Bí thư Đảng ủy xã Khe Mo (Đồng Hỷ), đồng chí Nguyễn Văn Long nói với chúng đầy tự tin: Từ năm 2013 đến nay, nhân dân trong xã đã hiến hàng chục nghìn m2 đất để làm đường; xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao mà không đòi hỏi tiền đền bù. Trong số đó phải kể đến 2 anh em Lăng Thế Long và Lăng Thế Lưu ở xóm Khe Mo 1, người dân tộc Nùng đã tự nguyện hiến 3.500m2 đất để xã xây dựng chợ nông thôn mới.
Việc làm của 2 anh em dòng họ Lăng khiến nhiều người dân quan tâm. Nhiều người bảo: Với diện tích đất này có thể xây dựng được một trang trại chăn nuôi, hoặc cho người khác thuê, mỗi năm cũng kiếm được bộn tiền. Hoặc nghĩ giản đơn theo cách sớm lúa, chiều khoai, tập trung trồng cấy ngay trên khu đất đó, chỉ cần gieo cấy 1 vụ lúa cũng thu hoạch được khoảng 2 tấn thóc. Mỗi người một câu, rồi trở thành vấn đề thời sự được bà con đem kể khắp làng trong, xóm ngoài. Hơn nữa, khu đất anh em nhà họ Lăng hiến cho chính quyền địa phương nằm ngay bên trục đường từ thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), đi qua địa bàn xã, ra tới La Hiên (Võ Nhai).
Ban đầu cũng có nhiều người suy đoán về mục đích 2 anh em dòng họ Lăng hiến khu đất tiện đường, thuận vụ cho chính quyền địa phương xây dựng chợ. Bàn tán qua lại rồi mọi người cũng hiểu ra, họ chẳng vì vụ lợi cá nhân, mà vì mong muốn con cháu xã Khe Mo sau này có một cái chợ cho ra hồn mà bán, buôn làm giàu. Do đó nhiều người thấy cảm phục, cùng tham gia hiến đất mà chẳng nghĩ đến chuyện đòi hỏi đền bù. Ông Phạm Văn Thi, cán bộ địa chính, xây dựng xã Khe Mo cho biết: Các công trình, nhất là công trình giao thông liên xã, liên xóm mở đến đâu, bà con đều hưởng ứng và tự nguyện hiến đất. Hầu hết các hộ đều tháo dỡ bờ rào và tài sản trên đất để đơn vị thi công mở rộng từng tuyến đường, hoặc chuẩn bị cho việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.
Còn ông Long và ông Lưu khi được hỏi về mục đích hiến đất cho địa phương xây dựng chợ, cả 2 nhìn nhau, cười hiền khô, ông Long bảo: Với nông dân chúng tôi, đất đai là thứ tài sản quan trọng nuôi sống con người. Nhưng mình thấy việc hiến đất để Nhà nước xây dựng chợ “nó” thiết thực, nhiều người cùng được hưởng thì mình không ngần ngại nữa. Ông Lưu cho biết thêm: Ban đầu lãnh đạo xã đến nhà đặt vấn đề hiến đất cho địa phương xây dựng chợ theo tiêu chí nông thôn mới, tôi băn khoăn và có đề nghị xã hỗ trợ cho gia đình một chút tiền công ngày xưa đã khai hoang, cải tạo đất sản xuất. Sau thấy “các bác” lãnh đạo trên xã nói rõ là không có tiền hỗ trợ nên anh em tôi bảo nhau không đòi hỏi mà vẫn hiến đất. Để chắc chắn, anh em chúng tôi đã đề nghị UBND xã viết giấy cam kết: Sau khi gia đình giao đất, chính quyền địa phương sẽ sử dụng vào mục đích xây chợ. Trong trường hợp không có kinh phí xây chợ, thì UBND xã sẽ phải trả lại đất cho gia đình.
Qua trò chuyện chúng tôi biết, đây là phần đất hương hỏa được các cụ để lại cho ông Long canh tác, sử dụng, tổng diện tích rộng hơn 4.500m2. Năm 1993, ông Long rủ em trai mình đang ở trong xã Văn Hán (cùng huyện Đồng Hỷ) ra ở cùng để “anh em tối lửa tắt đèn có nhau”. Khi đó, ông Long đã chia cho ông Lưu 2.800m2 đất tại khu vực này để cày cấy sinh sống. Tuy nhiên, ngoài khu đất này, ông Long còn có 3 sào ruộng, 1,7ha đất rừng và 3 sào đất chè. Còn ông Lưu có 4 sào đất ruộng và 7 sào đất chè. Vì thế khi trò chuyện với chúng tôi, cả 2 anh em họ Lăng đều bảo: Hiến đất, có nghĩa là nguồn thu nhập của gia đình mình bị giảm bớt, nhưng mọi người trong xã hội được lợi. Cân nhắc kỹ, chúng tôi thấy đó là việc nên làm… Trong tổng số 3.500m2 đất được hiến cho xã xây dựng chợ, gia đình ông Long hiến 2.500m2; gia đình ông Lưu hiến 1.000m2. Vì là 2 khu đất liền kề nên việc quy hoạch, xây dựng chợ của xã Khe Mo gặp nhiều thuận lợi.
Ông Thi cho biết thêm: Tại địa bàn xã đã có chợ, rộng hơn 2.000m2. Dự kiến khu chợ cũ dành để xây dựng trung tâm văn hóa thể thao của xã. Cũng từ năm 2012, UBND xã đã lên phương án lựa chọn địa điểm xây dựng chợ mới đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới. 3 địa điểm được lựa chọn, trong đó có 2 địa điểm ở xóm Khe Mo 2, nhưng khó khả thi vì khu đất liên quan tới nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân trên đất; còn phương án 3 được lựa chọn tại khu vực đất của 2 gia đình ông Long và ông Lưu, xóm Khe Mo 1. Do đó, bản thân tôi và ông Phạm Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã đã đến nhà 2 anh em họ Lăng để tuyên truyền vận động gia đình họ hiến đất. Rất mừng, họ đã không tính toán hơn thiệt, hiến đủ số đất 3.500m2 như đề nghị của UBND xã.
Chuyện này, ông Long phấn chấn kể: Ban đầu thấy ông Trường, ông Thi đến nhà nói chuyện địa phương hưởng ứng tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc tìm khu đất phù hợp để xây dựng chợ, tôi với chú Lưu phấn khởi, ủng hộ liền mà cũng không nghĩ các bác đang hướng vào khu đất của nhà mình. Phải đến lần thứ 3, ông Trường đặt vấn đề cụ thể: Nếu gia đình bàn bạc, thống nhất được việc hiến đất thì địa phương ghi nhận, xây dựng chợ cho nhân dân trong vùng giao thương thuận lợi... Tận khi đó anh em nhà họ Lăng mới ngớ người, suy nghĩ mấy đêm rồi mang chuyện bàn với vợ, con. Bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Long và bà Lâm Thị Liên, vợ ông Lưu là 2 người đàn bà hiền thục, chất phác, bảo: “Ý của nhà đã quyết, tôi biết vâng theo chứ bàn làm gì cho thêm rối”. Chuyện hiến đất, ông Long, ông Lưu cũng mang bàn với một số người thân trong dòng họ thì đều được mọi người khuyến khích nên làm, vì đây là một nghĩa cử cao đẹp.
Việc 2 anh em dòng họ Lăng hiến đất cho xã xây dựng chợ đạt quy chuẩn nông thôn mới do Bộ Xây dựng ban hành được chính quyền nhân dân địa phương ghi nhận. Ông Long và ông Lưu được Chủ tịch UBND xã tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào: “Chung tay xây dựng nông thôn mới xã Khe Mo” năm 2013. Ông Long nói vui: Kèm theo tấm Giấy khen của Chủ tịch UBND xã, chúng tôi - mỗi người còn được thưởng 100.000 đồng.
Nhìn khu đất đỏ ối mới được san lấp, tôi chắc chắn những người dân xã Khe Mo sẽ rất trân trọng sự cống hiến của 2 anh em dòng họ Lăng đã có tinh thần đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích gia đình. Thiết nghĩ: Việc đẩy mạnh Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đã xuất hiện nhiều những tấm gương điển hình, làm nên một vườn hoa đẹp, mà trong đó ông Lăng Thế Long và ông Lăng Thế Lưu là một bông hoa đẹp giữa vườn hoa.