Trong khi dịch sởi đang diễn biến phức tạp, tại T.P Hồ Chí Minh, dịch tay chân miệng đã bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu lây lan nhanh. Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn chủ yếu rơi vào trẻ ở độ tuổi mầm non, đòi hỏi công tác phòng chống dịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, giáo dục và cộng đồng.
Gần đây, tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện ngày càng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40-50 ca điều trị nội trú. Dù bệnh viện đã dành 4 phòng của khoa để điều trị bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nhưng do số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng quá đông, số lượng giường bệnh không đủ nên bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí có giường phải ghép đến 3-4 trẻ/giường bệnh. Ngay cả khu dịch vụ của khoa cũng kín giường điều trị nội trú. Hành lang của bệnh viện được người nhà tận dụng làm chỗ nghỉ ngơi chật kín lối đi.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng T.P Hồ Chí Minh ngày 7/5, đã có 236/319 phường xã có ca mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh tăng liên tục trong tháng 3 và tháng 4 với số ca xuất viện ghi nhận được trong tháng 4 là 708 trường hợp. Tất cả các quận huyện đều có số ca mắc tăng vọt trong tháng tư, dẫn đầu là quận 8 với trên 250 trẻ trong tháng 4, kế đến là Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú với gần 200 trường hợp.
Giải thích với Sở Y tế về nguyên nhân khiến số ca bệnh tăng vọt, trung tâm y tế dự phòng Quận 8 cho rằng ngoài việc bệnh bắt đầu vào mùa thì yếu tố khách quan do đặc điểm môi trường và cơ sở hạ tầng của quận này chưa tốt, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao.
Thống kê từ các quận cho thấy, số trẻ mắc bệnh hầu hết từ 2 tuổi trở xuống, chỉ khoảng 10% trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đến trường, số còn lại là trong cộng đồng. Không ít trường hợp gia đình có một trẻ bị bệnh sau đó lây tiếp cho trẻ khác.
Chủ động phòng ngừa dịch tay chân miệng
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng T.P Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, thành phố đã ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương như huyện Củ Chi, quận 11, tỷ lệ mắc tay chân miệng cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều rơi vào trẻ em ở độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tại T.P Hồ Chí Minh chưa có trường hợp mắc tay chân miệng biến chứng nặng phải lọc máu và tử vong.
Qua phân tích tình hình dịch bệnh tay chân miệng qua các năm cho thấy, hiện nay thành phố đang ở đợt cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng đầu tiên của năm (còn một đợt nữa sẽ rơi vào khoảng tháng 9-10). Diễn biến của dịch bệnh trong 4 tháng đầu năm cũng cho thấy tình hình dịch bệnh tay chân miệng không có gì khác so với các năm trước. Vì vậy đây là thời điểm để ngành y tế tập trung để phòng ngừa dịch bệnh này.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, khó khăn nhất của việc phòng chống dịch tay chân miệng là chưa có vắc xin phòng ngừa chính. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng đường lây khá rộng, vừa từ đường hô hấp (nước bọt, ho,…), vừa qua đường tiêu hóa. Đồng thời, bệnh này thường gặp ở lứa tuổi mầm non, ở độ tuổi này bản thân trẻ chưa biết giữ vệ sinh cho mình, cũng như chưa biết cách hạn chế lây lan cho người xung quanh. Vì vậy, việc phòng ngừa nhiễm bệnh cần phải được thực hiện chủ động từ gia đình.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, các bậc cha mẹ cần lưu ý, quan trọng nhất là phải cách ly trẻ hoàn toàn cho đến khi lành bệnh mới cho đi học trở lại. Đồng thời, phụ huynh cần báo lại ngay với nhà trường và địa phương để chủ động trong công tác phòng chống dịch lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, việc vệ sinh phải thực hiện làm sao để hướng dẫn bé có hành vi đúng về mặt vệ sinh như, không đưa tay vào miệng, không ngoáy mũi, ho phải biết che miệng,… để tránh lan các siêu vi gây bệnh và phải thường xuyên rửa tay cho trẻ cũng như người chăm sóc trẻ phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Để phòng chống dịch bệnh, từ ngày 10/5-10/6/2014, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các đơn vị thực hiện Tháng vệ sinh, khử khuẩn đồng loạt ở các địa phương, nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh như: tay chân miệng, sốt xuất huyết,… lây lan rộng ở cộng đồng.