Xây dựng hồ Núi Cốc thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia: Kỳ vọng và khó khăn (Kỳ II)

15:48, 31/05/2014

Làm thế nào để vùng du lịch huyền thoại hồ Núi Cốc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách và phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh, trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia không phải là việc làm đơn giản trong một sớm, một chiều. Đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng cũng như sự quan tâm, ủng hộ của người dân các xã, thị trấn trong vùng...

Kỳ II: Để vùng du lịch huyền thoại trở thành điểm đến hấp dẫn

 

Những vướng mắc trong triển khai các dự án

 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc triển khai các dự án ở Khu du lịch Hồ Núi Cốc là do công tác quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên còn nhiều bất cập. Quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là quy hoạch vĩ mô, mang định hướng chiến lược phát triển chung của cả vùng. Để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng vào vùng hồ còn phải dựa trên quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cho từng khu vực.

 

Nhưng hiện nay, đối với công tác lập quy hoạch phân khu cho các khu vực phát triển của hồ thì tỉnh ta chưa thực hiện được do thiếu kinh phí. Sau khi có quy hoạch phân khu, các dự án đầu tư xây dựng tại đây sẽ triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đây chính là cơ sở để lập dự án đầu tư theo quy định. Hiện nay, phần lớn các dự án đang triển khai tại vùng hồ Núi Cốc đang thực hiện ngược lại với quy trình này. Do chưa có quy hoạch phân khu nên việc kết nối, sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án khó thực hiện được. Thêm nữa là hàng năm, các xã, huyện, thành phố trong quy hoạch vùng hồ Núi Cốc khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới cùng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã tác động rất nhiều đến lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái của vùng hồ. Chúng ta không thể cùng lúc làm được cả 2 việc là vừa phát triển du lịch sinh thái, vừa phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại đô thị. Bởi, nếu muốn phát triển du lịch sinh thái thì cần giữ gìn vẻ hoang sơ vốn có của hệ sinh thái để hấp dẫn du khách; còn nếu muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải xây dựng theo hướng hiện đại, tức là có sự can thiệp của bàn tay con người.

 

Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch tại đây, ông Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Trường Sinh cho rằng: Hồ Núi Cốc là hồ thủy nông nên mức chênh lệch mực nước giữa 2 mùa (mùa mưa và mùa khô) khá lớn, làm thay đổi cảnh quan hồ nên khó khăn trong việc quy hoạch các hạng mục công trình tiếp cận hồ như cầu tầu, đường dạo, sân bãi phục vụ hoạt động du lịch. Thêm nữa, do là hồ thủy lợi nên cứ đúng vào dịp 30/4-1/5, 2-9 khi người dân đi du lịch nhiều thì hồ lại phải xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khiến mực nước xuống thấp, gây khó khăn cho những đơn vị làm du lịch.

 

Còn ông Vũ Anh Thắng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng, là chủ đầu tư Dự án Khu bến tàu du lịch hồ Núi Cốc, khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng ăn uống và khu neo đậu tàu, trạm bảo dưỡng sửa chữa tàu tại xã Tân Thái (Đại Từ), cho biết: Dự án của chúng tôi được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010 với tổng diện tích khoảng 30ha, chúng tôi đã lập xong và được phê duyệt quy hoạch chi tiết, chỉ còn chờ nhận mặt bằng để triển khai dự án. Nhưng đến nay, chúng tôi mới chỉ được bàn giao mặt bằng gần 1ha để xây dựng bến tàu và mua sắm 10 chiếc tàu về phục vụ các kỳ Festival Trà. Diện tích còn lại chúng tôi vẫn chưa được chính quyền địa phương bàn giao, mặc dù doanh nghiệp đã rất thiện chí trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thậm chí còn ứng trước tiền tái định cư cho các hộ dân liên quan với tổng số tiền khoảng 12 tỷ đồng.

 

Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước trong Khu du lịch cũng thiếu đồng bộ, có sự chồng chéo và chịu sự quản lý của nhiều địa phương, nhiều ngành. Cụ thể, rừng phòng hộ, mặt nước hồ là do Sở Nông Nghiệp - PTNT quản lý; việc quy hoạch, cấp phép xây dựng thuộc chức năng của Sở Xây dựng; hạ tầng giao thông chịu sự quản lý của Sở Giao thông - Vận tải; hoạt động du lịch thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; hoạt động thương mại, buôn bán trong Khu du lịch lại chịu sự quản lý của Sở Công Thương; về đất đai tại khu vực này do Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý; Ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc thì được giao 10 nhiệm vụ, trong đó chủ yếu là thực hiện những công việc mang tính chất hành chính, quản lý Nhà nước, có quyền kiểm tra, giám sát nhưng không có quyền xử lý nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, trở ngại... Chính điều này đã khiến cho bức tranh về các dự án đầu tư vào Khu du lịch hồ Núi Cốc trở nên nham nhở, thiếu chuyên nghiệp, chưa đủ sức thu hút du khách như kỳ vọng.

 

Hệ lụy của việc đầu tư thiếu bài bản

 

Khi tỉnh công bố Quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, bà con nhân dân trong vùng quy hoạch rất phấn khởi, tin tưởng rằng sẽ được hưởng lợi về tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nghề phụ… Nhưng sau 3 năm, khi chúng tôi phỏng vấn người dân về vấn đề này thì ai nấy đều lắc đầu chán nản. Ông Lê Văn Hợi, ở xóm Tân Lập, xã Tân Thái (Đại Từ) than thở: Chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây lại khiến người dân bức xúc như hiện nay. Cả một khu du lịch rộng lớn mà lại không có nơi xử lý rác thải riêng biệt. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách mặc nhiên vứt rác, xả nước thải bừa bãi. Cứ vào mùa du lịch, nhiều bãi rác thải tự phát xuất hiện, do không được thu gom thường xuyên nên bốc mùi hôi thối. Mỗi khi trời mưa, nước thải, rác thải đều chảy xuống lòng hồ khiến hồ Núi Cốc có nguy cơ bị ô nhiễm nặng.

 

Cùng với đó, bà con nông dân trong vùng phần lớn vẫn thuộc diện khó khăn, nhưng vì sống gần Khu du lịch nên những chi phí cho sinh hoạt hàng ngày cũng phải tăng theo. Ví dụ, giá các loại thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, cá, thậm chí đến mớ rau, hoa quả, gạo tại vùng này cũng đều chênh lệch so với các vùng khác từ 10.000-20.000 đồng tùy loại.

 

Theo ông Đỗ Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tân Thái, do đặc điểm của xã là vùng bán ngập nên người dân thiếu tư liệu sản xuất. Những mong các dự án đầu tư vào Khu du lịch hồ Núi Cốc sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, nhưng đến nay toàn xã mới có gần 100 lao động vào làm việc tại Khu du lịch (chỉ chiếm 2,7% trong tổng số gần 3.600 lao động ở xã). Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển du lịch không theo quy hoạch như hiện nay, tại khu vực này còn xuất hiện tình trạng hàng loạt hộ dân ở các xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), Tân Thái (Đại Từ) tự ý xây dựng nhà ở; lều quán để kinh doanh. Nghiêm trọng hơn, có hộ còn xây dựng nhà xuống cả lòng hồ; tự ý đào bới, san lấp mặt bằng, đổ đất xuống hồ để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ…

 

Tiếng nói của các nhà quản lý

 

Quy hoạch vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc được duyệt là cơ sở để xây dựng quy chế đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng tổng thể của vùng hồ. Theo ông Phạm Đức Toàn, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc để triển khai các dự án đang và sẽ đầu tư vào vùng hồ Núi Cốc thì việc lập Quy hoạch phân khu là hết sức cần thiết. Hiện nay, Ban Quản lý đã thống nhất với Sở Xây dựng báo cáo tỉnh lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc. Trước mắt, sẽ lập quy hoạch khu A (là khu có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thể thao, thương mại, dịch vụ, lễ hội…) và đã được UBND tỉnh chấp thuận; đồng thời có nghiên cứu kết nối, cập nhật các quy hoạch tại khu C - là quy hoạch khu đô thị. Hiện tại, khu C đã có các quy hoạch được phê duyệt là: Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây và Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Duyên Phúc, Khu nghỉ dưỡng sinh thái Lake Side, Khu đô thị Hưng Long, do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Đầu tư bất động sản Hà Nội thực hiện. Khu B là khu vực phía Tây Nam hồ Núi Cốc sẽ làm vùng bảo tồn khai thác giá trị cảnh quan sinh thái rừng - hồ.

 

Bên cạnh việc cần thiết phải lập Quy hoạch phân khu, ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đề nghị tỉnh cần có những quy chế, quy định cụ thể đối với các dự án đầu tư tại khu du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời cũng phải quy định cụ thể về các nội dung như: Năng lực tài chính, năng lực tổ chức thực hiện, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng lộ trình triển khai dự án cụ thể theo từng quý, năm. Đặc biệt, đề nghị tỉnh kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai, hoặc chậm tiến độ tại vùng hồ Núi Cốc để đảm bảo công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng như việc thu hút những nhà đầu tư khác có năng lực.

 

Còn theo ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, để Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc phát triển bền vững thì cần thiết phải có sự tham gia của cộng đồng. Như vậy sẽ tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương gồm các thành phần kinh tế khác nhau được tham gia vào toàn bộ quá trình phát triển các sản phẩm, các khu, điểm du lịch, từ khâu quy hoạch đến quản lý phát triển, khai thác và họ phải được hưởng lợi từ những dự án phát triển cụ thể. Một khi cộng đồng địa phương được hưởng quyền lợi cụ thể thì họ sẽ là người bảo vệ hữu hiệu nhất nguồn tài nguyên môi trường du lịch - một yếu tố quan trọng bậc nhất trong phát triển bền vững…

 

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đang tích cực xúc tiến việc thực hiện Dự án hầm đường bộ qua núi Tam Đảo, nối khu vực Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với hồ Núi Cốc nhằm kết nối các điểm du lịch và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Hy vọng trong tương lai không xa, hồ Núi Cốc sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách như kỳ vọng của rất nhiều người.