Luật Tố tụng hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp. Việc thi hành Luật nhằm thực hiện quyền dân chủ, sự bình đẳng giữa công dân với các cơ quan công quyền trước pháp luật. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Luật Tố tụng hành chính vẫn còn ít nhiều sự lúng túng của cơ quan thực thi; một số tổ chức, cá nhân thì “chưa chắc thắng” nhưng đã khởi kiện dẫn tới mất thời gian, chi phí…
Luật Tố tụng hành chính đã mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính tại tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân với cơ quan công quyền trước Tòa án. Luật cũng quy định rõ điều, khoản để cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, hoàn tất thủ tục giải quyết khiếu kiện hành chính của công dân, cũng như các cơ quan, tổ chức khi khởi kiện. Ngoài ra, văn bản luật này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Với ý nghĩa quan trọng đó nên ngay sau khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, Tòa án Nhân dân tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, 9 huyện, thành, thị tổ chức tuyên truyền rộng rãi về nội dung của Luật. Đặc biệt, trước khi triển khai Luật Tố tụng hành chính, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tổ chức tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án trong toàn tỉnh.
Qua hơn 2 năm thực hiện Luật Tố tụng hành chính, Tòa án Nhân dân của 9 huyện, thành, thị và Tòa án Nhân dân tỉnh đã thụ lý 95 vụ kiện về hành chính (năm 2012 thụ lý 32 vụ; năm 2013 thụ lý 44 vụ…). Trong đó, công dân khởi kiện hành chính tập trung chủ yếu tại các địa bàn như: T.P Thái Nguyên; T.X Sông Công; huyện Phổ Yên; Đại Từ… Riêng Tòa án Nhân dân huyện Võ Nhai mới thụ lý, xét xử 2 vụ án công dân ở xã Thần Sa khởi kiện quyết định cưỡng chế làm nhà trên đất nông nghiệp của UBND huyện Võ Nhai. Tòa án Nhân dân huyện Định Hóa trong năm 2014 mới thụ lý đơn khởi kiện hành chính của công dân và đang trong quá trình thu thập chứng cứ, hoàn tất hồ sơ pháp lý, chưa đưa vụ án ra xét xử. Lĩnh vực xảy ra khiếu kiện hành chính cũng chỉ tập trung vào một số nhóm vấn đề gồm: cấp đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (chiếm trên 80% tổng vụ án hành chính); các quyết định xử phạt hành chính, hành vi hành chính; quyết định cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng; chi trả chính sách. Kết quả xét xử các vụ án hành chính trong hơn 2 năm qua cho thấy, đa số các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước 3 cấp trong tỉnh (tỉnh, huyện, xã) đều có cơ sở pháp lý, đúng theo quy định của pháp luật hiện hành (duy nhất chỉ có 2 vụ án hành chính do Tòa án Nhân dân huyện Phú Bình và Tòa án Nhân dân T.X Sông Công thụ lý, xét xử bị hủy kết quả do quá thời hiệu).
Tuy vậy, tỷ lệ các tổ chức, cá nhân khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước ra tòa kháng án theo trình tự khá cao (cấp sơ thẩm lên phúc thẩm có địa phương tới 50% số án về hành chính) và đến thời điểm cuối tháng 3-2014, có 5 vụ án hành chính kết thúc ở cấp phúc thẩm nhưng người khởi kiện tiếp khiếu nại bản án lên Tòa án Nhân dân tối cao. Cá biệt, có những vụ án người khởi kiện kháng án và phải xử đi, xử lại tới 4 lần.
Luật Tố tụng hành chính mới có hiệu lực và nhất là quan niệm, quan điểm của một bộ phận cán bộ, công dân về việc khởi kiện hành chính còn hạn chế, chưa thực sự am hiểu pháp luật. Vì hạn chế nêu trên nên trong quá trình triển khai thi hành văn bản luật này đã, đang nảy sinh một số vấn đề như: Cán bộ, đại diện cơ quan Nhà nước phản ứng hoặc có thái độ khi bị triệu tập ra tòa (khi chúng tôi đề nghị phỏng vấn, chụp ảnh, đại diện một số cơ quan Nhà nước bị công dân khởi kiện quyết định hành chính đều né tránh, không phối hợp); công dân, tổ chức khi bức xúc hoặc không được cơ Nhà nước đáp ứng yêu cầu là khởi kiện chứ chưa nắm chắc phần thắng hay có căn cứ pháp lý cụ thể; thẩm phán, hội thẩm nhân dân khi thu thập chứng cứ, xét xử vụ án hành chính còn lúng túng, e ngại dẫn tới thời gian xét xử vụ án hành chính kéo dài ở cấp sơ thẩm hay bị trì hoãn do vắng mặt đương sự…
Theo nhận định của lãnh đạo tòa án Nhân dân tỉnh, trong năm 2014 và các năm tiếp theo, số án về hành chính trên địa bàn tỉnh sẽ gia tăng, nhất là ở những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh. Do vậy, ngoài việc tăng cường đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất trong ngành, Tòa án Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nói chung, Luật Tố tụng hành chính nói riêng cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án; đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung của văn bản luận này và kiến nghị kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh về những hạn chế, vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân. Qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ khiếu nại về hành chính phải đưa ra xét xử.