Học tập tấm gương đạo đức của Bác, 3 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Phú Lương đã có những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với các phong trào của Hội như: “5 không, 3 sạch”; hiến đất làm đường; nuôi còn khoẻ, dạy con ngoan… nhưng nổi bật hơn cả vẫn là phong trào thực hành tiết kiệm, giúp đỡ những hội viên nghèo, có hoàn cảnh éo le.
Được giới thiệu về mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” của Chi hội Phụ nữ xóm Đá Vôi, xã Động Đạt (Phú Lương), tôi đã đến tìm hiểu. Chị Hoàng Thị Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Đá Vôi chỉ vào hũ gạo tiết kiệm nói: Từ đầu tháng Ba đến giờ, các hội viên trong Chi hội đã góp được 201 kg gạo. Trong cuộc họp của Chi hội vừa qua, chúng tôi đã xét hỗ trợ cho 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn là: Tô Thị Na, Nguyễn Thị Thoa, Ma Thị Thắm vay, mỗi hội viên được vay 50 kg, số gạo còn lại chúng tôi sẽ xét cho các chị em khác vay tiếp vào cuộc họp Chi hội tháng sau.Phong trào thực hành tiết kiệm giúp đỡ các chị em nghèo được thực hiện từ năm 2009. Ban đầu, các hội viên hỗ trợ nhau bằng gà giống, mỗi hội viên góp 1 con gà giống cho hội viên nghèo vay, sau đó góp tiền mua lợn giống để giúp đỡ hộ nghèo. Từ năm 2012, khi tôi đọc được thông tin Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ thực hiện mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” vừa tiện ích vừa hiệu quả, tôi đưa mô hình này ra cuộc họp và đều được các hội viên đồng tình ủng hộ. Gạo được các chị em đem đến trong những buổi sinh hoạt Chi hội và thống nhất cho những hội viên nghèo vay luôn.
Chị Hà Thị Sòn, một trong những người được vay gạo chia sẻ: Tôi là hội viên đầu tiên được vay gạo của chị em phụ nữ đóng góp. Lúc đó, gia đình tôi rất hoàn cảnh! Chồng bị bệnh nan y nằm liệt giường, cậu con trai lại đi làm ăn xa, còn tôi đau yếu suốt ngày, lúc đó vào thời điểm giáp hạt, nếu không có hội viên giúp đỡ thì không biết xoay sở thế nào?
Chị Hoàng Thị Thanh Đôi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Động Đạt cho biết: Thực hành tiết kiệm được hội viên phụ nữ trong xã Động Đạt thực hiện từ năm 2009, bắt đầu từ việc hỗ trợ nhau gà giống, lợn giống, đến năm 2010 một số chi hội chuyển sang thực hiện mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, đến nay đã có 19 chi hội thực hiện mô hình này. Đến nay, Hội Phụ nữ xã Động Đạt đã có 378 hội viên được giúp đỡ từ các mô hình nói trên và đã có 197 hội viên thoát nghèo.
Không chỉ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Động Đạt mà các Hội Phụ nữ xã khác của huyện Phú Lương cũng thực hiện mô hình tiết kiệm khá thành công. Mô hình nổi bật của Hội xã Sơn Cẩm lại là nuôi lợn nhựa tiết kiệm. Năm 2010, xã mới xây dựng được 1 mô hình thí điểm, nhưng đến nay cả 19/19 chi hội đều thực hiện hiệu quả mô hình này. Đến thăm mô hình “nuôi lợn nhựa tiết kiệm” tại Chi hội Phụ nữ Thanh trà 2, chị Trần Thị Thuý, cho biết: Chi hội mua 1 con lợn nhựa, mỗi lần họp, các hội viên đều đóng góp quỹ 5.000 đồng để bỏ vào lợn, sau 1 năm, Chi hội mổ ra và đem số tiền đó cho hội viên nghèo vay để phát triển kinh tế, đến nay hầu hết những chị em nghèo của Chi hội đều được vay từ số tiền này.
Chị Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lương chia sẻ: Khi đất nước ta phải trải qua nạn đói năm 1945, Bác Hồ đã kêu gọi đồng bào cả nước nhịn ăn để tiết kiệm nhường cơm, sẻ áo cho những người khó khăn hơn mình. Việc làm này đối với chúng tôi vẫn thật sự có ý nghĩa, bởi hiện nay, các chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa của huyện Phú Lương vẫn còn hết sức khó khăn. Chúng tôi vận động các tổ chức Hội thực hiện phong trào “Lá lành đùm lá rách” bằng những việc làm cụ thể như: Góp lợn, gà, xây dựng “hũ gạo tình thương”, “nuôi lợn đất tiết kiệm” để giúp hội viên nghèo. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa của huyện các hội viên còn góp cả thóc, ngô, chè... Với phương châm “ai có cái gì thì giúp nhau cái đó”, việc làm này đã được đông đảo hội viên hưởng ứng, bởi đây không chỉ là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc mà còn phù hợp với điều kiện kinh tế của tất cả các hộ gia đình hội viên nông thôn.
Cũng từ việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, trong 3 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Phú Lương đã xây dựng và duy trì 25 mô hình làm theo tấm gương Bác hiệu quả như: mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” tại xóm Đồng Tâm, Làng Ngòi 1,2, Đồng Niêng, Đuổm, Cây Hồng 1 (Động Đạt) và xóm Trung Yên (Yên Đổ), đã huy động trên 76 triệu đồng để giúp 14 gia đình hội viên; các mô hình “Tiết kiệm ngô”, “Tổ phụ nữ tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, giúp nhau phát triển kinh tế” ở các xã Sơn Cẩm, Cổ Lũng, Yên Trạch, Phấn Mễ, Hợp Thành...
Bên cạnh vận động hội viên thực hành tiết kiệm, giúp hội viên nghèo, có hoàn cảnh éo le. Trong 3 năm qua, thực hiện Cuộc vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” cũng được các cấp Hội Phụ nữ huyện Phú Lương hưởng ứng nhiệt tình. Kết quả, hội viên trong huyện đã ủng hộ được 237 triệu đồng để xây dựng 11 nhà “Mái ấm tình thương” tặng cho 11 hội viên phụ nữ nghèo. Ngoài ra hội viên tại các chi hội thôn, xóm tiết kiệm tiền để tạo nguồn vốn tại chỗ hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, với mức đóng tối thiểu 5 nghìn đồng/người/tháng. 100% cơ sở chi hội tiến hành phát động hội viên đóng góp. Đến nay các cấp hội của huyện đã huy động được trên 1,3 tỷ đồng, số tiền trên đã giúp 1.066 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế, nhiều hội viên từ nguồn vốn vay này đã thoát được nghèo.
Nói về việc học tập đức tính tiết kiệm của Bác, chị Hương chia sẻ: Trên cơ sở một số mô hình đã làm tốt, chúng tôi tiếp tục nhân rộng điển hình; với cách làm linh hoạt, có thể là đóng góp tiền, có thể là góp con gà, củ sắn, cân ngô… tuỳ theo cách làm của từng chi hội. Đó là những việc làm tuy nhỏ nhưng hết sức ý nghĩa để giúp hội viên nghèo bớt đi khó khăn trong cuộc sống thường ngày.