Góp phần xây dựng đô thị văn minh

17:30, 07/05/2014

Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, thời gian qua công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã được T.P Thái Nguyên quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.

Luật Xây dựng và các nghị định liên quan quy định:

-  Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nếu không thông báo ngày khởi công cho UBND cấp xã nơi xây dựng công trình và cơ quan cấp phép xây dựng.

- Xây dựng sai nội dung giấy phép: + Trường hợp được cấp phép sửa chữa, cải tạo: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu ở đô thị.

+  Trường hợp được cấp phép xây dựng mới: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu ở đô thị.

- Xây dựng không phép: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; từ 10 đến 15 triệu đồng/công trình nhà ở riêng lẻ ở ở đô thị.

- Các công trình vi phạm đều phải bị lập biên bản đình chỉ, hoặc yêu cầu tháo dỡ…

 

Những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) của thành phố thể hiện ở việc các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách tích cực, kiên quyết, tình trạng vi phạm giảm trong khi nhận thức, ý thức chấp hành của người dân đã khá hơn trước rất nhiều. Ông Mai Anh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Quản lý TTXD là một nhiệm vụ trọng tâm của quản lý đô thị, đã được đưa vào Nghị quyết của Thành ủy, HĐND cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của thành phố. UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan liên quan, tăng cường trách nhiệm của cấp xã trong quản lý TTXD. Song song với việc đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm, thành phố chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân.

 

Sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phần nào được thể hiện qua các con số thống kê. Chỉ tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, Đội quản lý TTXD và giao thông thành phố phối hợp với lực lượng ở phường, xã đã kiểm tra 396 trường hợp xây dựng (riêng 15 ngày của tháng 4 là 179 trường hợp). Trong đó có 302 trường hợp xây dựng đúng nội dung cấp phép, 70 trường hợp xây dựng không phép và 24 trường hợp sai phép. Những trường hợp xây dựng không phép hoặc sai phép, không thông báo cho chính quyền ngày khởi công, hoặc tập kết vật liệu sai quy định đều bị lập biên bản, qua đó các cấp đã đình chỉ, yêu cầu tự tháo dỡ một số công trình và xử phạt trên 62 triệu đồng. Trước đó, cả năm 2013, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra 1.377 trường hợp xây dựng, phát hiện 304 trường hợp xây dựng không phép và 52 trường hợp xây dựng sai phép, đề nghị xử phạt trên 73 triệu đồng.

 

Những con số này cũng cho thấy tình trạng vi phạm liên quan đến hoạt động xây dựng còn khá phổ biến, nhưng theo anh Trần Xuân Thưởng, Đội trưởng Đội quản lý TTXD và giao thông T.P Thái Nguyên thì nhìn chung, số lượng và tỷ lệ vi phạm đã giảm nhiều. Bởi trước đây vài năm, đa số trường hợp được kiểm tra đều ít nhiều có vi phạm. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Đội đã xây dựng các kế hoạch, phân công thành viên phụ trách địa bàn, phối hợp với chính quyền cấp xã và hỗ trợ các tổ quản lý trật tự xây dựng - mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường (TTXD - MQĐT và VSMT) ở xã, phường kiểm tra, lập biên bản và tham mưu xử lý vi phạm. Đồng thời thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các tổ về chuyên môn, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm, tránh thiệt hại cho người vi phạm (khi buộc phải tháo dỡ, nộp phạt) cũng như sự phức tạp trong quá trình xử lý. Từ tháng 3 vừa qua, Đội thực hiện giao chỉ tiêu kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng cho 12 tổ quản lý TTXD - MQĐT và VSMT ở 12 phường thuộc khu vực trung tâm thành phố.

 

Cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ quan liên quan và địa phương trên địa bàn thành phố còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về xây dựng bằng nhiều hình thức. Vì vậy nhận thức, ý thức chấp hành của phần lớn người dân đã có chuyển biến tích cực. Bà Lê Thanh Hảo ở tổ 22, phường Gia Sàng nói: “Tôi đã chấp hành tốt những quy định, như xin cấp phép và thông báo ngày khởi công cho UBND phường trước khi bắt đầu xây nhà mới. Tôi nghĩ, việc chấp hành tốt quy định là trách nhiệm của mỗi người và chỉ có lợi cho mình, bởi nếu không sẽ bị phạt, có khi còn bị đình chỉ xây dựng”.

 

Phường Quang Trung thuộc khu vực trung tâm thành phố, hiện có 14.000 nhân khẩu thường trú, với trên 3.300 hộ dân, hoạt động xây dựng dân dụng trên địa bàn luôn diễn ra khá sôi động. Theo anh Trần Văn Hà, Tổ trưởng Tổ quản lý TTXD - MQĐT và VSMT phường thì tình trạng vi phạm trong xây dựng tại phường vẫn còn nhưng đã giảm nhiều so với trước, bởi đa phần người dân đã có ý thức chấp hành. Từ đầu năm, Tổ đã tham mưu cho phường ra quyết định đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ 5 công trình nhà ở và quán bán hàng không phép, trái phép. Về công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: Chúng tôi thường xuyên lồng ghép vào các hội nghị hoặc những buổi họp dân. Ngoài lực lượng nòng cốt của phường, 39 tổ dân phố đều thành lập tổ tham gia quản lý đất đai, TTXD - MQĐT và VSMT (mỗi tổ từ 4 đến 5 người). Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện và thông báo cho phường những trường hợp vi phạm…

 

Rõ ràng, với sự tích cực, quyết liệt của các cơ quan chức năng và địa phương trên địa bàn trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã đem lại những kết quả tích cực. Điều đó là cần thiết và cần được đẩy mạnh, nhằm xây dựng T.P Thái Nguyên trở thành một đô thị văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp.