Thí điểm “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đất đai: Còn nhiều bất cập

09:33, 10/05/2014

Tại những địa phương thực hiện Đề án thí điểm một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai, người dân không còn phải chạy đôn, chạy đáo “gõ cửa từng cấp” như trước đây mà chỉ cần nộp hồ sơ và lấy kết quả tại xã... Thế nhưng, gần một năm triển khai thực hiện, một số tồn tại, bất cập vẫn chưa được khắc phục.

Đề án thí điểm tiếp nhận và giải quyết một số thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đất đai theo Quyết định 1009/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh được triển khai tại 3 xã, thị trấn huyện Đồng Hỷ là thị trấn Chùa Hang và 2 xã Minh Lập, Tân Long. Theo đó, 3 địa phương này áp dụng triển khai thực hiện từ ngày 15-7-2013.

 

Chị Nguyễn Thị Mai Linh, công chức Địa chính - Xây dựng (cán bộ địa chính - CBĐC) thị trấn Chùa Hang cho biết: Thực hiện cơ chế một cửa liên thông rất phù hợp và thuận lợi cho các tổ chức và người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính. Nếu như trước đây, họ phải đến làm thủ tục ở cả 2 cấp (xã và huyện) thì nay chỉ cần hoàn thiện hồ sơ nộp tại cấp xã, mọi việc còn lại là do cán bộ giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều hạn chế, bất cập đã nảy sinh, nhất là đối với CBĐC cấp xã.

 

Theo chị Linh, để hoàn tất một bộ hồ sơ về đất đai cho 1 công dân, tổ chức, CBĐC phải thực hiện rất nhiều công việc. Trước hết là tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, đo đạc tại thực địa, hoàn thiện hồ sơ nộp lên bộ phận một cửa của huyện. Chờ cấp huyện đã thẩm định xong hồ sơ, cán bộ xã quay lại lấy giấy thông báo nộp thuế về xã đưa cho người dân để họ lên huyện nộp. Tiếp đó, người dân phải mang tờ biên lai nộp tiền đó về nộp lại bộ phận một cửa của xã. Cuối cùng, CBĐC xã mang biên lai này lên huyện mới lấy được “bìa đỏ” về giao cho người dân. Như vậy, để làm xong thủ tục cho 1 bộ hồ sơ, CBĐC xã phải lên huyện ít nhất 3 lần. Người dân cũng phải mất 3 lần lên bộ phận “một cửa” của xã và 1 lần lên huyện thực hiện nghĩa vụ tài chính. -Theo tôi, UBND huyện nên giao cấp xã thực hiện quyền thu phí thẩm định hồ sơ, như vậy, cả CBĐC xã lẫn người dân sẽ bớt được một lần lên cơ quan cấp huyện. Chị Linh nói.

 

Thị trấn Chùa Hang có trung tâm hành chính cấp huyện đóng trên địa bàn nên việc đi lại của cán bộ còn thuận lợi. Hơn nữa, UBND thị trấn có đến 3 CBĐC nên công việc được san sẻ nhưng từ khi thực hiện thí điểm Đề án này, thời gian và công sức của chị Linh vẫn phải bỏ ra gấp đôi so với trước đây.

 

Còn tại xã Minh Lập, CBĐC của bộ phận “một cửa liên thông” vất vả hơn nhiều lần. Ông Nguyễn Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Bắt đầu thực hiện thí điểm Đề án, chúng tôi chỉ có 1 CBĐC, mãi đến đầu năm 2014 mới tiếp nhận thêm 1 cán bộ hợp đồng, nhưng người này lại sắp nghỉ chế độ thai sản nên công việc của cán bộ ở bộ phận này khá vất vả. Ngoài công việc “chạy” làm thủ tục đất đai theo cơ chế “một cửa liên thông” thì họ phải tiếp công dân, quản lý xây dựng, việc sử dụng đất, quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.

 

Tính từ khi thực hiện thí điểm Đề án (15-7-2013) đến hết 4-2014, xã Minh Lập đã tiếp nhận 213 hồ sơ liên quan đến đất đai. Trong đó đã giải quyết được 168 hồ sơ và có tới 80% hồ sơ đất đai liên quan đến thủ tục chia tách, chuyển nhượng, tặng cho. Với mỗi hồ sơ, CBĐC phải xuống thực địa, xác nhận tình trạng sử dụng và quyền sở hữu đất, đo đạc thủ công, địa hình đất đai trên địa bàn xã lại rất phức tạp, khó khăn nên mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, theo quy định, thời gian giải quyết mọi thủ tục từ khi tiếp nhận hồ sơ của công dân đến khi nộp lên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện chỉ được giới hạn trong 4 ngày.

 

Bên cạnh đó, do chưa được đầu tư hệ thống máy tính, mạng nên cán bộ xã không thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ ở cấp trên mà cơ bản phải liên hệ bằng điện thoại. Vất vả là vậy mà cho đến nay, sau gần 1 năm thí điểm tại các xã trên, CBĐC vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí hay tiền phụ cấp trách nhiệm.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Quang Linh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đồng Hỷ cho biết: Xuất phát từ thực tế, chúng tôi đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền cần đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại liên thông bằng công nghệ thông tin giữa 2 bộ phận “một cửa liên thông” cấp xã với cấp huyện. Bên cạnh đó, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND huyện về việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức làm việc tại các xã, thị trấn thực hiện Đề án thí điểm “một cửa liên thông” theo Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh.

 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, cho đến thời điểm này, mọi đề nghị trên vẫn chưa có một đơn vị hay công chức nào được đáp ứng.

 

Với những thực tế đã nêu trên, nếu không được các cấp, ngành quan tâm đúng mức từ việc đầu tư cơ sở vật chất đến chế độ cho CBĐC thì rất khó nhân rộng ra toàn tỉnh.

 

Ông Vi Tân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chùa Hang: Thực hiện thí điểm Đề án “một cửa liên thông”, UBND thị trấn vẫn chưa được cấp trên cấp kinh phí để đầu tư trang thiết bị, máy móc hay phụ cấp cho công chức tham gia Đề án. Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu công việc, UBND thị trấn đã mở rộng diện tích bộ phận một cửa, mua thêm máy tính, bàn làm việc, tủ tài liệu... nhưng số tiền ấy chúng tôi vẫn phải nợ.

 

 

Chị Hoàng Thị Hạnh, CBĐC xã Minh Lập: Mỗi xã thực hiện một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai nên có ít nhất 3 cán bộ, công chức về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, một cửa liên thông cần được đầu tư theo hướng hiện đại để cập nhật thông tin, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ ở từng khâu đồng thời nhập và quản lý dữ liệu, hồ sơ. 

     

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Hợi, xóm Na Ca, xã Minh Lập: Tôi đến bộ phận một cửa của xã để làm thủ tục nhượng đất cho con được cán bộ Địa chính hướng dẫn cụ thể, tận tình. Nếu phải tự mình đến các cơ quan chuyên môn của huyện chắc chắn tôi sẽ phải đi lại nhiều lần, hỏi nhiều người mới đến nơi và nộp được hồ sơ.