Ít nguy cơ xảy ra bệnh chồng bệnh

16:37, 14/05/2014

Tại một số tỉnh, thành phố, trong khi tình hình bệnh sởi và sốt phát ban dạng sởi chưa có dấu hiệu suy giảm, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết lại có dấu hiệu gia tăng gây ra nguy cơ xảy ra tình trạng bệnh chồng bệnh. Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ít có nguy cơ xảy ra bệnh chồng bệnh do toàn tỉnh chưa phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết, còn số bệnh nhân mắc tay chân miệng không nhiều.

Sởi sẽ “hạ nhiệt”

 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến ngày 14-5, đã có 170 bệnh nhân sốt phát ban nghi mắc sởi và được lấy mẫu xét nghiệm, tăng gần 30 trường hợp so với thời điểm cách đây 1 tuần. Tuy nhiên, theo kết quả xét nghiệm, số người bệnh có kết quả dương tính với virus sởi không tăng so với thời điểm cách đây 1 tuần và dừng lại ở 34 bệnh nhân. Hiện, có khoảng trên 40 bệnh nhân sốt phát ban nghi mắc sởi đang điều trị tại một số cơ sở y tế trên địa bàn.

 

Trong đó, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (ĐKTWTN) là nơi tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nhất với trên 30 bệnh nhân. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Mạnh Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện ĐKTWTN cho biết: Những ngày gần đây, bệnh nhân sốt phát ban nghi mắc sởi tiếp tục gia tăng, trung bình, mỗi ngày có tới 5 bệnh nhân nghi mắc sởi nhập viện điều trị. Tuy nhiên, hầu hết những bệnh nhân mới nhập viện điều trị gần đây đều không nguy kịch mặc dù một vài bệnh nhân đã có dấu hiệu biến chứng.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: Trên thực tế, lượng người nghi mắc sởi chưa giảm nhưng lượng bệnh nhân dương tính với sởi không tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đã qua giai đoạn chuyển mùa chuyển hoàn toàn thành thời tiết mùa Hè cũng góp phần làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh sởi. Chính vì vậy, chúng tôi dự báo lượng bệnh nhân mắc sởi và nghi mắt sởi sẽ giảm trong thời gian tới. Đối với bệnh sốt xuất huyết đang phổ biến tại nhiều tỉnh phía Nam thì hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp mắc. Còn bệnh tay chân miệng, toàn tỉnh mới chỉ phát hiện 3 ca nhiễm bệnh. So với cùng thời điểm năm ngoái, lượng bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng năm nay chỉ bằng trên 1%. Lượng bệnh nhân này vẫn có thể tăng nhẹ trong thời gian tới nhưng chúng tôi dự báo sẽ không có khả năng gây đột biến và ít nguy cơ xảy ra tình trạng bệnh chồng bệnh vào thời điểm này như một số địa phương khác

 

Thận trọng sử dụng thực phẩm

 

Trong khi các bệnh thường diễn ra vào thời điểm chuyển mùa có dấu hiệu suy giảm thì nguy cơ xảy ra các dịch bệnh mùa hè cũng tăng cao đặc biệt là các bệnh lây nhiễm qua thực phẩm. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Một trong những mối nguy lớn gây dịch bệnh vào mùa hè là chất lượng thực phẩm trên thị trường hiện nay. Năm 2013, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đã tổ chức giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm tại 39 đơn vị, 49 bếp ăn tập thể, 12 chợ đầu mối và 36 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn. Kết quả giám sát được thực hiện trên 9 nhóm thực phẩm với hai loại yếu tố gây nguy cơ là vi sinh và hóa học để đánh giá mức độ ô nhiễm và yếu tố chủ yếu gây ô nhiễm. Kết quả cho thấy, trong tổng số 484 mẫu thực phẩm giám sát có tới 160 mẫu ô nhiễm (chiếm 33%), không đạt các tiêu chí giám sát. Trong đó: thịt lợn quay, nem chua, giò nạc và chả thịt lợn có tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật cao.

 

Ông Tuấn khuyến cáo, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, an toàn; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh và đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”, vệ sinh cơ thể thường xuyên. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống cần có trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất, kinh doanh để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

 

Được biết, chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, bảo vệ sức khỏe nhân dân, mới đây, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu các trung tâm y tế, các bệnh viện tăng cường công tác phối hợp truyền thông giáo dục sức khỏe, kêu gọi người dân giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, môi trường công tác; thực hiện chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh ăn uống để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh lâu nhiễm các bệnh qua đường ăn uống. Ngành cũng yêu cầu, các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền tại các trường học về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch môi trường, học cụ và đồ chơi hằng ngày.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngoài những biện pháp trên, chúng tôi cũng yêu cầu các Trung tâm y tế chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng chống dịch năm 2014 phù hợp với các bệnh dịch thường có tại địa phương; các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, để công tác phòng chống dịch đặc biệt là dịch bệnh mùa hè có hiệu quả thì ngoài sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, rất cần sự tham gia tích cực của người dân. Chúng tôi kêu gọi mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức của bản thân để góp phần cùng ngành y tế, cùng cộng đồng phòng chống cách dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.