Vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy từ thức ăn đường phố

16:10, 23/05/2014

Thời gian qua các lực lượng chức năng của T.P Thái Nguyên đã có những hoạt động tích cực để cải thiện tình trạng mất an toàn thực phẩm thức ăn đường phố (TAĐP). Tuy nhiên, việc phối hợp liên ngành kiểm tra chưa được duy trì thường xuyên, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nên công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhếch nhác thức ăn đường phố

 

TAĐP là các loại thức ăn, đồ uống đã được chế biến sẵn hay sẵn sàng chế biến phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng; thường được bày bán tại các chợ, bến xe, trước cổng trường học, nơi đông người qua lại… Tại T.P Thái Nguyên, có rất nhiều tuyến đường, khu phố có bày bán TAĐP như: Khu chợ sinh viên, chợ Đồng Quang, chợ Trung tâm, trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bến xe khách Thái Nguyên… Có mặt tại khu vực chợ sinh viên, chúng tôi thấy có nhiều hàng quán bày bán nước giải khát, bún, bánh, giò chả... Học sinh, sinh viên thường tập trung ăn uống ở đây rất đông, nhất là vào buổi chiều tối. Em Nông Thị Huyền, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: Tan học, em cùng các bạn thường ra gần cổng chợ sinh viên ăn chè, nem chua rán. Đói bụng thì bọn em ăn chứ cũng không mấy khi để ý đến thực phẩm có đảm bảo vệ sinh hay không.

 

Tương tự là tình trạng bán hàng rong trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Không tủ kính, không thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, đồ ăn ở đây chủ yếu được “phơi” ra để khách hàng dễ dàng nhìn thấy. Ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng, quán nước mía vẫn rất đông khách. Khi chúng tôi hỏi quy định mới về kinh doanh TAĐP và công tác kiểm tra ATVSTP, chị chủ quán hồn nhiên đáp: “Tôi bán hàng ở đây chủ yếu phục vụ bệnh nhân và người nhà của họ. Thỉnh thoảng chỉ bị Đội quản lý Trật tự xây dựng và Giao thông dẹp chứ chưa thấy ai nhắc nhở phải có Giấy cam kết VSATTP”.

 

Dạo một vòng ở các quán cơm, phở, chúng tôi quan sát thấy thức ăn được sơ chế ngay dưới nền đất, bát đũa không đảm bảo vệ sinh, người bán hàng dùng tay bốc thức ăn trông rất bẩn. Khu vực bảo quản đồ ăn chín, ruồi nhặng bâu xung quanh. Nhiều điểm kinh doanh TAĐP vẫn rất nhếch nhác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bởi đa số các cửa hàng chưa tuân thủ các quy định về VSATTP của Bộ Y tế như: Phải có chạn bát hay tủ bảo quản thực phẩm, đi găng tay, phải có nguồn nước sạch, khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh…

 

Khó quản lý hay buông lỏng?

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, TAĐP được bày bán trên vỉa hè thường không được che đậy kỹ. Người bán hàng không trang bị bảo hộ lao động như: tạp dề, mũ, khẩu trang, găng tay... Địa điểm bán hàng thường kê bàn sát mặt đất, gần nơi ô nhiễm. Dụng cụ nấu nướng không phù hợp, không bảo đảm vệ sinh. Đây chính là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường và văn minh đô thị. Vì thế, người dân mong muốn các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để góp phần cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP chưa được tiến hành thường xuyên, chủ yếu chỉ được thực hiện vào Tháng ATVSTP.

 

Tháng 5-2014, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo vì chất lượng VSATTP của thành phố đã đi kiểm tra thực tế tại 16 phường, xã trên địa bàn. Cùng tham gia Đoàn kiểm tra chúng tôi thấy công tác thanh tra, kiểm tra nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, còn nể nang, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kết quả kiểm tra tại một số phường, xã không khách quan, nhưng cán bộ của Đoàn kiểm tra cũng không ai có ý kiến, dẫn đến việc kiểm tra không đem lại kết quả như mong muốn, gây lãng phí thời gian và công sức, chưa tạo được sự chuyển biến về ý thức đối với người trực tiếp chế biến, kinh doanh TAĐP. Hơn nữa, các phường, xã cũng chưa tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP ký cam kết VSATTP và giám sát việc thực hiện. Cụ thể, tại phường Tân Thịnh và Thịnh Đán, nơi tập trung các trường cao đẳng, bệnh viện, rất nhiều hàng quán mọc lên phục vụ sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại 2 phường này lại không có 1 cơ sở nào vi phạm VSATTP.

 

Bà Trịnh Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thịnh cho biết: Phường hiện đang quản lý 139 cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP. Từ đầu tháng 5 đến nay, chúng tôi đã kiểm tra 47 cơ sở nhưng không có vụ vi phạm nào phải xử lý. Trong tháng vệ sinh ATTP vừa qua, chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền được 5 buổi trên hệ thống loa truyền thanh của 20 tổ dân phố, căng treo băng rôn khẩu hiệu về trên các trục tuyến đường chính, tổ chức tập huấn về VSATTP cho 93 hộ kinh doanh và khám sức khoẻ cho 43 hộ.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Không chỉ riêng ở thành phố mà công tác quản lý kinh doanh TAĐP trên địa bàn toàn tỉnh hiện cũng gặp nhiều khó khăn bởi địa điểm kinh doanh của các hộ thường không cố định, hàng hoá có xuất xứ không rõ nguồn gốc, không được kiểm duyệt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác truyền thông, tập huấn về ATVSTP; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP tại các chợ; tăng cường phối hợp với các ngành Công Thương, nông nghiệp quản lý thực phẩm theo nhóm hàng, ngành hàng để tránh ô nhiễm chéo. Để đảm bảo VSATTP, mỗi người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng, để đảm bảo sức khoẻ của bản thân và gia đình.