Nơi người nghiện được chăm sóc, giáo dục để tái hòa nhập cộng đồng

09:35, 11/04/2014

Được thành lập từ năm 1994, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) là nơi tiếp nhận, chữa trị, cai nghiện phục hồi và tổ chức dạy nghề, lao động trị liệu cho người nghiện ma tuý, người bị nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Trải qua 20 năm hoạt động, Trung tâm đã chữa trị, cai nghiện và dạy nghề cho hơn 8.335 lượt học viên, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa ma túy trong xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 06/CP ngày 29-1-1993 của Chính phủ về: tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, ngày 13-4-1994, UBND tỉnh đã có quyết định chính thức thành lập Trung tâm cai nghiện thuốc phiện Bắc Thái, tiền thân của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Trung tâm lúc đó có nhiệm vụ: “Tổ chức tiếp nhận và cai nghiện cho người nghiện hút thuốc phiện do cấp có thẩm quyền gửi đến; triển khai các biện pháp về y học và y học cổ truyền dân tộc để chữa trị cho những người nghiện hút; kết hợp giữa biện pháp chữa trị với lao động sản xuất và dạy nghề, đảm bảo việc cai nghiện có hiệu quả; tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước cho những người đến cai nghiện và công dân trên địa bàn…”. 

 

Thời gian đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của Trung tâm được bàn giao từ Trường cấp III Ngô Quyền cũ đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn. Lúc này, Ban Giám đốc Trung tâm chỉ có 2 đồng chí, cán bộ cũng chỉ có 3 người. Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm tương đối nặng nề khi chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý mô hình cai nghiện, lại chưa có quy trình và phác đồ chuyên môn. Mặc dù vậy, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, lãnh đạo Trung tâm cùng sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành liên quan, Trung tâm đã dần đi vào hoạt động ổn định và từng bước phát triển. Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất khang trang với quy mô có thể tiếp nhận trên 200 học viên cùng lúc. Lực lượng cán bộ của Trung tâm cũng có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng với 65 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 3 bác sĩ chuyên khoa cấp I; 1 dược sĩ; 28 cử nhân…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Phần lớn các học viên trước khi vào Trung tâm đều có lý lịch rất phức tạp, nhiều học viên có tiền án, tiền sự, thậm chí có tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm khá cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm, cán bộ, công nhân viên Trung tâm đã khắc phục mọi khó khăn, vất vả để giúp đỡ các học viên sớm hoàn lương, hòa nhập cộng đồng.

 

Tất cả các học viên khi vào Trung tâm đều được kiểm tra, chăm sóc sức khoẻ, và phân loại về nhân thân, đánh giá mức độ nghiện, lứa tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, nghề nghiệp… để từ đó có biện pháp chữa trị, giáo dục phù hợp. Cùng với các biện pháp điều trị bệnh, phục hồi sức khỏe, Trung tâm còn tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các học viên những kiến thức cơ bản về ma túy và tác hại của ma túy, cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh da liễu, phơi nhiễm khác…

 

Theo chị Hà Thu Hương, Trưởng Phòng Giáo dục, hòa nhập cộng đồng của Trung tâm thì để cảm hóa, giáo dục những người nghiện ma túy, đội ngũ cán bộ của Trung tâm luôn quan tâm chăm sóc sức khoẻ, đồng thời nắm bắt quá trình phục hồi thể chất, tâm lý, nhân cách, diễn biến tư tưởng, tình cảm để tư vấn, giải thích kịp thời giúp các học viên nhận thức về hành vi sai phạm của mình để từ đó thay đổi suy nghĩ, sống hướng thiện và thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Chính vì vậy, không ít học viên lúc mới vào Trung tâm tỏ ra bất hợp tác, sống khép kín với mọi người xung quanh, nhưng sau một thời gian trị liệu, học tập đã tỏ ra cởi mở và tự tin hơn.

 

Học viên Đỗ Danh Tùng, 25 tuổi (ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ) đang điều trị tại phòng Chữa bệnh của Trung tâm chia sẻ: “Tôi bị nghiện ma túy từ khi 14 tuổi. Qua hơn 2 tháng điều trị tại Trung tâm, sức khỏe tôi bây giờ tốt hơn, tinh thần lạc quan hơn. Lúc trước, mải chơi, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Sau khi vào Trung tâm được các thầy, cô giác ngộ, tôi đã nghĩ nhiều hơn về gia đình, cha mẹ, anh em. Bản thân tôi tự hứa sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, sống thật tốt để không làm buồn lòng người thân”. Cũng như Tùng, hàng trăm học viên một thời lầm lỗikhác đang được Trung tâmcảm hóa để trở về, tái hòa nhập cộng đồng với mong muốn sẽ trở thành những công dân tốt, những người có ích cho xã hội.

 

Cùng với việc giáo dục, chữa bệnh và cai nghiện cho học viên, những năm qua, Trung tâm còn phối hợp với một số nhà trường, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy các nghề phổ thông như: mộc, may, mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi... giúp học viên sau cai nghiện có cơ hội tìm việc làm với thu nhập ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ tái nghiện. Ngoài ra, các học viên còn được tổ chức tăng gia sản xuất (trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm...). Thông qua lao động, giúp học viên hạn chế thời gian nhàn rỗi, đồng thời giúp họ nhận thức được giá trị của lao động, dần có tư tưởng tích cực và sống tốt hơn. Hiện nay, Trung tâm đã tự túc được rau xanh và một phần thực phẩm để cải thiện bữa ăn, góp phần nâng cao sức khoẻ và thể chất cho học viên.

 

Với những đóng góp tích cực trong công tác cai nghiện ma túy cũng như trong các hoạt động xã hội những năm qua, Trung tâm đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS… tặng thưởng Huân chương và nhiều Bằng khen, Giấy khen. Năm 2013, Trung tâm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc… Phát huy những thành tích đạt được, trong năm 2014 và những năm tới, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu trở thành đơn vị xuất sắc trong công tác điều trị và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.