Xây dựng hồ Núi Cốc thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia: Kỳ vọng và khó khăn (Kỳ I)

10:27, 31/05/2014

Với diện tích mặt nước khoảng 25km2, ngoài mục đích chính là cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống dân sinh, hồ Núi Cốc còn có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đã công bố Quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thu hút hơn 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng. Điều đó đã “gieo” niềm hy vọng lớn về những thay đổi tích cực ở một khu du lịch lý tưởng, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, mang tầm cỡ Quốc gia. Nhưng sau hơn 3 năm triển khai, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, một số dự án đã xin rút giấy phép đầu tư…

Kỳ I: Từ thực tế đầu tư

 

Trong tổng số hơn 10 dự án đầu tư vào Khu du lịch hồ Núi Cốc, hiện chỉ có 2 dự án được triển khai đúng tiến độ, đã đưa vàào khai thác, sử dụng, các dự án còn lại hầu như chưa triển khai. Hệ lụy từ các dự án “đầu voi, đuôi chuột” đã làm cho Khu du lịch huyền thoại luôn ở trong tình trạng “dang dở”, hay nói cách khác là nhôm nhoam, thiếu chuyên nghiệp, chưa đủ sức thu hút khách tham quan, du lịch như kỳ vọng.

 

Một số dự án đạt hiệu quả bước đầu

 

Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của Khu du lịch hồ Núi Cốc, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển, tỉnh ta đã quy hoạch Khu du lịch hồ Núi Cốc theo định hướng là Khu du lịch trọng điểm Quốc gia với tổng diện tích gần 19.000ha trên địa bàn 10 xã, thị trấn thuộc T.P Thái Nguyên, 2 huyện Đại Từ và Phổ Yên. Theo quy hoạch, vùng du lịch hồ Núi Cốc được chia thành 5 khu chức năng: Du lịch, thể thao, thương mại dịch vụ tổng hợp; khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái; trung tâm hành chính mới; khu đô thị và dịch vụ du lịch; khu lâm viên - rừng phòng hộ. Cơ sở hạ tầng ở khu vực này sẽ được quy hoạch theo hướng hiện đại nhưng vẫn đảm bảo tính phát triển lâu dài, ổn định, gắn với các yếu tố thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng.

 

Nếu “bức tranh” về Khu du lịch huyền thoại trở thành hiện thực, đồng nghĩa với việc thương mại, dịch vụ sẽ phát triển, hàng nghìn lao động sẽ có việc làm, bộ mặt những xã, thị trấn vùng ven thay đổi theo chiều hướng tích cực, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh. Hơn thế nữa, hình ảnh đất và người Thái Nguyên sẽ được quảng bá rộng rãi hơn thông qua khách tham quan, du lịch trong nước, thậm chí đến được với cả bạn bè quốc tế… Thái Nguyên sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ trên “bản đồ du lịch” mà còn thu hút các nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác.

 

Ngay sau khi tỉnh công bố Quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, đã có một số dự án vào đầu tư làm thay đổi phần nào diện mạo Khu du lịch này. Đơn cử như Dự án Khu nghỉ dưỡng lão và Du lịch sinh thái tại xã Phúc Xuân của Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Đông Á. Anh Nguyễn Xuân Hiếu, chủ Dự án cho biết: Ngay sau khi được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5-2012, Công ty đã đầu tư khoảng 60 tỷ đồng xây dựng khu ăn uống và nghỉ dưỡng với diện tích trên 24ha. Trong đó, chúng tôi tập trung đầu tư vào các hạng mục như xây dựng khu nhà ăn ngay bên hồ, tạo không gian thơ mộng, phục vụ các món ăn dân tộc; hệ thống khách sạn với trên 40 phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 3 sao; khu bể bơi hiện đại… Các hạng mục này hiện đã được đưa vào khai thác, sử dụng, thu hút khách du lịch, tăng doanh thu hàng năm cho Công ty. Công ty cũng đang tiếp tục bổ sung các hạng mục đầu tư giai đoạn 2 để hoàn thiện Dự án vào năm 2016, gồm: Xây dựng sân golf, ten nít, 1 khách sạn lớn với quy mô 60 phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 3-4 sao và 3 hội trường lớn, đảm bảo đón và phục vụ chu đáo hàng nghìn lượt khách mỗi năm.

 

Cùng với đó, Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quốc tế của Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công tại khu vực đập phụ số 3, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) được đầu tư giai đoạn 1 với diện tích 25ha gồm các hạng mục đã góp phần phục vụ khá tốt nhiều hoạt động các kỳ Festival Trà của tỉnh. Đặc biệt, Công ty cổ phần Khách sạn Du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc - doanh nghiệp khai thác du lịch đầu tiên, có quy mô lớn nhất (tính đến thời điểm này) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, xây dựng thêm các khu vui chơi.

 

Ông Phan Thuyết Hỗ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Điểm du lịch của chúng tôi có hệ thống khách sạn từ 1 đến 3 sao với 250 phòng nghỉ tiện nghi, cùng hệ thống nhà hàng phục vụ các món ăn Âu - Á. Ngoài ra, còn có các loại hình vui chơi, giải trí phong phú như sân khấu nhạc nước với 3.000 chỗ ngồi; công viên nước rộng 2ha; tua du lịch trên hồ thăm quan các hòn đảo bằng tàu, xuồng; khu vui chơi giải trí công cộng; chợ tình mua sắm đồ lưu niệm; các động huyền thoại cung; thế giới cổ tích và âm phủ…

 

Nhưng còn nhiều dự án chưa triển khai

 

Để tìm hiểu rõ hơn về các dự án đang nằm trong tình trạng này, chúng tôi có mặt tại Khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường Trường Sinh, do Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Trường Sinh (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Được biết, Dự án được tỉnh phê duyệt với diện tích 11,2ha, tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng. Mặc dù ngay trong mùa du lịch, nhưng không khí ở điểm du lịch này khá ảm đạm, vắng bóng người.

 

Theo quan sát của chúng tôi, Dự án mới đầu tư xây dựng được một nhà sàn rộng khoảng 200m2, 1 nhà nghỉ với 5 phòng nghỉ nằm quay ra mặt hồ. Ông Đinh Văn Câu, một người dân được thuê trông coi cơ sở này thật thà kể: Nhiệm vụ của tôi và 1 người nữa ở đây chỉ làm bảo vệ khu này với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Chỉ khi nào có khách đến thì chúng tôi mở cửa cho thuê phòng. Không có việc gì nhiều, buồn quá, tôi nuôi thêm dăm con lợn để có thêm thu nhập.

 

Còn tại Khu du lịch Nam hồ Núi Cốc, chủ đầu tư Dự án là Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 6-2011, với diện tích 180ha, tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng. Dự án có diện tích lớn như vậy nhưng chủ đầu tư mới chỉ cải tạo lại hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên cơ sở Nhà nghỉ Nam Phương cũ. Trên diện tích còn lại (khoảng 175ha) chưa thấy nhà đầu tư có “động tĩnh” gì.

 

Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về Dự án đường đô thị Đán - hồ Núi Cốc do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 5-2012 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường trọng tâm, có vai trò kết nối T.P Thái Nguyên với vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc. Theo thiết kế kỹ thuật, tuyến đường có chiều dài 13km, điểm đầu giáp đường Quang Trung, thiết kế đường hai chiều, quy mô mặt đường rộng 60m, hai bên đường là các khu tổ hợp bất động sản, du lịch, trường học, bệnh viện, không gian tâm linh, trung tâm thể thao… Chạy dọc theo 13km của tuyến đường là 8 khu đô thị. Dự kiến, tuyến đường Đán - hồ Núi Cốc sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015. Nhưng đến nay (cuối tháng 5-2014), nhà đầu tư mới tiến hành lập quy hoạch chi tiết được 7 khu đô thị (?!).

 

Đối với Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ đô có 3 dự án đầu tư tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, gồm Dự án Tổ hợp trung tâm du lịch quốc tế, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng 5 sao; Dự án đường ven hồ; Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc tận thu tài nguyên cát, đá, sỏi, nhưng đến nay đều chưa được triển khai. Cá biệt, Dự án Khu du lịch sinh thái - vui chơi - giải trí - nghỉ dưỡng tại hồ Núi Cốc do Công ty cổ phần Bất động sản Masan làm chủ đầu tư (bao gồm 3 đảo: Long Hội, Văn Hóa, Đảo Hai) với tổng diện tích 76,8ha đã xin rút đầu tư…

 

Được biết, trong tổng số 14 dự án đầu tư vào Khu du lịch hồ Núi Cốc thì đến nay mới có 2 dự án được triển khai theo kế hoạch, 11 dự án chưa triển khai và 1 dự án xin rút đầu tư. Điều này khiến dư luận giảm sút niềm tin và hoài nghi về việc các doanh nghiệp chỉ “đánh trống ghi tên” để “giữ đất” với mục đích khác, chứ thực chất không phải mặn mà với lĩnh vực phát triển du lịch(?!).

 

Nguyên nhân của tình trạng này sẽ được chúng tôi đề cập ở phần sau.

 

(Còn nữa)