bây giờ là tháng 4 mà trong vườn vẫn còn hàng chục buồng chuối chuẩn bị cho thu hoạch, hàng chục cây đang trổ hoa. Ông bảo: Chuối và đu đủ cho thu hoạch quanh năm, lúc nào cũng có sản phẩm để bán. Dưới tán chuối ông trồng bắp cải, xu hào, đậu đỗ, rau thơm, mùa nào thứ đó. Cả vườn không có chỗ nào đất trống để phí và không có lấy một cây cỏ dại. Quanh vườn ông trồng sả, trồng chanh, các loại cây dược liệu...

 

Vào thăm mô hình, ai cũng phải thán phục sức lao động và sự cần mẫn của ông bà. Có người hỏi: Ông bà đã có lương hưu, con cháu thành đạt, lao động làm gì cho vất vả? Ông trả lời: Lao động làm cho cái đầu phải nghĩ, chân tay vận động, khí huyết lưu thông, ăn sẽ ngon hơn, ngủ tốt hơn. Đó chẳng phải là điều mà mọi người già đều phấn đấu sao. Vui vì làm vườn, rỗi thì làm thơ, cái đó đã giúp tôi có niềm vui, quên bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.

 

Chia tay ông Liêm và bà Hân tôi cứ nghĩ mãi về những vần thơ ông viết: "Cuộc đời ngắn còn lại/ Biết nâng cao cuộc sống/ Hưởng thụ công nghệ cao/ Từ giã mọi khổ hạnh. Cuộc sống của tuổi già/ Nên đa tầng đa dạng/ Có một hai bạn tốt/ Và cả nhóm bạn già".