Tích cực chuẩn bị phòng, chống thiên tai

15:04, 21/05/2014

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ đầu năm 2014, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) huyện Đồng Hỷ đã xây dựng phương án chi tiết để phòng, chống thiên tai, tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thời điểm này, các địa phương trong huyện đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng phản ứng kịp thời trước mọi tình huống có thể xảy ra...

Trong 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thì Huống Thượng là xã chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ nhất. Do xã ở vùng trũng và có sông Cầu chảy qua nên khi có mưa lớn, nước từ đầu nguồn đổ về, nước sông dâng cao, gây ra lũ quét và ngập lụt trên diện rộng. Năm 2013, do ảnh hưởng của các cơn bão, 10/10 xóm của xã đều bị ngập lụt khiến 132ha lúa, 22ha hoa màu bị ngập và mất trắng.

 

Ông Phạm Đức Nguyên, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-GNTT xã Huống Thượng cho biết: Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm nay, xã đã sửa chữa, mở rộng, đắp bờ, nạo vét được trên 300m kênh mương tiêu úng qua đó có thể khắc phục được ngập lụt gần 40ha đất nong nghiệp thuộc cánh đồng các xóm Trung, Bầu, Trám. Đồng thời, xã cũng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây rau, màu cho phù hợp, đảm bảo ngập úng trùng với thời điểm vừa thu hoạch xong. Bên cạnh đó, xã cũng dự trữ 900kg giống lúa Bao thai và 450kg giống ngô để gieo, trồng bổ sung nếu xảy ra lũ lụt. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”  (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể khi xảy ra bão lũ, huy động 50 thuyền, mảng sẵn có trong dân. Riêng 2 xóm Đảng và Thông là hai khu vực trũng năm nào cũng bị ngập úng, xã đã có phương án sơ tán 160 hộ dân với trên 600 nhân khẩu đến khu vực điểm cao cách đó 50m và khu vực Trường Tiểu học xã Huống Thượng, đảm bảo sinh hoạt cho người dân trong 5 ngày nếu xảy ra ngập lụt.

 

Bên cạnh Huống Thượng, các xã, thị trấn còn lại của huyện cũng đã chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện Đồng Hỷ cho biết: Năm 2013, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa đá, bão làm chết 2 người, sập 7 căn nhà và hư hỏng hàng trăm mái nhà của người dân ở các xã Văn Lăng, Hòa Bình, Tân Long, Quang Sơn, Văn Hán. Bên cạnh đó, mưa bão cũng gây ngập úng ở 6/18 xã, thị trấn, cá biệt có những nơi ngập sâu 4m, ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng… gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

 

Trước dự báo tình hình thiên tai năm nay có khả năng diễn biến phức tạp hơn các năm trước, từ trung tuần tháng 6 sẽ có mưa rào và giông bão trên diện rộng, bão và áp thấp nhiệt đới kéo dài, có thể xảy ra gió xoáy và lốc cục bộ, huyện Đồng Hỷ quán triệt các địa phương nghiêm túc chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó tập trung phòng là chính. Ngay từ đầu năm, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-GNTT phân công cụ thể nhiệm vụ và lịch trực cho từng thành viên. Đồng thời, đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”. Huyện đã rà soát và lập danh sách gần 300 hộ có nguy cơ bị ngập úng, trong đó có phương án gia cố, sửa chữa mái và tường nhà cho 27 gia đình ở 12 xã, thị trấn thuộc diện hộ nghèo, khi mưa lũ xảy ra có nguy cơ sụp đổ nhà ở. Những hộ còn lại được tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức phòng tránh (như thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, không đi lại qua những điểm có nguy cơ úng ngập, lũ quét khi mưa bão…), ký cam kết sơ tán khi có nguy cơ mất an toàn. Đến thời điểm này, tại các kho dự trữ, xuồng máy, thuyền tôn, thuyền nan, phao cứu sinh, áo phao và các trang thiết bị vật chất phục vụ tìm kiếm cứu nạn đã được chuẩn bị đầy đủ. Thêm vào đó, lực lượng cứu hộ, đội cơ động đã sẵn sàng triển khai các phương án giúp nhân dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có nguy hiểm xảy ra. Thuốc chữa bệnh, lương thực cứu trợ, giống cây trồng bổ sung cũng đã được chuẩn bị đầy đủ.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan và địa phương đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra và có phương án phòng, chống lụt bão riêng cho từng công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi. Đặc biệt chú trọng đến gia cố, đắp cao bờ các công trình như hồ Thạt (xã Hóa Thượng), đập tràn (xã Tân Long) và ở xóm Mỹ Hòa (xã Cây Thị) là những nơi có nguy cơ xảy ra sự cố hồ, đập bị tràn, vỡ. Huyện cũng có phương án làm đường vòng, tránh cho các đoạn đường như: Trục đường 269 đi qua xã Linh Sơn (khu vực xóm Núi Hột); đường qua suối của xóm Làng Giếng, đường lên xóm Lân Quan (xã Tân Long); đường ở xóm Trại Cau, xã Cây Thị là những đoạn đường có thể ngập úng, sạt lở gây mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

 

Là đơn vị tiền phương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã xây dựng phương án cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, duy trì thường xuyên chế độ luyện tập các phương án PCLB, tìm kiếm cứu nạn… Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết thêm: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở các địa phương, để kịp thời ứng cứu, giảm thiểu tối đa tổn thất do thiên tai.