Làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: Không ít áp lực

15:49, 14/05/2014

Đó là nhận xét chung của lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương cũng như những người trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) thuộc cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài thời gian làm việc ít nhất 8 giờ/ngày, nhiều nơi còn phải trực luân phiên ngày thứ 7 thì chuyện cán bộ bộ phận TN&TKQ phải đối mặt với sự bức xúc, cùng những lời nói khó nghe của người dân là điều khá phổ biến…

Hiểu một cách chung nhất, chức năng, nhiệm vụ chính của bộ phận TN&TKQ là kiểm tra, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân để chuyển đến bộ phận chuyên môn giải quyết theo quy định. Nhờ có bộ phận TN&TKQ mà việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ của cá nhân, tổ chức trở nên nhanh chóng, thuận lợi, giúp giảm được một lượng thời gian đáng kể cho người dân so với trước kia. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người thì cán bộ làm việc tại bộ phận TN&TKQ thường phải chịu một áp lực rất lớn trong công việc.

 

Theo ông Mầu Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên), thì nhiều người cho rằng, bộ phận TN&TKQ ra đời là để giúp người dân hoàn thiện những thủ tục còn thiếu, vì thế, khi “bị” cán bộ một cửa yêu cầu bổ sung hay làm lại giấy tờ nào đó, thậm chí chỉ là phải chờ lâu thì rất dễ nảy ra suy nghĩ cho rằng mình đang bị “làm khó” để “vòi vĩnh”, vì thế không ít người đã tỏ thái độ khó chịu, bức xúc, từ đó có những lời nói khó nghe nhằm “buộc” cán bộ phải tiếp nhận hồ sơ của mình, hoặc có khi chỉ là để xả giận… Ngược lại, nếu cán bộ TN&TKQ không hướng dẫn tổ chức, cá nhân làm đúng, làm đủ thì sẽ bị phòng chuyên môn hoặc lãnh đạo từ chối tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ. Lúc đó, không chỉ người dân vẫn sẽ phải bổ sung, làm lại những giấy tờ cần thiết, mà ngay chính cán bộ bộ phận TN&TKQ cũng sẽ bị đánh giá là năng lực, trình độ kém hoặc thiếu trách nhiệm…

 

Hiện nay, theo quy định của UBND tỉnh, cán bộ, công chức chuyên trách làm việc tại bộ phận TN&TKQ đang được hưởng mức hỗ trợ 200.000 đồng/người/tháng, còn kiêm nhiệm được bồi dưỡng không quá 10.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có 9/15 sở, ngành, 8/9 UBND cấp huyện, 77/181 UBND cấp xã đã và đang áp dụng thực hiện mức hỗ trợ này. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 172 ngày 22-10-2012 thì “Mức chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ tối được đa 400.000 đồng/người/tháng. Mức cụ thể do HĐND cấp tỉnh quyết định phù hợp với khả năng ngân sách địa phương…”.

 

Theo Thông tư 172, nhằm động viên cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ, đồng thời để các sở, ngành, địa phương có điều kiện và nghiêm túc thực hiện mức hỗ trợ này, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh đã có Tờ trình quy định mức hỗ trợ đối với cán bộ công chức, người làm việc trực tại bộ phận TN&TKQ, với mức hỗ trợ 400.000 đồng/người/tháng đối với cán bộ chuyên trách; 15.000 đồng/người/ngày đối với cán bộ trực không thường xuyên. Nguồn kinh phí hỗ trợ cán bộ, công chức và người làm việc trực tại bộ phận TN&TKQ được giao trong dự toán hằng năm của các cơ quan, đơn vị. Với 946 cán bộ, công chức hiện đang làm việc tại bộ phận TN&TKQ thì mỗi năm, ngân sách tỉnh dự kiến sẽ chi trên 4,5 tỷ đồng cho việc hỗ trợ này.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương đã bày tỏ sự đồng tình cao với nội dung Tờ trình của UBND tỉnh. Các ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ có thể không nhiều (vì nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp) nhưng điều đó phần nào thể hiện được sự ghi nhận, động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với công việc mà cán bộ đang làm để họ thêm yêu và cảm thấy yên tâm, gắn bó hơn với công việc vốn vẫn được cho là nhạy cảm và không ít áp lực này. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, một số ý kiến cũng đưa ra những đề xuất.

 

Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, không nên áp chung một mức hỗ trợ cho tất cả các xã, phường, thị trấn bởi số lượng hồ sơ của mỗi xã, phường không như nhau. Những xã có số dân trên 1 vạn người, lượng hồ sơ mà bộ phận TN&TKQ tiếp nhận sẽ nhiều hơn rất nhiều so với đơn vị chỉ có 3-4 nghìn nhân khẩu.  Bởi thế, mức hỗ trợ nên tính đến yếu tố số dân và địa hình. Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND T.P Thái Nguyên, ngân sách nhà nước cũng cần đảm bảo chi trả tiền làm thêm giờ cho những cán bộ phải trực thứ 7 (hiện nay, phần lớn bộ phận TN&TKQ của các xã, phường trên địa bàn thành phố đều tổ chức trực thứ 7 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch nhưng hầu hết các đơn vị đều không có nguồn để chi tiền làm thêm giờ cho bộ phận này, trong khi đó họ cũng không được bố trí nghỉ bù vào ngày thường do khối lượng công việc lớn).

 

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình lại cho rằng, với mức lương hiện nay, cán bộ công chức được thêm bất cứ khoản hỗ trợ nào của Nhà nước đều tốt. Tuy nhiên, khi chưa thể hỗ trợ hết đối với mọi cán bộ, công chức thì việc hỗ trợ cho cán bộ bộ phận TN&TKQ đối với cấp huyện là điều chưa thực sự cần thiết, dẫu vẫn biết áp lực trong công việc của bộ phận này không nhỏ. Theo quy định, đối với cấp huyện, cán bộ bộ phận TN&TKQ hoàn toàn không liên quan đến việc giải quyết hồ sơ, mà công việc này do cán bộ phòng chuyên môn đảm nhận. Trong khi biên chế không tăng, khối lượng công việc ngày một lớn, nhiều phòng lại phải bớt người cho bộ phận TN&TKQ nên những người còn lại phải “gánh” một lượng việc rất lớn và trách nhiệm có thể nói là cao hơn nhiều so với cán bộ TN&TKQ, bởi họ mới chính là người phải chịu trách nhiệm đến cùng với các hồ sơ đó. Bởi thế, thay vì việc hỗ trợ cho cán bộ bộ phận TN&TKQ cấp huyện, trước mắt, tôi đề nghị được tăng biên chế. Đồng thời, tỉnh cũng cần xem xét dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho bộ phận TN&TKQ vì hiện nay, chỗ làm việc của bộ phận TN&TKQ của huyện và hầu hết các xã đều chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều xã vẫn phải ngồi chung phòng với bộ phận khác. Còn đối với cấp xã, tôi đồng tình với mức hỗ trợ được đưa ra, bởi cán bộ trực tại bộ phận TN&TKQ cũng đồng thời là người giải quyết các hồ sơ.