Những năm gần đây, nguồn lợi thủy hải sản vùng biển Kiên Giang, Cà Mau bị suy giảm đáng kể, cùng những khó khăn về vốn, tàu nhỏ, ngư lưới cụ thô sơ khiến thu nhập từ mỗi chuyến ra khơi của người dân giảm đáng kể. Nhưng ngư dân vẫn quyết tâm bám biển đánh bắt và nuôi trồng hải sản để phát triển kinh tế bền vững.
Vươn ra khơi xa
Ông Võ Minh Hà, khu phố 1, phường An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang cho biết: Đến Phú Quốc lập nghiệp từ năm 1986, ban đầu, ông chỉ đánh bắt bằng những tàu đánh bắt nhỏ. Nhưng đến năm 2000, nhận thức không thể mãi khai thác hải sản gần bờ, ông quyết định đầu tư đóng tàu lớn để ra khơi. Với chiếc tàu công suất 90 CV, ông thường ra khơi cách đảo Phú Quốc 90 hải lí để đánh bắt các loại cá thu, cá cơm... Sau mỗi chuyến đi, trừ hết chi phí như dầu máy và nhân công, ông còn lãi 100 triệu đồng. Hiện nay, một số loài cá có chiều hướng suy giảm, thêm vào đó là thông tin về khu vực biển miền Trung bất ổn đã làm cho hoạt động đánh bắt khó khăn. Tuy nhiên, ông Hà khẳng định, ông vẫn quyết tâm bám biển bởi nghề này đã gắn bó với cuộc đời ông gần 20 năm nay và cũng là nghề giúp ông nuôi "sống" gia đình. Vì thế, cứ mỗi tháng khi con trăng mờ, ông Hà lại cùng các ngư dân ra khơi để mang cá, tôm của biển về đất liền.
Nhiệm vụ mỗi ngư dân như ngọn hải đăng trong bảo vệ lãnh hải thì nhiệm vụ mỗi hải đội cũng không kém phần quan trọng. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chính trị viên Hải đội 402 tại Cà Mau chia sẻ, các thành viên hải đội thường tổ chức tuyên truyền cho những ngư dân đi biển về thông tin Biển Đông, khuyến khích, động viên các ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt trên vùng biển Tây. Sự có mặt của ngư dân, hải đội cùng lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau sẽ dễ dàng phát hiện tàu lạ đi vào vùng biển Tây góp phần cùng lực lượng cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Hiện nay, vùng biển Tây - nơi đánh dấu lãnh hải nước ta có hơn 140 hòn đảo, trong đó, đảo lớn như Phú Quốc, Hòn Thơm, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Thổ Chu có nhiều ngư dân tập trung sinh sống, vì vậy, ngư dân cùng những người lính đảo vừa gắn bó, mưu sinh, vừa một lòng giữ đảo, giữ biển.
Thiếu tá Nguyễn Hiền Năng, Chính trị viên, Đồn Biên phòng Hòn Khoai chia sẻ, vùng biển này là của nước ta, các đảo cũng là của nước ta. Vì vậy, Đồn biên phòng Hòn Khoai đã quán triệt và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, triển khai toàn diện các biện pháp công tác, bám biển, giữ đảo, bảo vệ chủ quyền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ chiến sĩ.
Hướng đến khai thác hiệu quả, bền vững
Hiểu được nhọc nhằn và lo lắng của ngư dân đi biển, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển mưu sinh, hướng đến phát triển khai thác biển bền vững.
Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/QĐ - TTg, về chính sách hỗ trợ cho vay 70% giá trị hệ thống bảo quản sau thu hoạch đối với ngư dân có 60% linh kiện trên tàu sản xuất trong nước với mức lãi suất thấp nhất trong nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước và chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng đã tích cực đầu tư hệ thống cảng biển, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho các ngư dân khai thác xa bờ như cảng cá Tắc Cậu, cảng cá An Thới, khu tránh trú bão Lình Huỳnh, khu tránh trú bão Hòn Tre, Nam Du, Thổ Chu, Phú Quốc, Xẻo Nhàu, Kiên Lương...
Đồng thời, trước thực trạng nguồn lợi hải sản cạn kiệt, địa phương đã hạn chế các phương tiện khai thác nhỏ, khuyến khích các ngư dân đầu tư phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại để khai thác xa bờ, vừa bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ, vừa khai thác xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để tăng giá trị sản phẩm khai thác, tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại chỗ, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi... được hỗ trợ nguồn vốn 50 tỷ đồng với lãi suất 0% trong năm đầu tiên và đến năm thứ 3 hỗ trợ 50%.
Mặt khác, tỉnh Kiên Giang cũng tổ chức lại công tác khai thác, thu mua sản phẩm đánh bắt. Kiên Giang có 400 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Trong thời gian tới sẽ hình thành các tổ hợp tác trong khai thác và hậu cần nhằm giảm chi phí khai thác cho ngư dân. Đây là giải pháp vừa đảm bảo được an ninh trên biển vừa giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi phương tiện gặp sự cố, tai nạn, đồng thời hình thành thói quen trong hợp tác sản xuất.
Ông Huỳnh Hữu Liêm, Phó Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Cà Mau chia sẻ, Cà Mau có 12 dự án xây dựng cảng cá, trong đó 2 dự án đã hoàn thành là cảng Cà Mau và cảng Sông Đốc, 2 dự án đưa vào sử dụng đầu năm 2015. Các cảng khác còn trong quy hoạch xây dựng. Đồng thời, tuyến đường quốc lộ từ thành phố Cà Mau đến huyện Trần Văn Thời sẽ được xây dựng trong thời gian tới tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa từ cảng Sông Đốc đến các địa phương khác.