Chuyện tình “cô” dân công Điện Biên Phủ

10:05, 04/05/2014

Gọi là “cô” nhưng kỳ thực, năm nay “cô” đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, song, ai cũng thích gọi bà là “cô” một cách trìu mến như vậy, bởi khi tiếp xúc với cô đều đễ nhận thấy: Cô là người cởi mở, dễ gần và không kém phần dí dỏm. Cô là Trần Thị Tuyết Mai, ở Tổ 11, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên.

Tôi có duyên may được gặp cô cách đây đã 2 năm ở lễ hội Đền Lau, phường Cam Giá. Chỉ sau vài câu chuyện xã giao, cô đã không giữ khoảng cách mà say sưa kể với tôi về những ngày đi dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ và đặc biệt là câu chuyện tình duyên giữa cô và người lính trinh sát năm xưa. Câu chuyện của cô đã thôi thúc tôi quay trở lại vào những dịp như thế này.

 

Hôm tôi đến nhà, cô rất vui. Miệng nói, tay rót nước, gương mặt cô luôn ánh lên niềm tự hào về một thời đạn bom gian khổ mà hào hùng.Lục tìm trong ngăn tủ cô mang ra rất nhiều bài báo, sách ảnh nói về người chồng đã quá cố và câu chuyện tình cảm động của 2 người. Cầm cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử” (Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, của nhiều tác giả) trên tay, cô bảo: Đây là bài báo viết về ông nhà tôi - Phùng Quang Truy (ông từng là người lính trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ).

 

Trong một lần đi trinh sát cầu Mường Thanh, hầm Chỉ huy tướng Đờ-cát-tơ-ri và một số mục tiêu quân sự khác của địch, ông cùng với đồng đội trong Tổ trinh sát đã lấy được một chiếc dù lạ. Trong đó có một thùng hàng gồm: lương thực, thực phẩm và đặc biệt là có một tấm bản đồ Điện Biên Phủ, 48 bức ảnh cỡ lớn chụp vị trí các cứ điểm trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổ của ông đã nộp cho cấp trên. Đây là một tài liệu quý góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chạm vào kỷ niệm, hồi ức của cô về những năm tháng đi dân công hỏa tuyến, và tình cảm với người lính trinh sát trẻ ùa về.

 

Quê cô ở tận Vĩnh Yên nhưng lại tản cư đến phường Cam Giá từ năm 1945. Đầu năm 1951, anh Phùng Quang Truy ở Tây Bắc về Nhã Nam (Bắc Giang ngày nay) để học có đến thăm người anh họ (làm ở Sở Kinh tế Liên khu Việt Bắc cũng sơ tán tại phường Cam Giá, ở cạnh gia đình cô). Anh Phùng Quang Truy đã gặp chị Mai, lúc đó đang là phụ trách đội thiếu nhi. Do từ trước đến nay không có ai dạy hát nên khi thấy anh bộ đội đến, cô đã nhờ anh chép bài hát. Thế là anh vội lấy cây bút ra chép và hát cho cô và các bạn cô nghe bài “Ngày về” của Văn Cao: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm/Nơi sống đây ngày giờ đằm thắm/Nhớ phút chia ly ngại ngùng bước chân đi/Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh…”. Hai người chỉ quen nhau trong chốc lát rồi xa nhau từ đó, vì học xong anh lại trở về Tây Bắc làm nhiệm vụ. Mặc dù lúc đó cô Mai mới 16 tuổi, chưa đến tuổi lấy chồng nhưng người anh họ đã thay mặt em họ và gia đình bên chồng đến dạm ngõ cô cho anh Truy.Ở “hai đầu nỗi nhớ”, anh và cô chỉ có những lá thư ngắn ngủi, mộc mạc làm sợi dây liên lạc tình cảm.

 

Cuối năm 1953, khi chiến tranh đang trong giai đoạn quyết liệt, cần có sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường Điện Biên, cô Mai đã quyết tâm đi dân công hỏa tuyến với ước vọng vừa để góp phần nhỏ bé của mình cho chiến trường, vừa nuôi hy vọng sẽ được gặp lại anh - người chồng chưa cưới đã hơn 3 năm trời cách trở. Được tin cô Mai tham gia chiến dịch, nên cứ đoàn dân công nào đi qua anh Phùng Quang Truy cũng cố hỏi thăm tin tức. Nhưng cô không thể lên hỏa tuyến được mà phải ở lại ngã ba Cò Nòi - Đây là một ngã ba hết sức ác liệt lúc đó. Từ Hòa Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái lên; từ Lai Châu, Điện Biên Phủ, Sơn La xuống đều phải qua ngã ba này.

 

Vì vậy, ngày nào cũng có 5 đến 7 trận bom của địch ném xuống không những xới tung đất, đá mà còn làm phá vỡ các con suối làm cho bùn, đất trộn lẫn nhau, nên xe cộ, người qua, lại rất lầy lội. Dân công lại phải lên rừng chặt cây làm giá trượt cho xe lăn qua. Nhưng bom rơi xuống, đất, đá, cây que lại trộn vào với nhau thành một mớ lùng nhùng. Vì vậy, phải có lực lượng dân công làm nhiệm vụ chống lầy, san gạt bùn, đất, đá, cây que cho xe qua lại dễ dàng hơn. Cứ ban ngày các cô tìm vào rừng ngủ để tránh máy bay địch, tối lại quay ra san lấp hố bom, làm đường cho xe qua.

 

Lúc đó, cô là Bí thư đoàn, Chính trị viên Trung đội dân công. Khi nhận lệnh, cô tức tốc viết  cho anh một lá thư với nội dung ngắn gọn: “Anh đừng mất công tìm em nữa, em đã phải dừng lại ngã ba Cò Nòi để chống lầy chứ không phải “lấy chồng” đâu, anh cứ yên tâm”. Thế rồi, tưởng rằng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ cả hai sẽ được gặp mặt, nhưng anh Truy lại nhận được lệnh phải sang Lào tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được thực hiện anh mới về  nước.  Cuối năm 1954 anh được thưởng phép để về cưới vợ. Đám cưới thật đơn giản: chỉ có xôi nén cắt ra thành mảnh với chuối tiêu và vài trăm khách dự. Quà mừng là chiếc bút bi hoặc vài cuốn sổ tay. 10 ngày sau, anh Trung lại chia tay Mai trở lại Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ.

 

Cô Mai cười đôn hậu: Cuộc đời của ông nhà tôi hầu như gắn với vùng Tây Bắc. Vì ông thuộc biên chế của Trung đoàn 148 - thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc nên tất cả những cánh thư gửi về, lá thư nào cũng ghi hết Tây Bắc, Thượng Lào lại Điện Biên, Đồng Văn, Mèo Vạc, Lào Cai... Cô còn nói một cách hình ảnh: “Ông nhà tôi lên Tây Bắc từ khi Điện Biên Phủ chưa có thằng Tây nào, đến khi Điện Biên Phủ sạch bách không còn thằng Tây nữa cũng vẫn ở Điện Biên”. Mãi đến năm 1959, do sức khỏe yếu ông đã được chuyển ngành về Quân khu Việt Bắc, rồi về công tác tại khu Gang thép, từ lúc ấy ông, bà mới được ở bên nhau hàng ngày.

 

Thấm thoát đã gần 60 năm kể từ khi cưới nhau, ông, bà đã có 5 người con và 10 cháu nhưng tình cảm vẫn đượm nồng. Bà bảo: Trước hôm ông mất 10 ngày (vào tháng 10-2012) khi vợ, con, cháu chắt ngồi quây quần bên giường bệnh, bỗng ông lại cất tiếng hát bài “Ngày về” của Văn Cao thuở ông, bà mới gặp nhau lần đầu. Giọng ông không còn trong trẻo như xưa, tiếng hát ngắt đoạn, nghẹn ngào trong nước mắt, nhưng bà vẫn cảm nhận được tình yêu của ông đã dành trọn vẹn cho bà.