Với mục tiêu trở thành một hình mẫu tiêu biểu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã cố gắng, nỗ lực triển khai các công đoạn, công việc theo một lộ trình khoa học, bài bản và chuyên nghiệp ở tất cả các khâu có liên quan. Trong đó, vấn đề xây dựng các khu tái định cư được xem là một trong những “mắt xích” quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp tới cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án.
Khu tái định cư Nam Sông Công nằm ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) được quy hoạch gồm 448 lô đất. Hiện nay, 437 lô đã được bàn giao cho các hộ dân. Đường nhựa chính trong Khu tái định cư rộng 10,5 mét, trải áp phan, vỉa hè rộng mỗi bên 6 mét. Trong Khu tái định cư, trạm cấp nước sinh hoạt, trạm xử lý nước thải và rác, đường dây điện thoại, hệ thống cung cấp điện và trung tâm y tế đã được xây dựng hoàn chỉnh. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ khác, như: khu nghĩa trang với tổng diện tích 8.500m2, nhà tang lễ… |
Xây dựng khu tái định cư trước khi thu hồi đất
Ở không ít các dự án có liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư thường tiến hành các phần việc trên song song với việc xây dựng các khu tái định cư, hoặc xây dựng các khu tái định cư sau khi đã thu hồi đất. Nhưng với Dự án Núi Pháo thì khác. Với mong muốn đảm bảo cho các hộ dân bị ảnh hưởng, thuộc diện được hỗ trợ tái định cư có nơi ở mới ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ, NuiPhao Mining đã xây dựng hạ tầng các khu tái định cư đảm bảo cơ bản các hạng mục về điện, đường, trường, trạm, xây dựng các ngôi nhà mẫu… để người dân có thể ổn định cuộc sống nhanh chóng khi chuyển đến sinh sống.
Khu tái định cư Nam sông Công được khởi công xây dựng ngày 10-07-2006, trước khi NuiPhao Mining tiến hành các hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Điều này thể hiện sự khác biệt và ưu việt của Dự án Núi Pháo so với các dự án khác. Đến năm năm 2007, có 21 hộ dân thuộc diện tái định cư đã tiên phong đến sinh sống tại Khu tái định cư Nam sông Công, để nhanh chóng bàn giao mặt bằng nơi ở cũ cho Dự án, tiêu biểu như hộ ông Đỗ Xuân Quế, Đào Xuân Đức, Cao Thanh Phương, Vũ Tiến Lãng….
Để tạo điều kiện tốt nhất vì lợi ích của mỗi bên và cho các đối tượng phải di chuyển tái định cư trong vùng Dự án, bên cạnh khung chính sách chung của UBND tỉnh Thái Nguyên, ngay từ những ngày đầu, Dự án Núi Pháo cũng đã đưa ra một số điểm trong chính sách hỗ trợ bồi thường, tái định cư; chính sách xã hội, hỗ trợ đảm bảo đời sống sau tái định cư và hỗ trợ di chuyển tái định cư… Đơn cử như một số chính sách được thể hiện trong Quyết định số 1932/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 22-9-2005: Giá đất ở tại khu tái định cư không cao hơn giá đất ở được tính bồi thường. Nếu tiền bồi thường đất ở thấp hơn giá ô đất theo quy hoạch tại khu tái định cư thì người được giao đất ở tái định cư không phải nộp phần chênh lệch; hộ gia đình, cá nhân có nhà được bồi thường hỗ trợ giá trị thấp hơn một ngôi nhà xây một tầng lợp mái diện tích 50m2 thì được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng; hộ được bồi thường hỗ trợ là hộ nghèo theo quy định của Bộ Lao động, Thươg binh và Xã hội phải di chuyển chỗ ở được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng...
Cùng với các chính sách ưu tiên tái định cư đối với các loại đối tượng như hộ nghèo, gia đình chính sách…, NuiPhao Mining còn tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại các khu tái định cư với tổng số tiền lên đến gần chục tỷ đồng. Đơn cử như: Xây dựng nghĩa trang nhân dân trị giá đầu tư hơn 1 tỷ đồng; xây dựng đường bê tông xóm 16 khoảng 1 tỷ đồng; xây dựng đường bê tông vào nghĩa trang xóm Trung Hòa trị giá 400 triệu đồng; hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng theo đề đạt của người dân…
Để giúp các hộ tái định cư sinh kế lâu dài, bền vững, NuiPhao Mining đã tổ chức nhiều hội thảo tư vấn giới thiệu việc làm, sử dụng tiền đền bù sao cho hiệu qủa; ưu tiên tuyển dụng lao động vào làm việc cho Công ty và cung ứng các dịch vụ (hiện nay, bình quân mỗi hộ gia đình đã có ít nhất 1 lao động được tuyển dụng), cụ thể như sau: Nhân viên chính thức cho NuiPhao Mining và các nhà thầu (nhà thầu SGS và SDV): 95 người; lao động phổ thông: 70 người; kết nối tuyển dụng cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: 10 người; các dịch vụ cung ứng địa phương (may bao bì và may đồng phục): 5 người...
Thực mục sở thị
Đứng trên cầu Huy Ngạc, chúng tôi có thể dễ dàng quan sát Khu Tái định cư Nam sông Công, Hùng Sơn 3 hiện ra như một thị trấn thu nhỏ, sầm uất với những dãy nhà cao tầng nằm san sát dọc theo tuyến đường rộng được trải áp phan phẳng lỳ, hai bên đường có cây xanh, đèn cao áp, hè đường, hệ thống thoát nước quy củ, tạo cảnh quan, môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Nhà thờ đang được xây dựng bề thế, to đẹp với tổng giá trị giá đầu tư gần 6 tỉ đồng. Nhà văn hóa hơn 300m2, mái lợp tôn, trần ốp thạch cao, nền lát gạch men… với tổng giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng cũng vừa được khởi công xây dựng. Các dịch vụ hàng hóa cũng đã được mở mang, tạo cho các khu dân cư có “màu sắc” của phố sá, của văn minh. Dừng chân trước một ngôi nhà cao tầng với kiểu dáng hiện đại, phía trước có cổng sắt, có giàn hoa leo, bất giác tôi nhớ đến những ngôi nhà cấp bốn, những con đường lầy lội, cây cối mọc um tùm… ở những xóm làng giờ là sự hiện diện của nhà máy, công trường Núi Pháo; những người nông dân chân lấm tay bùn, giờ đã có thể tự tin trong những bộ bảo hộ lao động để vào ca sản xuất, lao động…
Ông Đỗ Xuân Quế, Trưởng xóm Sơn Hà (Khu tái định cư Nam sông Công) thừa nhận: Chúng tôi đã có được nơi ở mới khang trang, sạch, đẹp hơn nơi ở cũ. NuiPhao Mining đã có những chính sách ưu tiên tuyển dụng những lao động thuộc diện phải tái định cư. Còn ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ nhận xét: NuiPhao Mining đã làm rất tốt vấn đề tái định cư. Và không chỉ riêng về vấn đề này, ở hầu hết các công việc khác của Dự án đều được triển khai bài bản và chuyên nghiệp. Nhờ có Dự án Núi Pháo chúng tôi mới có các khu dân cư đẹp và hiện đại như xóm Sơn Hà, mới có hệ thống xử lý nước thải trị giá hàng tỷ đồng, mới có khu chiếu sáng điện công cộng cao thế ở khu dân cư… Giờ huyện chỉ còn bàn bạc, thống nhất, lên kế hoạch để vận hành sao cho hiệu quả các công trình đó.
Y kiến và giải đáp
Tuy nhiên, trong thời gian qua, phóng viên Báo Thái Nguyên vẫn nhận được những phản hồi từ phía một bộ phận người dân về một số vấn đề liên quan đến Khu tái định cư Nam Sông Công, như: Trạm Y tế lại trở thành cơ sở điều trị Methadone; diện tích xây dựng chợ giờ lại phân lô; dù đã có tới hơn 200 hộ dân đến sinh sống nhưng tuyến đường đấu nối giữa Khu tái định cư với Quốc lộ 37 vẫn chưa hoàn thành…
Trước các ý kiến nêu trên, chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân. Thứ nhất về vấn đề Trạm Y tế trở thành cơ sở điều trị Methadone thì theo Công văn số 891/CV-UBND của UBND huyện Đại Từ: Hiện nay, Trạm Y tế xã Hùng Sơn đã đạt chuẩn Quốc gia và hoạt động hiệu quả. Việc có thêm một trạm y tế nữa là không đúng với quy định. Để tận dụng và khai thác hiệu qủa cơ sở vật chất này, phù hợp với chương trình phòng, chống ma túy, UBND huyện Đại Từ đã sử dụng làm cơ sở điều trị Methadone của huyện.
Thứ 2, về khu vực chợ của Khu tái định cư. Vẫn theo Công văn này, trong quy hoạch tổng thể của huyện đã quy hoạch chợ Đại Từ mới sát với Khu tái định cư Nam sông Công. Việc xây dựng thêm một khu chợ trong Khu tái định cư này sẽ gây lãng phí. Vì vậy, UBND huyện Đại Từ đã đề nghị với UBND tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chợ trong Khu tái định cư thành quy hoạch phân lô đất ở cho dân cư.
Thứ 3, về đường đấu nối từ Khu tái định cư ra Quốc lộ 37: Hiện nay, do còn vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng nên vẫn chưa thể tiến hành thi công được. Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, UBND huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân chưa nhận tiền đền bù nhanh chóng nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng để có thể tiến hành thi công “nút thắt” cuối cùng trong năm nay.
Như vậy, những thay đổi, tồn tại trên không thuộc phần trách nhiệm của NuiPhao Mining. Tuy nhiên, NuiPhao Mining chưa bao giờ cho rằng doanh nghiệp nằm ngoài những vấn đề mà người dân trong các khu tái định cư quan tâm, lãnh đạo Công ty đã và vẫn luôn quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong việc giải quyết dứt điểm những tồn tại, từng bước tháo gỡ những khó khăn để đảm bảo những lợi ích chính đáng cho người dân. Điều mà các cán bộ, công nhân viên ở NuiPhao Mining mong muốn nhất, đó là nhận được sự thấu hiểu, cảm thông và đồng thuận của người dân; sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, ngành chức năng trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi giữa các bên. Khi các bên có sự đồng thuận, hợp tác thì những việc dù khó khăn đến mấy cũng sẽ trở thành đơn giản.