Người đàn ông to, cao, mặc áo thun tươi màu bắc tấm ván gỗ kề bờ cho chúng tôi lên con tàu 30 mã lực, ký hiệu VB01 của Đoàn An điều dưỡng 16, Bộ Quốc phòng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ). Khi mọi người yên vị, anh trèo lên buồng lái, nổ máy tàu, chuyến thăm hồ bắt đầu.
Tôi đã nhiều lần du ngoạn hồ Núi Cốc bằng phương tiện của Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch công đoàn Hồ Núi Cốc nhưng đây là lần đầu tôi đi trên hồ bằng tàu của Đoàn An điều dưỡng 16. Vẫn núi Cốc, sông Công dịu dàng nước bạc, rừng PAM xanh tốt, những đảo Khỉ, đảo Cò… quen thuộc. Tàu dừng cách đập chính đắp ngang sông Công chừng vài trăm mét. Từ vị trí này chúng tôi nhìn thấy núi Cốc, đảo đá và đền Gàn (thờ Bà Chúa thượng ngàn). Xa xa là núi Tam Đảo và nhiều dãy núi không tên mờ xanh. Bài hát “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của Nhạc sĩ Phó Đức Phương cất lên. Từ phía sau, người lái bước lên mũi tàu, bắt đầu làm nhiệm vụ của một hướng dẫn viên du lịch.
Mọi người từ ngạc nhiên chuyển sang thích thú bởi giọng nói trầm bổng, lúc thơ, lúc văn hòa quyện của anh. Anh nói về lịch sử hình thành hồ, sự tích những cái tên quanh vùng như núi Quần Tiên, Phượng Hoàng “bên Tiên, bên Phượng nối liền sông Công”…30 phút nói liên tục, không một lần vấp váp, chuyện xưa, chuyện nay đan xen, anh kể đầy thăng hoa xúc cảm khiến ai nấy chăm chú lắng nghe, gật gù tán thưởng.
Anh là Đại úy Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1970, quê ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Học xong phổ thông, Đoàn nhập ngũ, học lái tàu tại Lữ đoàn Công binh 575 (Quân khu I). Năm 1995, anh chuyển về công tác tại Đoàn An điều dưỡng 16, làm nhiệm vụ lái tàu chở khách du lịch trên hồ từ đó đến nay.
Nói về cơ duyên để trở thành “hai trong một”, vừa là lái tàu vừa là hướng dẫn viên như hiện nay, anh Đoàn kể: Trong những lần đưa khách chơi hồ, nhiều người hỏi tôi về lịch sử vùng đất, các hòn đảo, tình hình kinh tế, văn hóa, đặc sản, ẩm thực của Thái Nguyên. Để trả lời các câu hỏi của du khách, tôi đã tìm đọc về lịch sử, địa lý, quân sự; đọc các bài viết về hồ. Sau 1 tháng đưa khách chơi hồ, tôi nảy ra ý định: soạn một bài giới thiệu chừng 20 phút. Có chút năng khiếu văn chương, lại có trí nhớ tốt, tôi “lắp ghép” giữa cổ tích và hiện thực, kế thừa các bài giới thiệu đã biết, thêm thắt ý tưởng của mình, lúc dùng thơ, lúc dùng văn, rồi học thuộc, luyện cho chỗ lên bổng, chỗ xuống trầm cho truyền cảm. Tôi lên báo cáo ý tưởng và đọc “bài” cho thủ trưởng duyệt. Được chỉ huy nhất trí, từ đó tôi đưa “tiết mục” vào giữa hành trình. Thông thường chuyến đi khoảng 1 tiếng rưỡi, thì có 30 phút tôi neo tàu ở khu vực gần đập chính để giới thiệu.
- Vậy là “tiết mục” của anh hôm nay đã có 19 năm tuổi đời? Tôi hỏi.
- Đúng vậy. Nhưng bài của tôi đã khác rất nhiều so với ban đầu.
Theo anh Đoàn chia sẻ, nếu như thuộc luồng lạch là khả năng quan trọng của người lái tàu, thì hiểu tâm lý, sở thích của khách du lịch là điều quan trọng của hướng dẫn viên. Do không biết trước đối tượng mình phục vụ là ai nên anh Đoàn luôn chuẩn bị sẵn nhiều “giáo án”. Với người cao niên anh nói về lịch sử, chiến khu cách mạng; với các bà, các cô anh nói về vùng đất địa linh nhân kiệt, về tâm linh gắn với hiện thực; với sinh viên anh nhấn vào câu chuyện tình vượt bao cách trở của nàng Công, chàng Cốc; với lứa tuổi nhi đồng, anh kể chuyện Bác Hồ với Việt Bắc, liên hệ với cuộc sống ngày hôm nay.
Ông Ngô Xuân Bắc, khách du lịch tỉnh Bắc Giang đi cùng chuyến tàu với tôi gật gù nhận xét: Nói nhiều lần như vậy mà vẫn xúc cảm, vẫn hào hứng, quả là con người trách nhiệm và yêu công việc.
Bà Bùi Kim Phụng (Bắc Kạn) lần đầu du thuyền trên Hồ thì tấm tắc mãi: Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè tôi về người lái tàu độc đáo này.
Tôi làm phép tính với Đoàn: Trung bình 3 chuyến/ngày, 19 năm qua, anh đã giới thiệu cho du khách gần 20 nghìn lần. Công việc này có mang lại lợi ích gì cho riêng anh không?
Anh nhẹ nhàng: - Tôi vẫn chỉ hưởng lương theo cấp bậc. Nhưng lần nào đưa khách ra hồ, tôi cũng nói, dù mệt hay khỏe. Gần 20 năm ở đây, tôi hiểu luồng lạch vùng hồ như hiểu tính nết người thân của mình. Hồ Núi Cốc mênh mông, đằng sau những hòn đảo kia còn có hàng chục điểm khách du lịch có thể dừng chân, ở chơi cả ngày không chán. Ví dụ như khu vực xóm Bờ Rạ ở núi Ba Chân trong kia, tôi có thể giới thiệu về lai lịch vùng đất, thời kỳ chống Pháp gian khổ, về nghề trồng chè, kỹ thuật sao sấy. Khách tham quan vùng chè, hái, chế biến chè, mua gà đồi, nấu cơm. Đi du lịch như thế mới thật là thú vị. Tiếc là các chuyến tàu thăm hồ vẫn bí bó về thời gian. Hơn nữa, mùa du lịch nước hồ lại cạn, tàu chỉ đi được một luồng, không rẽ vào ngõ ngách được. Vẻ đẹp của hồ vì thế chưa giới thiệu được hết cho du khách…
Trước lúc rời Núi Cốc, tôi tìm gặp Đại tá Ninh Quang Vẻ, Đoàn trưởng Đoàn An điều dưỡng 16 để hỏi thêm về anh Nguyễn Văn Đoàn. Ông Vẻ hào hứng: Chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ việc làm của Đoàn. Bằng năng khiếu, chịu khó và hơn hết là tinh thần trách nhiệm, anh Đoàn đã làm nên điểm nhấn về du lịch của Đoàn An điều dưỡng 16 chúng tôi.