Hai thập niên qua, Việt Nam đã ưu tiên dành một khoản lớn ngân sách chi cho các hoạt động giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 58% (1993) đã giảm xuống còn khoảng 7,8% vào năm 2013. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ giảm nghèo của cả nước đạt 2%; các xã nghèo, huyện nghèo giảm bình quân hơn 5%/năm. Tuy nhiên, trên chặng đường đó vẫn còn nhiều "nút thắt" cần gỡ tiếp...
"Ba ra, một vào"
Giống hàng trăm hộ nghèo ở xã Phố Cáo (Ðồng Văn, Hà Giang), gia đình bà Thào Thị Mua nằm trong diện nghèo được nhận trợ cấp Nhà nước. Năm 2009, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, bà mua được hai con bò. Thoát nghèo chưa lâu, bò bị bệnh, chết. Tài sản lớn nhất không còn, gia đình bà Mua lại trở về cảnh thiếu đói triền miên. Gia đình có năm khẩu, nhưng chỉ còn một con lợn với bốn cân lúa giống, ba cân ngô. Con cái thất học, cả nhà sống qua ngày bằng cách tạm ứng trước rồi đi làm thuê để trả.
Vừa thoát nghèo lại tái nghèo, nhà bà Mua là một trong số hơn năm nghìn hộ tái nghèo trong khoảng mười nghìn hộ vừa thoát nghèo của tỉnh Hà Giang năm 2013. Tại Quảng Bình, năm 2013 có 10.151 hộ thoát nghèo, nhưng sau thiệt hại do các cơn bão số 10, số 11 gây ra, 2.480 hộ lại tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới...
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) cho thấy, bình quân mỗi năm, cứ ba hộ thoát nghèo lại có một hộ tái nghèo. Mặc dù tỷ lệ nghèo đang giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng đây được xác định là "lõi nghèo" khi nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn hơn 40% số dân, cá biệt có nơi còn chiếm tới hơn 50 đến 60%. Hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước, thu nhập bình quân của họ chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hằng năm còn cao, chủ yếu do hậu quả thiên tai, lũ lụt và nhu cầu tách hộ.
Thế nhưng, ranh giới giữa "nghèo", "cận nghèo" rất mong manh, mà theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðác Nông Nguyễn Thị Ngọc Lệ: Tiêu chí hộ nghèo là thu nhập dưới 400.000 đồng/người/tháng; thu nhập hộ cận nghèo 401.000 đồng/người/tháng, "vênh" có một nghìn đồng. Hiện tỉnh Ðác Nông đứng đầu Tây Nguyên về hộ nghèo với hơn 17,5% hộ nghèo, hơn 8% số hộ cận nghèo.
Hiện nay, người nghèo đang là đối tượng hưởng lợi từ nhiều chính sách, như tín dụng, giáo dục, y tế, khuyến nông, dạy nghề, đất sản xuất, đất ở, nhà ở..., chưa kể những hỗ trợ đột xuất bằng tiền mặt hoặc hiện vật khác. Nhiều chính sách giảm nghèo còn nặng về bao cấp, hỗ trợ cho không mà không kèm theo điều kiện, tạo ra tâm lý ỷ lại, trông đợi, làm mất động lực vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ mong muốn được vào "hộ nghèo" hoặc tìm cách "lách" chính sách vào danh sách hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo để trục lợi. Một cán bộ tại xã Ðức Hương (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết: Càng thêm chính sách bình xét hộ nghèo thì càng khổ người rà soát. Hiện nay, chuẩn nghèo quá thấp, nhưng nếu điều chỉnh tăng lên thì địa phương càng khó triển khai vì quá nhiều người muốn vào diện nghèo. Ðể chuẩn nghèo ở mức thấp còn dễ bình xét, chứ chuẩn nghèo nâng lên hơn 600 nghìn đồng/người/tháng, thì rất áp lực, xã không thể bình xét nổi.
Chính sách dàn trải, nguồn lực nửa vời
Vấn đề chồng chéo trong thiết kế các chương trình chính sách giảm nghèo được Bộ LÐ-TB và XH nhiều lần chỉ ra trong các báo cáo đánh giá như một tồn tại dai dẳng. Chồng chéo cao nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo, Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 về định hướng giảm nghèo bền vững... Sự thiếu gắn kết giữa các chương trình, dẫn tới sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ và thời gian hỗ trợ... gây lãng phí về nguồn lực, đồng thời là rào cản giảm nghèo bền vững. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Ðỗ Mạnh Hùng cho biết: "Chính sách nhiều, nhưng nguồn lực thiếu, nhiều chương trình chỉ đáp ứng được 30 đến 40% nguồn vốn. Bộ nào, ngành nào cũng có phần việc, dẫn đến chồng chéo. Có nơi, đoàn giám sát Quốc hội đến kiểm tra, có người nông dân đi học đến bảy lớp tập huấn na ná nhau, một địa phương có khi nhận ba đến bốn dự án nước sinh hoạt".
Riêng chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn đã thấy "ngợp" văn bản: nào là Quyết định 1956 về Ðề án dạy nghề cho lao động nông thôn, Quyết định 755 về dạy nghề cho người nghèo thiếu đất sản xuất, Quyết định 1019 về dạy nghề cho người khuyết tật, rồi hợp phần dạy nghề ngắn hạn trong CTMTQG dạy nghề và việc làm... gây trùng chéo về đối tượng, khác nhau về mức hỗ trợ, về cơ quan chủ quản. Các địa phương mỗi năm được phân bổ ngân sách đáng kể (một vài tỷ đồng/tỉnh), nhưng hiệu quả không cao. Tại các huyện miền núi DTTS, hầu hết người dân cho biết, không muốn tham gia học nghề phi nông nghiệp, vì học xong hầu như không có việc làm tại chỗ, trong khi họ vẫn phải lên nương, lên rẫy lo cái ăn hằng ngày. Ở các tỉnh đồng bằng, đa số thanh niên trong độ tuổi lao động lại chọn cách rời quê, đi tìm việc ở các khu công nghiệp, khu đô thị lớn hơn là tham gia các lớp học nghề. Nhiều lớp dạy nghề mở ra nhưng không gắn với mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, khai thác thế mạnh cây, con của địa phương, chưa gắn với thị trường với thực tế cuộc sống để người học xong có thể áp dụng...
Bà Ðoàn Thị Hậu, Ủy viên Thường trực HÐND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Ðoàn thanh niên tỉnh cũng phân bổ dạy nghề, hội phụ nữ, hội nông dân cũng dạy nghề, Sở LÐ-TB và XH cũng dạy nghề, ngành giáo dục cũng dạy nghề. Mỗi cơ quan làm một kiểu, chẳng có phối hợp xem chương trình đã dạy cái gì rồi để tránh ra. Mục tiêu là làm thế nào để giải ngân, "đếm đầu" học viên để có báo cáo. Mỗi cơ quan làm một kiểu như vậy, làm gì chẳng nửa vời, đánh trống bỏ dùi".
Cùng với đó là nhiều chính sách giảm nghèo hỗ trợ trực tiếp, nhỏ lẻ, ngắn hạn, như: hỗ trợ chi phí sản xuất và đời sống theo Quyết định 102 (định mức 80.000 đến 100.000 đồng/khẩu/năm tùy theo địa bàn, bằng tiền hoặc hiện vật); hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo (30.000 đồng/tháng); hỗ trợ một lần về giống mới, cây con... không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực. Nhưng đáng lo ngại hơn là những chính sách cho không càng nhiều, càng làm nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước ở một bộ phận người dân và cán bộ địa phương.
Theo Bộ LÐ-TB và XH, giai đoạn 2005 - 2012, tổng nguồn vốn dành cho giảm nghèo là hơn 864 nghìn tỷ đồng; và theo báo cáo của Bộ Tài chính là 734 nghìn tỷ đồng (bình quân hơn 90 nghìn tỷ đồng/năm), chiếm hơn 12% tổng chi ngân sách... Số tiền này được chi cho: xây dựng cơ sở hạ tầng, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trợ giúp pháp lý, thông tin... cho người nghèo và vùng khó khăn. Một con số "khổng lồ" nhưng trên thực tế, rất nhiều chương trình, chính sách mới chỉ bố trí được khoảng 30 đến 45% nguồn lực.
Ở Chương trình 30a, các huyện nghèo được phê duyệt đề án từ hai đến ba nghìn tỷ đồng nhưng nguồn vốn được cấp mỗi năm chỉ đạt 10 đến 15% so nhu cầu vốn hằng năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly cho biết: Từ năm 2009 đến 2011, nguồn vốn cho giảm nghèo của tỉnh chỉ đạt hơn 1.153 tỷ đồng trên tổng nhu cầu vốn là hơn 5.400 tỷ đồng, chỉ đạt 21%. Nên mới có một số hỗ trợ chưa đúng yêu cầu thực tiễn, như: mức khoán bảo vệ rừng chỉ được 200.000 đến 300.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ mua trâu bò chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng trong khi giá trên thị trường là 20 đến 25 triệu đồng/con...
Ðổi mới tư duy
Dù đánh giá cao những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua, nhưng các tổ chức phi Chính phủ và cộng đồng quốc tế cũng đã cảnh báo về nguy cơ tái nghèo cũng như việc khó đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, nếu không thay đổi cách làm.
Theo Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ai-len tại Việt Nam, Ngài Ð.Cô-lơ: "Những chính sách đã phát huy hiệu quả trong quá khứ của Việt Nam có thể sẽ không phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Cơ quan Viện trợ phát triển Ai-len tại Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương như nhóm dân tộc thiểu số và nhóm khuyết tật. Ðiều này đòi hỏi Việt Nam phải có các tiếp cận đa ngành và hiểu biết sâu hơn về nghèo đói trên nhiều phương diện mà nhóm yếu thế đang gặp phải". Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam Lê Kim Dung cho rằng: Ðể giải quyết bài toán về chồng chéo, việc lồng ghép và tích hợp các chính sách giảm nghèo cần thực hiện ngay ở cấp trung ương. Ðồng thời, đẩy mạnh cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương. Trung ương chỉ nên ban hành các chính sách khung. Cấp tỉnh sẽ quyết định các chính sách cụ thể ở địa phương dựa vào quy trình lập kế hoạch, trong đó, có sự tham gia, tiếng nói của cộng đồng thôn bản và người dân...
Hiện nay, Bộ LÐ-TB và XH cũng như các bộ, ngành khác đang tập trung rà soát đánh giá lại toàn bộ chính sách giảm nghèo, để chỉ ra chính sách nào còn phù hợp, còn phát huy và áp dụng được trong giai đoạn tới. Thứ trưởng Bộ LÐ-TB và XH Nguyễn Trọng Ðàm cho biết: Bộ đang tập trung xây dựng Ðề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều. Với cách tiếp cận này, hệ thống tiêu chí nghèo được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, không chỉ riêng vấn đề thu nhập mà cả về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Ðây sẽ là cơ sở để hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Cán bộ Trung tâm dạy nghề huyện Yên Minh (Hà Giang) hướng dẫn kỹ thuật trồng chè
cho người dân xã Na Khê.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Ðỗ Mạnh Hùng cho rằng: Chính sách tín dụng phải được coi là chính sách "cốt lõi" trong chính sách giảm nghèo giai đoạn tới. Tăng cho vay, giảm bớt cho không. Cần tách riêng giữa giảm nghèo trực tiếp và đầu tư cơ sở hạ tầng. Chu kỳ bố trí nguồn lực cần giảm ngắn hạn, tăng trung hạn và dài hạn. Trong bố trí nguồn lực, cần phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, để địa phương chủ động làm "nhạc trưởng"; tăng cường sự tham gia xã hội hóa...
|