Để có “món ngon” cho độc giả

09:23, 21/06/2014

Mỗi năm có từ 2 đến 3 kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND), mỗi kỳ họp kéo dài từ 3 đến 5 ngày; đề ra hàng chục nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân đề xuất, kiến nghị. Với đội ngũ phóng viên là hàng loạt bài viết, phóng sự, phỏng vấn, ghi nhanh, phản ánh kịp thời những nội dung “nóng” trên nghị trường đến với độc giả. Và không ít câu chuyện về áp lực công việc, “bếp núc” xung quanh thực hiện nhiệm vụ phóng viên nghị trường đã để lại những ấn tượng trong cuộc đời những người làm báo.

Cứ mỗi dịp sắp tới Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), kỷ niệm buồn, vui lại ùa về trong ký ức của những người làm báo. Với chúng tôi, những người làm báo Đảng tỉnh nhà, việc thực hiện nhiệm vụ phóng viên nghị trường là vinh dự, tự hào và hãnh diện, song trách nhiệm cũng không nhỏ.

 

Áp lực đầu tiên chính là việc đảm bảo tính thời sự của các sự kiện. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, bạn đọc thường đòi hỏi rất cao. Do ý nghĩa, tầm quan trọng và tính thời sự của các kỳ họp nên thông tin phải hết sức nhanh, nhạy, chính xác và kịp thời. Đành rằng, đài thì truyền thanh, truyền hình trực tiếp; báo thì ra hàng ngày; các kịch bản chương trình thì đã được lên “khung”, song không lần nào chúng tôi không gặp những tình huống phát sinh, làm sao để thông tin đến với bạn đọc dễ hiểu, chính xác, không bị hiểu lầm.

 

Các phóng viên nghị trường thường làm việc theo nhóm với kế hoạch tuyên truyền đã được xây dựng; được ưu tiên tiếp cận với nguồn thông tin vô cùng phong phú thông qua các cuộc họp báo, thảo luận, chất vấn của đại biểu, nhưng lại gặp áp lực về chất lượng bài vở. Điều đó phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tác nghiệp của mỗi phóng viên. Ngoài việc thực hiện những cuộc phỏng vấn, lược ghi ý kiến thảo luận của các đại biểu, một số bài viết phản ánh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng vấn đề mà kỳ họp bàn thảo, chúng tôi cảm thấy rất khó khăn khi xây dựng những bài viết sắc sảo, mang tính bình luận. Bởi những bài viết ấy đòi hỏi ở mỗi phóng viên sự am hiểu thực tiễn và kinh nghiệm công tác. Và sự kết nối để tờ báo trở thành “diễn đàn” của nhân dân lại phải hết sức tinh tế; làm sao để khi trao đổi, phỏng vấn, các cử tri dám mạnh dạn chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc và sẵn sàng hiến kế.

 

Mỗi kỳ họp, cả nhóm tất bật lao vào công việc, mỗi người một khâu, người thì viết tin, người thì hoàn chỉnh bài viết, người lại tiếp tục phỏng vấn, ghi chép, biên tập... để sớm mai, các đại biểu và độc giả có tờ báo trên tay với nhiều tin nóng. Chúng tôi vui với những lời khen thật lòng, nhưng cũng rất thấp thỏm vì biết đâu lại bị “bắt lỗi”. Quả thực, trong con mắt của người làm nghề, phóng viên được theo dõi nghị trường dù áp lực cao nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất hãnh diện vì có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các đại biểu, những người giữ trọng trách của tỉnh - điều mà phóng viên bình thường khác rất khó có cơ hội. Thế nên trong câu chuyện làm nghề, chúng tôi thường hay nói đến nghệ thuật, kỹ năng để phỏng vấn được các chính khách.

 

Nhà báo Ngọc Sơn, người thường được Ban Biên tập giao nhiệm vụ nhóm trưởng nhóm phóng viên nghị trường chia sẻ: Ðể có một bài phỏng vấn hay, phóng viên phải sáng tạo trong cả cách tiếp cận đại biểu, có khi tiếp cận ngay trong phút giải lao, có khi chỉ là những cuộc trò chuyện hết sức cởi mở; song có những lúc cần phải đầu tư nghiên cứu, suy nghĩ rất kỹ càng, đăng ký gặp qua văn phòng, rồi chuẩn bị tâm thế cho một cuộc phỏng vấn mới có kết quả như mong muốn. Nhiều khi do bận công việc, cũng có khi do có những vấn đề tế nhị mà phải hẹn nhiều lần mới gặp được “chính chủ” với thái độ không được “mặn mà” cho lắm, nhưng vẫn phải lựa lời để thực hiện nhiệm vụ. Cũng có lần anh em phóng viên ngại ngần, tự ty, sợ không đủ tầm để trao đổi, phỏng vấn các chính khách…

 

Còn nhà báo Thu Hằng lại hồ hởi khi được tiếp cận với độc giả theo dõi các kỳ họp thông qua báo chí và có những phản hồi chân thành với đội ngũ phóng viên, giúp đội ngũ phóng viên nhận ra những thiếu sót cũng như những ưu điểm, dễ dàng tiếp thu, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tuyên truyền.

 

Chia sẻ kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp, mặc dù trọng tài là những độc giả rất khắt khe, khen có, chê có, song chúng tôi luôn động viên nhau: Hãy tiếp thu một cách nghiêm túc, rút kinh nghiệm, sửa chữa, điều chỉnh để chất lượng tuyên truyền những kỳ họp sau được tốt hơn. Muốn làm tròn trách nhiệm của một phóng viên nghị trường, có bài viết hay, mang tính thời sự thì ngay từ khâu chuẩn bị cho đến những buổi đầu bước vào kỳ họp, mỗi phóng viên phải theo dõi thật kỹ từ  báo cáo cho đến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu, đặc biệt là chất vấn “tư lệnh” các ngành liên quan đến những vấn đề nghị sự diễn ra tại kỳ họp. Từ đó lựa chọn vấn đề nổi bật nhất để xây dựng bài viết, truyền tải kịp thời không khí của nghị trường đến với độc giả.

 

Mỗi thế hệ phóng viên nghị trường có những thách thức khác nhau. Có thể khẳng định, chỉ có phóng viên tận tụy và am hiểu thì mới lựa chọn được những vấn đề quan trọng, “nổi cộm”, được nhiều người quan tâm trong mỗi kỳ họp để chế biến được những “món ngon” cho độc giả của mình. Tự hào về truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ phóng viên chúng ta hãy tự nghiêm khắc với chính mình, lao tâm khổ tứ cho từng con chữ, từng bài viết để độc giả có được “món ngon” sau mỗi ngày làm việc vất vả. Và đó chính là trách nhiệm xã hội của những người làm báo hôm nay./