Để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn T.P Thái Nguyên thời gian qua, Tòa án Nhân dân thành phố không chỉ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng cùng cấp giải quyết hiệu quả các vụ án hình sự mà còn thường xuyên tổ chức xét xử lưu động để tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật tới các tầng lớp nhân dân, phòng ngừa nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm…
Từ đầu năm công tác đến nay, Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên đã liên tục tổ chức xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự: trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản (nhóm tội về xâm phạm sở hữu); tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; tội trốn khỏi nơi giam giữ… tại các phường, xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đây là các phiên tòa xét xử công khai, có đầy đủ các thành phần chức năng tham gia tố tụng và thu hút đông đảo người dân chứng kiến. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh án Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên cho biết: “Tính từ đầu năm công tác đến nay (từ ngày 1/10 năm 2013), chúng tôi đã xét xử lưu động 45 vụ án hình sự sơ thẩm với tổng số 45 bị cáo và đã hoàn thành kế hoạch cấp trên giao và tăng khoảng 10% so với năm trước. Những vụ án hình sự được chọn để xét xử lưu động phải đảm bảo an toàn, có giá trị tuyên truyền, nhất là những tội danh có tính phổ biến hay mới phát sinh. Từ nay đến hết năm công tác, Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên tiếp tục tổ chức xét xử lưu động thêm 6 vụ án hình sự nữa để tăng cường tuyên truyền pháp lý...”.
Tại các phiên xét xử lưu động, Hội đồng xét xử của Tòa án Nhân dân T.P Thái đã tuyên phạt 3 năm tù trở xuống đối với 33 bị cáo; 7 bị cáo bị tuyên phạt từ 3 đến 7 năm tù; 5 bị cáo bị tuyên phạt từ 7 đến 15 năm tù và các hình phạt bổ sung khác nên bị cáo, những người tham dự phiên tòa đều nhận thức được hậu quả khi vi phạm pháp luật…
Xét xử lưu động là biện pháp hữu hiệu, cụ thể để tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên thời gian qua, Thành ủy, HĐND T.P Thái Nguyên đã đặc biệt quan tâm đến công tác này và chỉ đạo các ngành liên quan, 28 phường, xã trên địa bàn phải phối hợp, giúp đỡ về mọi mặt để ngành Tòa án tổ chức thành công các phiên toà xét xử lưu động. Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: Ngành Tòa án xét xử lưu động các vụ án tại xã là giúp địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân; răn đe cũng như phòng ngừa tội phạm nên xã Phúc Hà rất hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức xét xử lưu động tại địa bàn. Từ thực tế công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, chúng tôi đề nghị thời gian tới, Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên nên tăng số lượng vụ án xét xử lưu động đối với một số loại tội danh, như: Chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, hành hung người khác…”.
Xét xử lưu động các vụ án hình sự tốn kém về kinh phí gấp nhiều lần so với xét xử tại trụ sở của tòa án, cán bộ các cơ quan tham gia tố tụng, cơ quan, đơn vị được chọn làm nơi xét xử vất vả hơn nhiều nhưng với những kết quả nêu trên, đề nghị tòa án 2 cấp trong tỉnh nên tăng cường công tác này hơn nữa.