Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - từ đầu năm nay, khi Nhà nước đã điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng, về cơ bản, LTT của CNLĐ ở khu vực DN đã tăng lên chút ít, nhưng vẫn chỉ đạt khoảng 70 - 74% mức sống tối thiểu (MSTT). Như vậy, mục tiêu nêu ra trong Bộ luật LĐ 2012 (Điều 91) là LTT phải đảm bảo MSTT của CNLĐ và gia đình họ vẫn hết sức xa vời.
Cần có tiêu chí xác định mức sống tối thiểu
Ông Mai Đức Chính cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng giao cho cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc xác định MSTT theo tiêu chí chuẩn. Hiện, khái niệm về MSTT đã được đưa ra và được sử dụng khá phổ biến, nhưng chưa hề có tiêu chí chuẩn để xác định MSTT một cách thống nhất.
Lâu nay, ở VN đã có 4 cơ quan nghiên cứu về MSTT là Viện KHLĐXH (Bộ LĐTBXH), Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), Viện CN-CĐ (Tổng LĐLĐVN) và Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế). Khi nghiên cứu về MSTT, các cơ quan này thường đưa ra tiêu chí phục vụ cho việc nghiên cứu của cơ quan mình, mà chưa thống nhất chung ở một số tiêu chí với các cơ quan khác. Từ đó dẫn đến kết quả xác định MSTT của từng cơ quan cũng khác nhau, nên việc đề xuất điều chỉnh LTT của từng cơ quan khác nhau hoàn toàn. Vì thế, cho đến nay, việc xác định chính xác MSTT ở VN đang gặp nhiều khó khăn nên đề xuất mức LTT cũng khó đưa ra được con số chính xác.
Kết luận số 23-KL/T.Ư (ngày 29.5.2012) tại Hội nghị lần thứ năm, BCH T.Ư Đảng khóa XI, Đảng ta đã đưa ra quan điểm “Điều chỉnh mức LTT khu vực DN nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”.
Tuy vậy, cho đến nay Chính phủ vẫn chưa xác định rõ lộ trình thực hiện chủ trương trên và cả lộ trình để thực hiện Điều 91 Bộ luật LĐ năm 2012. Vì thế, nhiều CNLĐ vẫn phải gắng gượng để sống và làm việc trong điều kiện mức thu nhập không đủ để đảm bảo MSTT của họ và gia đình. Theo khảo sát từ đầu năm 2014 đến nay tại 60 DN thuộc 12 tỉnh, TP trong cả nước của Viện CN-CĐ (Tổng LĐLĐVN), hiện tiền lương bình quân của NLĐ trực tiếp SX và phục vụ chỉ đạt mức gần 3,6 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình cho cuộc sống của NLĐ có nuôi 1 con là khoảng 4,1 triệu đồng/tháng.
Công đoàn hỗ trợ NLĐ thông qua TƯLĐTT
Theo ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội - thực tế thu nhập của hàng chục vạn CNLĐ ở các KCN Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 65% MSTT. Nhiều NLĐ phải căng sức làm thêm với tổng thời gian làm việc tới 12 - 14 tiếng mỗi ngày để mong có thêm thu nhập, nhưng vẫn chật vật để duy trì cuộc sống. Nắm bắt được tình hình này, các cấp CĐ đã nỗ lực thỏa thuận với chủ DN thông qua TƯLĐTT để tìm cách nâng thu nhập cho NLĐ. Các khoản thu nhập phụ khác như tiền chuyên cần, xăng xe, thưởng năng suất... đã được đưa khá nhiều vào TƯLĐTT của các DN. Tại CĐ Công nghiệp Hóa chất VN, từ vài năm nay các cấp CĐ chủ trương mỗi năm phải đưa vào TƯLĐTT ít nhất 1 điều có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Tương tự, TƯLĐTT ngành dệt-may đã thỏa thuận được mức LTT cao hơn so với quy định (mức cao nhất là 3,15 triệu đồng, thấp nhất 2,4 triệu đồng/tháng).
Ông Trương Văn Cẩm (CĐ Dệt-may VN) cho rằng, trong tổng số 2,5 triệu LĐ trong ngành, vẫn còn rất nhiều người đang làm việc ở vùng IV chỉ có mức lương 2,4 triệu đồng/tháng, họ phải sống trong điều kiện thấp hơn MSTT rất nhiều. Và thực tế, dù các cấp CĐ đã thương lượng với DN để có thêm nguồn thu, nhưng bình quân cũng lo thêm cho CNLĐ được khoảng 800.000 - 1 triệu đồng mỗi tháng. Vì thế, ông Toản khẳng định, thực tế đó khiến cho CNLĐ khó xoay xở để có được cuộc sống tạm đủ so với nhu cầu tối thiểu.
Ngày 11.6, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức hội thảo “Mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu - kinh nghiệm của Công đoàn Australia”. Gần 40 đại biểu là CBCĐ ở các tỉnh, TP, CĐ ngành T.Ư đã tham dự và phát biểu ý kiến vào việc đề xuất giải pháp tháo gỡ cho thực trạng chênh lệch lớn giữa MSTT và tiền LTT của CNLĐ hiện nay. Một số kinh nghiệm của CĐ Australia và một số nước trong khu vực cũng được đưa ra để CĐVN tham khảo.
|