Người cao tuổi không phải là "gánh nặng"

07:41, 17/06/2014

Già hóa dân số không phải gánh nặng mà là thành tựu to lớn của loài người. Tuy nhiên, với tốc độ già hóa quá nhanh và thời gian chuyển giai đoạn từ "dân số vàng" sang giai đoạn dân số già quá ngắn, nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong chăm sóc y tế và an sinh xã hội cho người cao tuổi (NCT), nếu không có những giải pháp kịp thời.

Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam Lê Minh Giang cho biết, độ tuổi trung bình của người Việt Nam hiện nay là 74,3 tuổi. Có những tỉnh, thành phố tuổi thọ trung bình cao như Hà Nội là 74 tuổi, Thái Bình là 75 tuổi. Số cụ già hơn 100 tuổi của cả nước tăng gấp hai lần so với đợt Tổng điều tra Dân số năm 1999. Tuy nhiên, theo bảng tổng sắp của thế giới, tuổi thọ khỏe mạnh của người dân nước ta chưa cao. Trung bình mỗi NCT Việt Nam phải chịu 7,3 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, cho nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT là vấn đề rất lớn. Các nhà khoa học đã tính toán: Nếu như chăm sóc y tế cho một đứa trẻ cần một đồng thì chăm sóc cho NCT cần tới tám đồng. Ðối với NCT, sự chăm sóc đòi hỏi chi phí ngày càng cao hơn khi chuyển từ cơ cấu bệnh tật nhiễm trùng sang cơ cấu bệnh về chuyển hóa, bệnh không lây nhiễm như: tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tai nạn, thương tích... đòi hỏi chi phí cho chăm sóc y tế lâu dài, cao hơn và rủi ro bị tàn tật cũng tăng hơn. Theo thống kê của Bộ Y tế, 95% NCT có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Ðiều tra quốc gia về NCT cho thấy, chỉ có 4,8% NCT nói rằng tình trạng sức khỏe của mình là tốt và rất tốt, còn lại 65,4% NCT cho rằng mình có sức khỏe bình thường và 29,8% là yếu và rất yếu.

 

Trong khi số lượng NCT đang tăng lên nhanh chóng và cần được chăm sóc sức khỏe thì hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT của nước ta chưa theo kịp với sự biến đổi này. Tại tuyến trung ương chỉ có một Bệnh viện Lão khoa, các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn quốc chưa kịp đầu tư, chú trọng xây dựng hệ thống bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực cho chăm sóc sức khỏe NCT. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia chính sách của Quỹ Dân số LHQ cho biết, trong đợt khảo sát về chăm sóc y tế ở cơ sở tại hai tỉnh Hải Dương và Bến Tre năm 2010, phần lớn cán bộ y tế ở tuyến xã không có chứng chỉ bằng cấp gì liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT. Ðây là điều đáng lo ngại khi tuổi thọ của người dân ngày càng cao và xu hướng bệnh tật đang chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mãn tính. Hiện nay, tại các tuyến xã chỉ có người khám sức khỏe ban đầu nói chung, không có bác sĩ khám lão khoa riêng, và một số trạm y tế không có bác sĩ. Với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT còn yếu và thiếu như hiện nay thì để chăm sóc tốt cho hơn chín triệu NCT là cả một vấn đề khó khăn.

 

Không chỉ lo ngại trong việc chăm sóc sức khỏe, NCT còn đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Có tới 70% số NCT sống ở nông thôn và không có tích lũy vật chất, chủ yếu sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có tích lũy. Người cao tuổi thường coi con cháu mình là chỗ dựa khi về già, tuy nhiên, xu hướng quy mô gia đình truyền thống ở Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân, khiến nhiều cụ già trở nên cô đơn hơn, gặp nhiều khó khăn khi phải tự sống một mình. Chưa kể đến một bộ phận người trẻ ngày nay coi NCT là gánh nặng. Nhiều quan điểm cho rằng "già hóa" dân số sẽ là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, các nhà xã hội học và chuyên gia dân số cho rằng, đây là một quan điểm sai lầm mà chúng ta phải thay đổi. Phải coi già hóa dân số là thành tựu xã hội to lớn của loài người và các quốc gia. Hiện nay có một bộ phận NCT khỏe mạnh là nguồn nhân lực quý giá mà ta chưa biết cách tận dụng tri thức và kinh nghiệm của họ. Nếu được hỗ trợ một cách phù hợp thì NCT có thể tiếp tục đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Tất cả NCT cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và chăm sóc y tế; họ cần được sống khỏe mạnh và được đóng góp kỹ năng cũng như kinh nghiệm quý báu của mình cho xã hội. Cần chuyển quan niệm nhận thức "người cao tuổi là gánh nặng" thành "người cao tuổi là tài sản" thì mới có những chính sách, chương trình phù hợp.

 

Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý PGS Giang Thanh Long, cần phải tìm ra các giải pháp để phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chăm sóc NCT, đồng thời đề xuất các khuyến nghị nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT ở nước ta. Cần đưa ra nhiều đề xuất trong đó tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT cả ở cộng đồng, ở nhà với chăm sóc tại các cơ sở của nhà nước và tư nhân; nhất là cần xây dựng và phát triển hệ thống người làm công tác xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ lão khoa ... dựa trên nhu cầu của từng địa phương.

 

Theo TT35/2011/TT-BYT quy định: Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ Bệnh viện Nhi) phải bố trí giường bệnh, khoa khám chữa bệnh cho NCT. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này mới có 28/63 tỉnh, thành phố thành lập Khoa Lão khoa tại các bệnh viện. Và vẫn còn tình trạng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh lồng ghép với các khoa khác. Tình trạng này cũng tương tự với các bệnh viện tuyến huyện, khi các người bệnh cao tuổi phải nằm điều trị cùng những người bệnh không phải là NCT tại các khoa.