Trong những năm qua, hoạt động Công đoàn (CĐ) của tỉnh đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Nhờ vậy, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền lợi từ tổ chức CĐ. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Dương Xuân Hùng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Thái Nguyên về vấn đề này.
PV: Để xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã làm gì để nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân?
Đ/c Dương Xuân Hùng: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 122.435 CNVCLĐ đang làm việc trong các thành phần kinh tế. Tỉnh Thái Nguyên đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế, đội ngũ công nhân lao động được bổ sung, từng bước đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trình độ học vấn của công nhân còn có những hạn chế nhất định. Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi còn thiếu. Một bộ phận người lao động chưa quen với tác phong công nghiệp.
Trong những năm qua, Công đoàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm rà soát, bổ sung các nhiệm vụ thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Việc tuyên truyền, học tập, nghiên cứu Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đên người lao động được các cấp công đoàn thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, cụ thể. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm cùng với công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Công đoàn các cấp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, các cấp công đoàn cùng với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập, nâng cao trình độ.
PV: Trong những năm gần đây do khủng hoảng kinh tế nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, vậy các cấp CĐ đã phát huy vai trò như thế nào trong việc tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, chuyên môn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo việc làm, đời sống của CNVCLĐ trong các doanh nghiệp?
Đ/c Dương Xuân Hùng: Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đã tập trung tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở để nắm bắt tình hình, tư tưởng, việc làm, đời sống công nhân lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nghiên cứu các vấn đề liên quan, các cơ chế chính sách để kịp thời phối hợp, trực tiếp tham gia với các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp giải quyết vướng mắc. Tham gia đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, chuyên môn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo việc làm, đời sống của CNVCLĐ trong các doanh nghiệp.
Tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua yêu nước để động viên CNVCLĐ hăng hái tham gia thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, đoàn kết chia sẻ khó khăn và gắn bó tạo sự phát triển bền vững trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tư vấn pháp luật, tổ chức kiểm tra, phối hợp kiểm tra về thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước giúp cho người lao động hiểu được trách nhiệm cũng như quyền lợi để có thể tự bảo vệ mình.
Phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thông qua qua việc nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động hàng năm. Trên cơ sở đó, các chế độ đối với người lao động như: HĐLĐ, thang bảng lương, BHXH, thời gian làm việc, ATVSLĐ, chế độ chính sách với lao động nữ... được thực hiện tốt hơn. Mối quan hệ giữa chuyên môn và công đoàn gắn bó hơn. Công tác quản lý, chăm lo việc làm, thu nhập và đời sống, thực hiện chính sách với người lao động tốt hơn, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, phát triển trong doanh nghiệp.
PV: Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể, vậy các cấp Công đoàn đã có những giải pháp gì nhằm nắm bắt kịp thời các diễn biến tư tưởng và những bức xúc trong CNVCLĐ để định hướng cách giải quyết tránh tình trạng ngừng việc, giúp cho người lao động hiểu được trách nhiệm cũng như quyền lợi để có thể tự bảo vệ mình thưa đồng chí?
Đ/c Dương Xuân Hùng: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gia vừa qua đã xảy ra một số cuộc ngừng việc tập thể. Sau khi nắm bắt được thông tin, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên đã chủ động với các ngành có liên quan xuống nơi cơ sở xảy ra sự việc để năm bắt tình hình, gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với công đoàn cơ sở. Đồng thời gặp trực tiếp công nhân lao động để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Sau đó cùng với công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở và chủ doanh nghiệp trao đổi thỏa thuận tìm hướng giải quyết.
Để hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể, đình công trái luật, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền trong công nhân lao động, để cho công nhân lao động hiểu biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình tại doanh nghiệp. Tập huấn cho cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng công đoàn cơ sở thực sự là chỗ dựa tin cậy cho người lao động”. Tổ chức chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở. Đẩy mạnh đối thoại giữa công nhân lao động và chủ tịch công đoàn, công nhân lao động và chủ doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động, giải quyết kịp thời các bức xúc, không để bức xúc kéo dài và bức xúc với nhiều người lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật tại tại doanh nghiệp để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người lao động. Từ đó, người lao động hiểu được trách nhiệm cũng như quyền lợi để có thể tự bảo vệ mình.