Làm báo ở Trường Sa

15:27, 21/06/2014

Kể từ lúc tiếng còi tàu rúc lên 3 hồi chào tạm biệt đất liền, gió cũng bắt đầu thổi lên từng đợt. Chúng tôi được tin từ các thuỷ thủ của tàu HQ 936: Biển đang có bão cấp 7, gió giật cấp 9, cấp10. Tôi chưa kịp thắc mắc vì sao tàu lại nhổ neo đi vào ngày biển động (tháng 12-2011), thì một thuỷ thủ giải thích: Đây là chuyến đi đổi quân và chuyển hàng Tết cho bộ đội đang làm nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa, vì thế không thể lỡ hẹn.

Buổi họp báo đầu tiên được tổ chức tại phòng làm việc của Trưởng đoàn công tác, Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính uỷ Lữ đoàn Trường Sa. 14 phóng viên báo chí Trung ương và các báo địa phương có mặt đông đủ. Thượng tá Nguyễn Văn Thư quán triệt: Nhiệm vụ chính của tàu là đi đổi quân, chuyển hàng Tết cho bộ đội. Phóng viên báo chí tham gia cùng đoàn, khi lên tàu, ra đảo phải tuyệt đối an toàn…

 

Ra đến cửa vịnh Cam Ranh, tàu lắc kinh khủng, từng làn mưa cắt chéo không gian như quất vào mạn tàu. Tôi leo lên boong trên bằng cầu thang nội bộ, đứng ghì tay vào lan can để “thưởng thức” gió bão. Ở đó, cánh nhà bếp tất bật công việc nội trợ để phục vụ cho hơn 300 con người trên tàu. Biết tôi là người Thái Nguyên, một chiến sĩ trẻ bắt chuyện: - Giá như có ấm chè Thái uống lúc này thì sẽ rất ấm lòng chú nhỉ(?). Một chiến sĩ người vạm vỡ như con cá kình đế thêm: Chắc tờ báo của tỉnh Thái Nguyên toàn viết về thú uống trà phải không chú? Tôi nói vui: - Báo Thái Nguyên phản ánh tất cả mọi hoạt động trong đời sống xã hội, trong đó có cả những thông tin về cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Thiếu tá Trần Văn Thoan (ra đảo Cô Lin) bảo: Lính đảo chúng tôi hay đọc báo. Tôi cũng đã đọc Báo Thái Nguyên qua mạng điện tử, nên có biết chút ít về vùng đất và con người Thái Nguyên. Cũng theo anh Thoan: Thư viện ở các đảo, ngoài các đầu sách còn có Báo Nhân Dân, Báo Tiền Phong, Báo Lao Động…

 

Phóng viên các báo làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

 

Đang “lượm lặt” thông tin ngoài boong tàu, Thiếu ta Ngô Đình Dược (ra đảo Tốc Tan A) vỗ vai, bảo: Tôi vừa đọc tin của quê trên Báo Thái Nguyên. Tin về việc Bộ đội Hải quân vùng 4 chuyển quà Tết cho bộ đội Trường Sa… Bản tin đó tôi viết lúc mới đặt chân lên tàu. Tôi viết vội, gửi gấp, Tòa soạn biên tập, sử dụng ngay, nên Báo có thông tin mới, nhanh, nóng hổi phục vụ bạn đọc. Tôi xúc động vì biết trên tàu có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đọc bản tin này, nên tự động viên mình cố gắng viết được nhiều bài về Trường Sa.

 

Sau mỗi chuyến lên đảo, trở về tàu, Thượng tá Nguyễn Văn Thư lại động viên: Có thông tin gì mới không các nhà báo? Cánh báo chí chúng tôi lại phấn chấn: Nhiều lắm, trên đảo cái gì cũng là đề tài báo chí. Và tôi cùng các đồng nghiệp đã viết rất nhiều về biển đảo Tố quốc, như các bài viết giới thiệu về đảo mang tên Người Thuyền trưởng Anh hùng Phan Vinh; Về đảo Trường Sa Đông, nơi có các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong lúc cứu ngư dân trên biển, và đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh mặt trời sớm nhất của Tổ quốc… Đặc biệt là những bài viết về tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ đã gác lại hạnh phúc riêng để vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc giao. Như lời nhận xét của Trung tá, Đảo trưởng đảo Phan Vinh, đồng chí Trần Văn Nhật: Các bài viết về cán bộ, chiến sĩ Trường Sa của báo giới đều ấn tượng, sắc nét.

 

Vì đi tuyến đảo chìm, nên hầu hết việc ăn, uống, ngủ, nghỉ và làm việc đều ở trên tàu, nên tôi có nhiều thời gian ra mặt boong trà chén với bộ đội; đêm thả dây câu cùng cánh thủy thủ bắt cá ngừ; khuya trở về phòng mở máy viết bài và email về toà soạn. Trên hải trình, không khí báo chí luôn sôi động. Sớm nào chúng tôi cũng nhận được thông tin phản hồi của cán bộ, chiến sĩ trên tàu về các bài viết đăng trên các báo. Thiếu tá, Thuyền Trưởng Ngô Đức Dũng vốn trầm tư, ít nói cũng đóng góp ý kiến với cánh báo chí về cách sử dụng một số thuật ngữ về biển, đảo. Anh đề nghị khi nêu họ tên của cán bộ, chiến sĩ nên chính xác… Chúng tôi chợt thấy mình có lỗi vì trong nhóm có tác giả bài viết nào đó bị nhầm lẫn tên, tuổi, địa chỉ của nhân vật. Còn Phạm Viết Vinh, Trưởng ngành Hằng hải kể cho tôi nghe về những chuyến vượt bão đưa bộ đội ra tăng cường cho các đảo. Anh kể về kỹ năng xử lý khéo léo của người thủy thủ khi điều khiển con tàu vượt qua những con sóng trào, sóng dậy ùa về trên mặt biển, về từng con sóng lừng dội lên từ lòng biển, và cách đưa tàu đi an toàn.

 

Vì hải trình được thực hiện giữa mùa mưa bão, nên việc đổi quân và chuyển hàng Tết lên các đảo hết sức khó khăn. Trưởng đoàn công tác quyết định cho họp báo lần 2, phổ biến tình hình gấp rút, 14 phóng viên được chia thành 3 tổ, mỗi tổ thay nhau lên 1 đảo, số còn lại nghỉ ngơi tại tàu. Tôi biết: “Quân lệnh như sơn”, nên ngay sau cuộc họp, tôi tìm gặp Trưởng đoàn, đề nghị cho phóng viên Báo Thái Nguyên được lên hết các đảo để tác nghiệp. Giây lát nghĩ suy, đồng chí Trưởng đoàn gật đầu, bảo: Anh tham quá. Tôi đồng ý, nhưng cứ lặng lẽ mà “thi hành” chứ đừng khoe là các báo khác người ta tị.

 

Việc lên xuống xuồng tải vào mùa bão hết sức nguy hiểm, có chiến sĩ trong đoàn sơ ý bị dập bàn chân. Còn tôi và một số đồng nghiệp khi lên đảo Trường Sa Đông đã suýt bị trôi về biển. Khi đó tôi đã trấn an với đồng chí Trưởng đoàn: Không sao, chúng tôi sẽ là những liệt sĩ nhà báo đầu tiên ở Trường Sa. Sau này mỗi lần có các đoàn công tác qua đây, đều neo nán lại để thắp hương tưởng nhớ các vong linh nhà báo đã vì biển đảo Tổ quốc mà hy sinh… Sau hơn nửa giờ vật lộn với sóng dữ, chúng tôi được một chiếc xuồng khác đến tiếp ứng, kéo xuồng tải của chúng tôi cập mạn đảo an toàn. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao trong lúc có thể nói là nguy ngập ấy, cánh báo chí chẳng có ai nao núng, cứ dạn dĩ với máy ảnh, máy quay chụp lia lịa cái giây khắc hiểm nguy của chính mình, rồi khi trở về tàu, ăn uống vội vã lại mở máy và viết những gì ghi được trên đảo.

 

Việc viết bài trên tàu rất khó khăn. Trong phòng chúng tôi ở rộng chừng 9m2, có 6 nhà báo cùng ở, làm việc, nhưng chỉ có 1 ổ cắm điện. Vì thế thời gian viết bài cũng được chia đều, người viết, người nghỉ hoặc đi thực tế với bộ đội. Trên biển, tàu luôn ở trạng thái tròng trành vì sóng. Do đó khi thực hiện bài viết, chúng tôi đặt máy trên sàn tàu, lấy 2 chân giữ máy, còn tay “mổ” vào bàn phím. Không ít lần đang ngồi viết bài ngoài boong, sóng từ biển bất chợt ào qua, ướt sượt. Nhưng bài viết xong, gửi qua email về toà soạn cũng rất khó, vì đường truyền hẹp. Nhưng sau vài lần chúng tôi phát hiện được cách gửi nhanh, an toàn, hiệu quả, tức là phải thực hiện việc gửi bài, ảnh vào lúc trên tàu bộ đội đã đi ngủ, không có người sử dụng điện thoại.

 

Những kỷ niệm trong chuyến hành trình đầy ý nghĩa này có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong cuộc đời làm báo của chúng tôi.