Bảo vệ môi trường trong khai khoáng: Vấn đề không thể xem nhẹ

06:25, 05/06/2014

Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản luôn là yêu cầu quan trọng đối với mỗi địa phương. Với một tỉnh sở hữu tới hàng trăm mỏ và điểm mỏ như Thái Nguyên thì yêu cầu đó lại càng cấp thiết hơn. Hiện nay, bên cạnh những nỗ lực cải thiện môi trường trong hoạt động khai khoáng của tỉnh, đâu đó trong lĩnh vực này vẫn còn những tồn tại chưa được giải quyết.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (thường là nhỏ lẻ) ở một số nơi trong tỉnh vẫn còn xảy ra và tái diễn nhiều lần, chưa được xử lý triệt để, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cảnh quan… Việc khai thác trái phép không tuân theo quy trình là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước, không khí. Các loại khoáng sản khai thác trái phép trên địa bàn chủ yếu là vàng, quặng sắt, than và cát, sỏi. Đây chính là một trong những tồn tại đã được ngành Tài nguyên và Môi trường lưu ý trong quá trình khảo sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

 

Mấy năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, nhất là trên dòng sông Cầu thuộc địa phận các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình và Phổ Yên. Ngày ngày, người dân sống ở những khu vực khai thác trái phép dọc hai bên bờ sông phải chứng kiến cảnh tàu cuốc, tàu hút cát chạy rầm rầm, nhiều đoạn sông bị khuấy đục ngầu, dầu thải loang đầy mặt nước. Không ít đất soi, bãi canh tác nông nghiệp của người dân bị các tàu cát hút trôi. Tỉnh cũng đã tăng cường các biện pháp xử lý, song tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

 

Cùng với cát, sỏi, hoạt động khai thác vàng sa khoáng nằm trên địa bàn các xã phía Bắc của huyện Võ Nhai cũng khiến một số dòng suối hợp lưu với sông Cầu bị ô nhiễm. Người dân địa phương cũng đã có ý kiến, kiến nghị về việc nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất bị ô nhiễm, song hiện tại vẫn chưa được khắc phục. Hoạt động đào đãi vàng trái phép thường liên quan đến hoạt động nổ mìn, sử dụng các hóa chất độc hại nên độ ô nhiễm rất cao. Đối với những trường hợp đào bới từng thửa ruộng để tìm vàng như đã diễn ra ở một số xã của huyện Đồng Hỷ thì mức độ ảnh hưởng đến môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân là rất đáng lo ngại.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là, trước thực trạng trên, chính quyền cơ sở lại chưa thực sự quan tâm vào cuộc để giải quyết kịp thời. Cụ thể là chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Không hiếm trường hợp bí thư, chủ tịch xã coi việc bảo vệ tài nguyên, khoáng sản và môi trường là nhiệm vụ chung của tỉnh, của huyện và các ngành chức năng, thậm chí có trường hợp còn tiếp tay, thao túng cho các đối tượng khai thác trái phép. Bằng chứng là huyện Võ Nhai, Phú Bình, Đồng Hỷ, Phổ yên có thời điểm đã tiến hành kỷ luật, điều chuyển công tác với một số cán bộ cấp xã vì buông lỏng quản lý, bao che hoặc làm ngơ cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.

 

Ngoài hoạt động khai thác trái phép thì tình trạng đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng nhưng chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều. Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường thì phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp khai khoáng, nhất là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ sản xuất còn hạn chế. Bởi vậy, sự quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, khắc phục môi trường trong và sau khai thác còn chưa đúng mức.

 

Theo khảo sát chuyên môn thì hiện tại có 2/3 số máy móc thiết bị phục vụ hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh là lạc hậu, chủ yếu nhập công nghệ cũ của Trung Quốc và gia công thêm ở trong nước. Chính sự lạc hậu đó đã góp phần thải ra môi trường một lượng lớn chất thải, khí thải và nước thải không đủ tiêu chuẩn cho phép. Theo thống kê chưa đầy đủ về hiện trạng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trong hoạt động khoáng sản của tỉnh đến thời điểm này có tới hàng chục cơ sở gây ô nhiễm. Trong đó, số cơ sở gây ô nhiễm không khí chiếm khoảng 70%, còn lại là ô nhiễm nước mặt, môi trường đất. Cá biệt có cơ sở gây ô nhiễm cả 3 loại hình trên.

 

Một tồn tại đáng lo ngại nữa chính là việc nhiều tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc thực hiện các quy định trong quá trình tổ chức khai thác khoáng sản. Đặc biệt, đối với việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, chương trình quan trắc giám sát môi trường…, không ít tổ chức, cá nhân đã bỏ qua hoặc làm theo kiểu đối phó.

 

Nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6), một lần nữa chúng tôi nêu lên vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, với mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Qua đây cũng mong các cấp chính quyền địa phương, các ngành chức năng tiếp tục vào cuộc, kịp thời phát hiện, xử lý những tồn tại, tiến tới giải quyết triệt để vấn đề trên.