Du lịch Bản Quyên: Vì sao chưa hút khách?

14:57, 08/06/2014

“Chạy trốn” nắng tháng Sáu, chúng tôi về Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa) - bản được tỉnh đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái từ hơn 5 năm nay. Dạo bước dưới tán cây xanh mát, ngắm từng ngôi nhà sàn êm đềm đang hờ hững nhả khói lam chiều, tôi thấy lòng nhẹ nhàng, khoan khoái vì được sống gần gũi với cảnh vật thiên nhiên.

Ngắm những cánh đồng: Nạ Vờ, Nạ Đút, Bản Quyên, Nạ Tra lúa vừa độ chín, khoe hạt mẩy vàng dưới nắng; kề đó là các dòng khe Nà Lạng, Đồng Lá, Nạ Tra mải miết gom nước đổ về hồ Núi Cốc, và từng vạt đồi: Khau Tí, Thẩm Tín, Đón Ngoén, Khau Hấu mang trên nó từng vạt rừng vầu thẳng tắp, xanh tốt, khiến tôi có cảm nhận mình đang được đi trong một chiếc máy điều hòa khổng lồ của thiên nhiên. Rồi chợt từ đâu đó, có tiếng mõ trâu lốc cốc gợi nhớ về một miền hoài niệm. Cụ Ma Đình Bài (gần 80 tuổi) kể cho tôi nghe về vùng đất, con người Bản Quyên. Đó là vùng quê từng mang trên nó một quá khứ đầy tự hào. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đồi Khau Tí làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian ở đây (từ tháng 5 đến tháng 10-1947), Bác đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp”, “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh XYZ, tác phẩm quan trọng về công tác xây dựng Đảng, tài liệu học tập tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ. Cũng tại nơi này, Bác Hồ đã viết bài thơ: “Cảnh khuê”, tức “Cảnh khuya”.

 

Người Bản Quyên ai cũng thuộc nằm lòng về những sự kiện lịch sử có liên quan đến quê hương mình. Bởi như lời ông Ma Đình Tín, 76 tuổi, người cao tuổi của Bản Quyên: Ngày Bác Hồ về đồi Khau Tí ở lãnh đạo kháng chiến, Bản Quyên chỉ có 6 nóc nhà. Nhưng bản Quyên bây giờ đã có 36 hộ, chủ yếu mang dòng họ Ma, nên mọi người đều như anh em một nhà, và có chung một niềm tự hào về thời kháng chiến, cha ông mình đã tích cực tham gia ủng hộ cách mạng… Từ năm 2007, đồi Khau Tí đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Với Bản Quyên (địa phương có di tích) thì đây là một trong những sự kiện trọng đại để nhân dân trên nhiều miền đất nước biết đến Bản Quyên.

 

Cùng với việc đầu tư xây dựng, tôn tạo di tích đồi Khau Tí, Nhà nước đã có nhiều quan tâm hơn tới đời sống của người dân Bản Quyên, như việc vận động các hộ tham gia làm du lịch, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Trưởng bản, ông Ma Đình Hiệu cho biết: Tham gia làm du lịch, Bản Quyên có một số thuận lợi là ở gần di tích lịch sử Quốc gia, có môi trường xanh, sạch, Bản Quyên còn có đến hơn 97% là người dân tộc Tày, nét văn hóa truyền thống chưa bị pha tạp. Hơn thế, người Bản Quyên sống hồn hậu, mến khách. Ông Ma Đình Vận, người của Bản Quyên cho biết thêm: Trong 36 nóc nhà ở Bản Quyên thì hiện còn 20 ngôi nhà sàn. Năm 2009, 15 nhà sàn ở Bản Quyên được Nhà nước hỗ trợ tiền sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn khi đón tiếp các đoàn khách du lịch trong nước, quốc tế đến thăm quan, ăn, uống, ngủ, nghỉ. Hầu hết các ngôi nhà sàn của bản được hỗ trợ 15 triệu đồng tiền công tu sửa/nhà, ngoài ra các hộ có nhà sàn còn được nhận thêm 30% tiền mua vật liệu thay thế, như cột, kèo, xà, hoành…

 

Vào thăm ngôi nhà sàn của gia đình bà Ma Thị Lan, đó là một ngôi nhà sàn 3 gian, 2 chái chắc chắn ngự trên một khu đất thoáng rộng. Từ ngoài ngõ vào có 2 hàng bông bụt được cắt tỉa đẹp mắt, từ chân cầu thang thấy ngay dưới gầm sàn những nông cụ sản xuất và lác đác mấy chú gà nhẩn nha nhặt thóc rơi. Khu vườn trước nhà mới được chủ nhân trồng thêm mấy khóm rau bồ khai, cây ngót rừng để “lỡ” có khách du lịch đến đặt tiệc thì hái, nấu phục vụ. Bà Lan cho biết: Các hộ ở Bản Quyên vận động nhau trồng thêm rau rừng tại vườn nhà để làm dịch vụ, song vì chẳng có khách đến thăm, nên cơ bản vẫn để phục vụ bữa ăn của gia đình mình.

 

Bản Quyên làm du lịch, nhưng từ suốt hơn 5 năm nay chỉ có 2 ngôi nhà sàn của bản có khách đến thăm quan. Đó là ngôi nhà sàn 3 gian, 2 chái của gia đình ông Ma Đình Soạn ở ngay đầu bản. Nhờ được tỉnh tạo điều kiện cho đi thăm quan mô hình du lịch ở Bản Lác (Hòa Bình), ông Soạn mạnh dạn đầu tư mua chiếu, chăn, đệm, màn phục vụ cho khách lưu trú qua đêm, nhưng chưa bao giờ được sử dụng đến, vì du khách chỉ ghé qua, rồi vội vã ra về. Ngôi nhà sàn thứ 2 của bản được đón tiếp khách du lịch là của nhà bà Lan. Làm Đội trưởng Đội văn nghệ, bà Lan có thuận lợi hơn so với các gia đình khác là… kéo được khách về nhà mình. Năm 2013, gia đình bà đã tiếp đón khoảng gần 80 khách của 10 đoàn du lịch, trong đó có 3 đoàn khách nước ngoài đến từ các nước Úc, Đan Mạch và Lào. Từ tháng 1 đến hết tháng 5-2014, ngôi nhà sàn của gia đình bà Lan đã đón tiếp được 4 đoàn khách du lịch, khoảng gần 40 người. Bà Lan tự hào: Về Bản Quyên, du khách được nghe đàn tính, hát sli, lượn; ẩm thực có xôi ngũ sắc, nộm hoa chuối, gà đồi, khẩu nhục, rau bồ khai, ngót rừng. Giây lát dừng lời, bà Lan chợt phấn chấn: Du khách đến tham quan, đặt chân lên nhà sàn đều trầm trồ, bảo: Mát như ngồi phòng có điều hòa nhiệt độ. “Họ” thích nghe đàn tính, nghe hát sli, lượn và thích chụp ảnh với các “diễn viên” mang trang phục của người Tày.

 

Bà Lan cầm cây đàn tính, nẩy nền giai điệu rộn ràng mang hồn rừng khiến chúng tôi ngẩn ngơ nghe. Nhưng chợt đứt đoạn khi ông Hiệu phàn nàn: Người Bản Quyên đang sống nhờ trồng lúa, trồng ngô nuôi du lịch. Vì thực tế số khách hằng năm đến thăm bản chẳng có là bao, tất cả cũng vì lý do đường vào bản quá chật hẹp, chỉ vừa đủ 1 làn xe, nên không ít đoàn khách khi dừng chân đầu bản, đã vội lên xe đi ngay vì ngại phải đi bộ.

 

Qua trò chuyện chúng tôi được biết thêm: Mỗi lần có khách du lịch, bà Lan lại gọi điện thoại cho từng thành viên trong Đội văn nghệ đến nhà. Ai nấy phấn chấn, dù đang cấy, gặt hay đi chăn trâu cũng vội vã về, thay trang phục để được hát hết mình. Mỗi sâu diễn gồm 10 người, thời gian phục vụ không hạn chế, sau khi nghe đàn, hát các đoàn đều có chút tiền bồi dưỡng cho đội văn nghệ. Có đoàn cho 500 nghìn đồng, có đoàn đưa 200 nghìn đồng, bình quân là 350 nghìn đồng/lần phục vụ, nếu đem chia đều được 35.000 đồng/người. Nhưng Đội không chia, mà chi vào tiền nước uống sau mỗi lần phục vụ.

 

Du lịch Bản Quyên mới có món “đàn, hát” được phục vụ bất cứ thời điểm nào trong ngày; còn ẩm thực, nếu du khách không đặt từ ngày hôm trước, cũng đành bấm bụng chịu đói ra thị trấn huyện, hoặc về thành phố tìm quán ăn… Cho tới lúc tôi bước xuống chân cầu thang, ông Vận nói xuê xoa: Cũng vì không có du khách đến thường xuyên, nên chúng tôi không thể mua thực phẩm, chế biến sẵn món ăn để chờ đợi. Vì những đặc sản như Xôi ngũ sắc chí ít phải lấy lá dã, ngâm rất lâu để chế biến, gà chạy đồi cũng phải nhốt lại từ đêm trước...