Lấy sức dân làm lợi cho dân

10:50, 07/06/2014

Đường sá lầy lội, tối tăm, trẻ con không có chỗ vui chơi… là nỗi khổ ở nhiều khu dân cư. Nhưng điều đặc biệt ở những nơi tôi đề cập dưới đây là người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà tự đóng góp tiền, công để có đường sạch, điện sáng, cải thiện cuộc sống cho chính mình.

Làm đường cho người sống

 

Khác với cảnh cứ tối đến nhà nhà đóng cổng im ỉm trước đây, giờ sau bữa cơm chiều trẻ con tụ tập dưới bóng điện nô đùa vui vẻ, người lớn mang ghế ra cổng hóng mát, “tổ đi bộ” gần chục ông bà gọi nhau ơi ới: - Đi thôi, về còn xem phim các ông các bà ơi.

 

Hiện tượng này mới xuất hiện kể từ khi đoạn đường dài 153m đổ bê tông sạch sẽ, rộng rãi, đèn cao áp sáng trưng của tổ 25 phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) đưa vào sử dụng, “xóa sổ” hoàn toàn cảnh đường lầy, tối om từ bao năm nay một số hộ dân phải chịu đựng.

 

Tổ dân phố 25 có 103 hộ dân nằm trên một quả đồi. Hầu hết các con đường trong tổ đã được cứng hóa, có điện chiếu sáng. Duy chỉ còn đoạn đường dẫn đến 23 hộ ở đỉnh đồi là vẫn chịu cảnh đường đất, bụi khi nắng, lầy khi mưa, tối tăm rậm rạp. Đã nhiều lần tổ dân phố (TDP) đưa vấn đề làm nốt đoạn đường này ra bàn nhưng vẫn mắc ở khoản kinh phí.

 

Đầu năm 2014, Chi bộ ra Nghị quyết: Phải đổ bê tông đoạn đường. Công trình cũng là việc làm thiết thực chào mừng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Ngày sinh của Bác. Quyết tâm trên được ông Đào Xuân Bảo, Bí thư Chi bộ báo cáo lên lãnh đạo phường và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.

 

Xoa tay hài lòng ngắm con đường, ông Phạm Văn Việt, người được Chi bộ giao phụ trách công trình kể: - Chúng tôi họp 23 hộ “đỉnh đồi”, thống nhất về tư tưởng và quyết tâm thoát khỏi cảnh khổ hiện nay. Mọi người nói với nhau: ăn bao nhiêu rồi cũng hết, tiết kiệm một tí, cố gắng một tí cuộc sống mới tốt lên được. Ước tính công trình 60 triệu đồng, chúng tôi đề nghị 80 hộ “chân đồi” góp 12 triệu đồng, còn lại chia đều cho 23 hộ, mỗi hộ đóng 2,2 triệu đồng. Ban giám sát được lập ra: Người chịu trách nhiệm chung, người giám sát vật liệu xây dựng, người giám sát kỹ thuật. Chỉ vài ngày tiền đã thu róc, nhiều nhà hoàn cảnh khó khăn cũng đóng không thiếu một xu. Lại thêm một số “mạnh thường quân” ủng hộ, chúng tôi có trong tay hơn 70 triệu đồng. Hôm khởi công vui như hội, cả tổ xúm xít cào cuốc, san lấp cùng máy ủi. Sau 8 ngày thi công, 153m đường rộng 3m, dày 16cm, có cống thoát nước được nghiệm thu. Tiền vẫn còn, chúng tôi đề nghị Công ty quản lý Đô thị và chiếu sáng lắp cho 5 bộ đèn cao áp. Giờ thì như chị thấy, đường sạch, điện sáng, gió mát rượi, thành chỗ đi bộ, chỗ trẻ con nô đùa, cuộc sống vuin vẻ văn minh lên hẳn.

 

Ông Trịnh Khắc Phi, Tổ trưởng TDP 25 phấn khởi: Chúng tôi đã quyết toán công trình, báo cáo tài chính công khai với tổ, không một ý kiến thắc mắc nhỏ. Điều chúng tôi rút ra được để tiếp tục làm các công trình khác của dân là: Những người được giao nhiệm vụ cần quyết tâm, công khai, minh bạch và chịu thiệt thòi thì mọi việc sẽ thành công.

 

Làm đường cho người chết

 

Đoạn đường 300 mét này có tên là đường Tân Quang, nhưng người dân quen gọi là đường Tâm Linh, dẫn ra nghĩa trang Gia Sàng, nơi chôn cất người mất của nhân dân trong phường. Chỉ có 300m thôi, nhưng lại là nỗi kinh hoàng của người sống mỗi khi đưa tang người chết về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Ông  Đào Văn Chính, tổ trưởng TDP 20, nơi có con đường nhớ lại: Từ hơn 20 năm nay, đường chỉ là dẻ “sống trâu” gồ cao ở giữa, 2 bên xệ xuống chi chít hố to hố nhỏ. Ngày nắng đường bụi mù, ngày mưa thì biến thành một thùng bùn. Muốn đưa người chết ra đồng không phải đi qua đoạn đường này thì phải thuê ô tô, vòng xa khoảng 5 km. Nhà nào dùng xe tang kéo thì phải có 3 người ghì tay lái, hàng chục thanh niên bắt bánh xe nhích từng tí một. Nhìn cái quan tài quật qua quật lại, nhiều người đưa tang không cầm được nước mắt.

 

Bà Trần Thị Soi, Bí thư Chi bộ TDP 20 phân tích: bức xúc lắm nhưng có 2 lý do khiến một số người “bàn lùi”. Thứ nhất là theo tiêu chuẩn, đoạn đường phải được cấp trên đầu tư, dân chỉ đối ứng. Thứ hai là đường nằm trong Dự án của Công ty Bắc - Thăng - Long (Hà Nội), nếu làm xong mà dự án vào phá đi thì rất lãng phí. Nhưng các đảng viên của Chi bộ nói với nhau: chờ đợi đến bao giờ, trong khi cái khổ, cái thương cứ diễn ra trước mắt? Từ đó chúng tôi thống nhất cao việc phải làm con đường Tâm Linh nói trên.

 

Trước yêu cầu cấp thiết của nhân dân, Đảng ủy Phường Gia Sàng đã ra Nghị quyết nhất trí, và tháng 7-2013, UBND phường thông báo đồng ý cho sửa chữa đoạn đường bằng cách dải cấp phối, kinh phí từ nguồn huy động nhân dân 6 tổ (từ tổ 20 đến tổ 25), mức thu 50 nghìn đồng/hộ và vận động các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. Sau đó, phường ra quyết định thành lập Ban quản lý gồm 6 tổ trưởng, Ban chỉ đạo gồm 6 bí thư chi bộ, Ban giám sát gồm 6 trưởng ban công tác mặt trận.

 

Ông Chính cho biết: Do ban đầu định làm đường cấp phối (đổ xỉ, bột đá) nên số tiền chúng tôi thu của hơn 600 hộ dân chỉ được 33,6 triệu đồng. Bàn đi bàn lại, chúng tôi quyết định “dấn” lên đổ đường bê tông. Thiếu bao nhiêu thì phát động nhân dân ủng hộ và đi “xin” cho đủ.

 

Xung quanh việc đi “xin” tiền cũng nhiều chuyện vui - buồn. Chị Nguyễn Thị Hoa, đại biểu HĐND T.P Thái Nguyên (nhà ở phường Cam Giá) ủng hộ 2,5 triệu đồng, lại còn vận động các nhà xung quanh góp thêm 500 nghìn đồng; cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Trường THPT Lương Ngọc Quyến (nhà ở phường Đồng Quang) nghe tin cũng góp 1 triệu đồng. Ngược lại có doanh nghiệp ở trên địa bàn nhưng không hỗ trợ đồng nào. Có doanh nghiệp lớn, thường được tuyên dương về công tác từ thiện, nhân đạo nhưng Ban vận động đến 3 lần đều về không. “Lần đầu gặp ông, ông bảo phải xin ý kiến bà, lần thứ 2, thứ 3 chỉ gặp nhân viên, họ bảo lãnh đạo đi vắng hết”.

 

- Chúng tôi xác định, mình không xấu hổ khi đi xin, vì làm cho dân chứ không cho riêng mình. Cứ tần tảo “xấu mặt xin tương” như vậy, cộng với các khoản nhân dân toàn phường đóng góp, UBND phường cho 10 triệu đồng, chúng tôi có hơn 100 triệu đồng.- Ông Chính kể.

 

Không khí làm đường rộn rã như chiến dịch - bà Soi nhớ lại - nhà ông Đỗ Văn Thông, Trưởng Ban Công tác Mặt trận là điểm tập kết, người ra người vào tấp nập. Nhiều bác tuổi cao vẫn dầm mưa có mặt ở khu nghĩa trang giám sát công việc như bác Phi, bác Tường, bác Tề.... Tổ bảo vệ dân phố đặt trạm canh gác suốt đêm. Đến ngày 10-4-2014, đoạn đường bê tông dài 300m, rộng 3m, dày 15cm, kinh phí gần 110 triệu đồng đã được nghiệm thu. Chấm dứt mấy chục năm chịu khổ mỗi khi trong phường có người nằm xuống. Vui quá, các hội viên Chi hội Người cao tuổi TDP 20 bảo nhau góp tiền mua gần 200 cây keo trồng ven đường “để các cụ ra đồng cho mát mẻ”.


Sẽ còn nhiều công trình như thế nữa

 

Nói về các công trình dân làm, dân hưởng ở trên, ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Gia Sàng phấn khởi: - Chúng tôi rất ủng hộ và ghi nhận công sức của các bí thư, tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận đã góp phần làm cho cuộc sống ở các khu dân cư tốt hơn. Các công trình này về chất lượng là chấp nhận được, giá thấp (khoảng 700 nghìn đồng/m3 bê tông) và quan trọng nhất là đáp ứng ngay nhu cầu của nhân dân. Hiện, TDP 9 đang đề nghị làm sân bê tông khoảng 300m2 cho các cháu có chỗ vui chơi, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và đáp ứng nhanh các thủ tục cho tổ tiến hành.

 

Sẽ còn nhiều công việc khác ở khu dân cư đang chờ sức dân. Phường Gia Sàng hiện còn 5 TDP chưa có nhà văn hóa, trong đó có 3 TDP chưa có quỹ đất. Ông Hồng khẳng định: Tôi sẽ làm việc lại với Công ty Bắc Sông Hồng để nắm bắt tiến độ dự án, có hướng giải quyết cho các TDP làm nhà văn hóa.

 

Với phương châm công khai, minh bạch; với những con người năng động, sẵn sàng chịu thiệt thòi vì cái chung như những gì đề cập đến ở trên, việc “phủ kín” nhà văn hóa thời gian tới không quá khó khăn.

 

Việc làm giản dị của đảng viên, nhân dân phường Gia Sàng đã thực hiện đúng ý nguyện của Bác Hồ là "Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân” là như thế