Trách nhiệm, nhiệt tình với công việc

09:50, 04/05/2014

Chị Bùi Thị Tơ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) có 36 năm liên tục làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, y tế thôn bản, nhân viên chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đối với công việc, chị luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Chúng tôi tới xóm Mấu, xã Phượng Tiến, hỏi thăm nhà chị Tơ được chị Nguyễn Thị Quý, người cùng xóm tận tình dẫn đường. Đi trên con đường bê tông của xóm, chị Quý cho chúng tôi biết: Tháng nào chị Tơ cũng huy động chị em quét dọn đường làng, ngõ xóm ít nhất một lần. Khi chúng tôi đến nhà, chị vừa đi thông báo cho chị em trong xóm ngày mai có buổi khám sức khỏe sinh sản. Để làm hết trách nhiệm ở từng vai, công việc rất nhiều, nhưng phụ cấp chị đang được hưởng chỉ có 210 nghìn đồng/tháng. Nhưng với chị, phụ cấp ít hay nhiều cũng không làm thay đổi lòng nhiệt tình chị dành cho công việc.

 

Chị nhẩm tính: Tôi đã có 36 năm liên tục làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Mấu (từ 1978). Khi ấy, Chi hội Phụ nữ hoạt động rời rạc, thiếu sự đoàn kết. Tôi nghĩ phải làm gì đó để thay đổi tình trạng này. Trước hết, tôi tổ chức cho chị em sinh hoạt đều đặn. Để gắn kết tình cảm giữa các hội viên, tôi họp bàn và thống nhất ý kiến thành lập quỹ thăm hỏi khi hội viên ốm đau, hoạn nạn.

 

Chi hội có 35 hội viên, đời sống của nhiều người còn khó khăn nên mức vận động được đưa ra ban đầu chỉ 2 nghìn đồng/tháng, sau tăng dần đến 5 nghìn, 10 nghìn đồng. Đến nay, Chi hội đã gây được quỹ hàng triệu đồng. Hội viên nào ốm đau, Chi hội sẽ trích 50 nghìn đồng/lần để mua quà đến thăm hỏi, động viên. Từ 2008-2012, được Dự án Phụ nữ Thái Nguyên Phát triển Kinh tế hợp tác (ECCODE) và Tổ chức CARE Đan Mạch hỗ trợ về giống và tập huấn kiến thức, chị Tơ đã tuyên truyền, vận động chị em trong xóm xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn sạch và gà thả đồi mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, khi Dự án kết thúc, nhiều chị em gặp khó khăn về vốn đầu tư để duy trì việc chăn nuôi.

 

Để khắc phục tình trạng này, năm 2012, từ ý tưởng của chị Tơ, Chi hội thành lập Quỹ “Tiết kiệm tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Cách huy động Quỹ phù hợp với điều kiện của mọi người. Vào ngày 11 và 26 hằng tháng, Tổ quản lý Quỹ sẽ nhận tiền gửi tiết kiệm của hội viên, mức gửi tùy theo điều kiện của từng người. Ban đầu mức gửi tối thiểu không dưới 10 nghìn đồng và đến nay đã tăng lên là 20 nghìn đồng. Tổng kết năm 2012, Chi hội huy động được số tiền 42 triệu đồng, năm 2013, là 48 triệu đồng. Số tiền này đã giúp hàng chục hội viên có nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế, với mức lãi suất là 1%/tháng.

 

Từng được vay vốn từ nguồn Quỹ, hội viên Hoàng Thị Sửu cho biết: Nhà tôi có gần 1 mẫu chè nhưng vì trước đây không có điều kiện chăm sóc, mỗi lứa hái chỉ được 50 - 60 kg chè khô. Năm 2012, chị Tơ động viên tôi phải đầu tư cải tạo vườn chè và tạo điều kiện cho tôi vay vốn trước. Được vay 5 triệu đồng, tôi mua phân bón và máy bơm để tưới chè. Từ đó, cây có lực để phát triển, giờ mỗi lứa, tôi thu được khoảng 1 tạ chè khô, kinh tế gia đình nhờ đó dần ổn định hơn. Còn chị Nguyễn Thị Minh lại sử dụng số vốn được vay lo việc học hành cho con. Chị tâm sự: Năm ngoái, nghe tin con đỗ đại học, tôi vừa mừng vừa lo. Lo vì lúc đó trong nhà chẳng có tiền cho con nhập học, lợn gà đều chưa đến lứa bán. Chị Tơ biết chuyện bảo tôi đăng ký vay vốn tiết kiệm của Chi hội, bằng giá nào cũng phải lo cho con đi học.

 

Không chỉ luôn công minh trong việc xem xét, tạo điều kiện cho hội viên có nhu cầu cấp thiết về vốn vay trước, chị Tơ còn luôn định hướng cho họ có cách sử dụng và quản lý để nguồn vốn đạt hiệu quả tốt nhất. Nhờ vậy đã góp phần làm giảm đáng kể số hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Hiện, Chi hội chỉ còn 6 hộ hội viên nghèo (giảm 50% so với 2010). Trong vai trò cộng tác viên dân số và nhân viên chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chị Tơ cũng luôn được bà con tín nhiệm. Gia đình nào có bà mẹ mang bầu, trẻ mới sinh chị đều đến thăm, theo dõi sức khỏe đều đặn hàng tháng. Những năm 1999-2004, Nhà nước có chế độ hỗ trợ bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng. Xã Phượng Tiến được chia làm 4 nhóm, chị Tơ được phân công phụ trách 2 xóm là xóm Mấu và xóm Tổ, lúc ấy cân bàn chưa có, chị vác cân đòn tới từng gia đình có trẻ ở 2 xóm để kiểm tra sức khoẻ, cân nặng. Kết quả kiểm tra có 8 trẻ bị suy dinh dưỡng. Về nhà, chị Tơ lên thực đơn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, đi chợ lựa chọn thực phẩm để về chế biến. Kể lại chuyện này, chị cười: “Duy trì khoảng gần 1 năm, đến lúc chương trình kết thúc, nhiều bé đến bữa nhất định đòi đến ăn cơm của bà Tơ nên nhà tôi nhiều khi chẳng khác nhà trẻ, mệt nhưng vui. Giờ gặp lại, đứa nào, đứa ấy phổng phao cả”. Chị Tơ còn góp phần quan trong vào thành tích 16 năm nay xóm Mấu không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ lệ chị em trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 100%.

 

Dốc lòng vì công việc, chị Tơ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền chị được chính quyền địa phương, Hội cấp trên tặng Giấy khen. Nhưng với chị phần thưởng lớn lao hơn cả là sự tín nhiệm và nể trọng của bà con trong xóm.