Trong những ngày gần đây, lượng bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi và có dấu hiệu lâm sàng mắc sởi tăng nhanh. Tính đến chiều 7-5, toàn tỉnh đã có 142 ca lâm sàng nghi mắc sởi và 34 bệnh nhân có mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút gây bệnh sởi. Đáng lo ngại hơn là nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng nặng khiến công tác điều trị gặp khó khăn.
Trong 2 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (ĐKTWTN) tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân nhập viện với những biểu hiện lâm sàng giống bệnh sởi. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa có trên 20 bệnh nhân nghi mắc sởi điều trị nội trú. Riêng chiều 7-5, Khoa có tới 25 bệnh nhân điều trị nội trú.
Chị Nguyễn Thị Xuyên, 25 tuổi ở xóm Trào, xã Yên Đổ (Phú Lương) là bệnh nhân lớn tuổi nhất nghi mắc sởi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Chị Xuyên nhập viện chiều 5-5 với những biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh sởi như: đau họng, sốt, ho, mắt đỏ và nổi các nốt phát ban khắp cơ thể. Chị Xuyên cho biết: Tôi là người thứ ba trong gia đình bị sốt phát ban. Trước đó, chồng và con tôi mới 7 tháng tuổi cũng bị sốt phát ban như vậy và đã khỏi bệnh.
Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất hiện đang điều trị là cháu Vũ Tùng Linh mới 2 tháng tuổi ở tổ 6, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Chị Phạm Thị Phương, mẹ cháu cho biết: Tôi phát hiện cháu có biểu hiện mắc sởi từ ngày 1-5 và đến ngày 5-5, cháu lười ăn, ho, sốt cao, mắt đỏ kèm phát ban nên gia đình đưa vào viện. May mắn được các cán bộ y tế điều trị tích cực nên hiện nay, cháu đã qua thời gian nguy kịch, hạ sốt và đã bú sữa mẹ bình thường.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Mạnh Tuấn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện ĐKTWTN cho biết: Năm 2013, Khoa không tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm sởi nào nhưng tính từ đầu năm đến nay, Khoa đã khám và điều trị cho gần 100 bệnh nhân sốt phát ban có triệu chứng lâm sàng giống bệnh sởi trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới được 1,5 tháng tuổi và bệnh nhân nhiều tuổi nhất là 29. Điều nghiêm trọng là có một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi đã biến chứng nặng bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm ruột như trường hợp cháu Hồ Đức Thái, 8 tháng tuổi ở xã Thanh Ninh (Phú Bình) bị viêm phổi nặng; cháu Nguyễn Thị Thảo Vy, 9 tháng tuổi, ở tổ 2, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cũng bị viêm phổi nặng phải điều trị tích cực hơn 10 ngày mới khỏi.
Theo bác sĩ Tuấn, hầu hết các trường hợp bệnh nhân biến chứng nặng có nguyên nhân do gia đình tự ý điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Chính vì thế, chúng tôi khuyến cáo những người bệnh khi có dấu hiệu sốt phát ban dạng sởi cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị mà không tự ý dùng thuốc. Trong trường hợp bệnh có biểu hiện nhẹ chỉ cần đến các cơ sở y tế tuyến dưới để tránh quá tải cho tuyến trên, đồng thời hạn chế khả năng bội nhiễm khi quá tải bệnh viện.
Theo thông tin tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số bệnh nhân nghi mắc bệnh sởi và bệnh nhân dương tính với vi rút gây sởi trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh. Tính đến chiều 7-5, toàn tỉnh đã có 142 ca bệnh sốt phát ban nghi mắc sởi. Qua xét nghiệm thực tế đã có 34 trường hợp mắc vi rút gây bệnh sởi, cách đây hơn 1 tuần con số này mới là 11 trường hợp. T.P Thái Nguyên là địa phương có nhiều ca mắc sởi nhất với 17 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi. Ngoài ra, vào trung tuần tháng 4, tại Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) đã phát hiện 24 trường hợp trẻ 15 tuổi sốt phát ban nghi mắc sởi. Qua xét nghiệm đã phát hiện 13 cháu dương tính với vi rút gây bệnh sởi. Nghiêm trọng hơn, ngày 2-5, một bệnh nhi 14 tháng tuổi ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) đã tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) sau hơn 1 tháng điều trị biến chứng viêm phổi khi mắc bệnh sởi.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: Mặc dù mới chỉ phát hiện 34 ca bệnh nhiễm vi rút gây bệnh sởi nhưng thực tế trong cộng đồng có thể còn một số trường hợp không được báo cáo do bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhẹ, tự điều trị khỏi. Đặc biệt, do tính chất bệnh năm nay diễn biến khác thường nên không chỉ trẻ trên 9 tháng tuổi mới mắc bệnh mà cả trẻ sơ sinh dưới 9 tháng tuổi và cả người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh sởi. Tại Thái Nguyên, ca bệnh nhỏ tuổi nhất phát hiện mắc sởi khi mới 4 tháng tuổi và người lớn nhất mắc sởi là 35 tuổi.
Chính vì thế, bác sĩ Hoàng Anh khuyến cáo các bậc phụ huynh và thầy cô giáo tại các trường học lưu ý khi trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Nếu học sinh có biểu hiện phát ban cần phải cho nghỉ học cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày để tránh lây nhiễm cho học sinh khác đồng thời thông báo ngay với trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã để được hỗ trợ các biện pháp phòng chống dịch.
Với trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đầy đủ phòng vi rút sởi cần đến ngay các trung tâm y tế để được tiêm miễn phí trong Chương trình tiêm vét đang thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Để nâng cao công tác phòng, chống bệnh sởi lây lan rộng, trong tuần tới, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng cho toàn bộ cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân sởi và sốt phát ban dạng sởi ở các bệnh viện trên toàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang lập kế hoạch để triển khai tiêm vắc xin sởi, Rubella cho toàn bộ trẻ dưới 15 tuổi trên địa bàn tỉnh từ tháng 10 năm nay.