Trang sách giúp vơi ngày lầm lỗi

16:37, 29/06/2014

Ngoài đời, họ sống trong ảo giác, lầm lỗi vì lỡ sa ngã vào tệ nạn ma túy. Để đứng dậy làm lại cuộc đời, họ vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội T.P Thái Nguyên để “tuyệt tình với ả phù dung”. Ở đây, sau điều trị cắt cơn; sau giờ lao động trị liệu, họ còn được đọc sách, báo để vơi nguôi đi tháng ngày lầm lỗi, tự gột rửa đi những ký ức buồn.

Họ mang đồng phục màu xám, trước ngực bên trái và sau lưng áo đều in dòng chữ: “Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội - Học viên - T.P Thái Nguyên”. Họ đi thành hàng đôi, đều bước lên hội trường của Trung tâm. Ở đó có một khoảng rộng được kê tủ sách, bàn ghế dành cho học viên ngồi đọc sách, báo giải trí vào mỗi buổi chiều.

 

Nhìn họ đọc sách, báo, chúng tôi ngỡ họ là học viên của 1 lớp học văn hóa, chứ không phải những người nghiện ma túy nặng, từng một dạo “coi giời bằng vung” khiến cha mẹ, chòm xóm… kinh hãi vì độ quậy phá. Họ đọc sách chăm chú như để nguôi quên sự thèm muốn ma túy, thứ phù du khi ở ngoài đời họ bất lực chịu bị trói buộc, lệ thuộc.

 

Tủ sách dành cho học viên cai nghiện là sáng kiến của bà Lê Thị Thu An, Giám đốc Thư viện T.P Thái Nguyên và ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Trung tâm. Tuy nhiên việc mang sách, báo đến cho người cai nghiện ma túy đọc, nghiên cứu cũng có nhiều tranh luận. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến phân vân, nên hoặc không. Rồi đầu tháng 6-2013, tủ sách của Thư viện thành phố đã được đặt ở Trung tâm, mà đối tượng phục vụ là những người lầm lỗi, đang từng ngày thực hiện ước mơ được làm lại cuộc đời.

 

Bà Dương Thị Kim Duyên, cán bộ nghiệp vụ Thư viện thành phố cho chúng tôi biết: Tủ sách đặt tại Trung tâm có 600 bản sách về văn học, khoa học kỹ thuật, pháp luật… và 70 đầu báo, tạp chí các loại. Để bạn đọc luôn có sách mới, Thư viện thành phố thực hiện luân chuyển sách 6 tháng 1 lần. Nên tủ sách nhỏ, nhưng bạn đọc ở Trung tâm luôn có sách mới để đọc. Có mặt ở đó, ông Vũ Văn Hiệp, cán bộ phụ trách công tác Giáo dục - Tuyên truyền của Trung tâm cho biết thêm: Ngoài sách, báo của Thư viện thành phố, Trung tâm còn chủ động đặt thêm các báo: Pháp luật, Gia đình - xã hội, Lao động - xã hội và Báo Người đưa tin, phục vụ cho học viện đọc sách, báo tại chỗ hoặc cho mượn về phòng ở để đọc.

 

Ngoài đời, vì dong chơi, đua đòi hoặc bận rộn việc kiếm tiền để mua ma túy sử dụng, nên phần lớn người nghiện không chí thú việc đọc sách, báo, khi vào đây, nhiều người được bạn cùng phòng cai nghiện gọi vui là mọt sách. Lê Thế Quân là một trong số đó. Quân người Tây Hồ (Hà Nội), vào Trung tâm mới được hơn 50 ngày theo diện tự nguyện. Hỏi chuyện đọc sách, Quân nói: Em đọc sách ở các lĩnh vực khoa học, pháp luật, tiểu thuyết, truyện ngắn. Em tìm được ở đó niềm vui và sự nguôi quên ma túy.

 

Bên tủ sách, Nguyễn Tuấn Linh loay hoay một hồi, anh lật mở xem lướt trang giới thiệu sách rồi ngừng lại ở cuốn: “Nghệ thuật ứng xử giao tiếp” của Andrew Carnegle. Linh ở tổ 10, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên). Ôm cuốn sách vào ngực như cậu học trò ham học, Linh cho biết: Em bị nghiện ma túy từ 9 năm nay. Sau nhiều lần tự cai nghiện ở nhà không thành, em phải vào đây cai nghiện tập trung. Em đã vào đây được hơn 6 tháng. Vợ và con gái 8 tuổi thường xuyên vào thăm, động viên em cố gắng vượt qua để làm một người bình thường. 

 

Cạnh đó, Ngô Văn Bằng (Lương Sơn) cũng đang chăm chú đọc cuốn sách: “Ươm mầm tài năng”. Ngồi lặng giây lát bên trang sách, Bằng nói phân vân: Em làm nghề lái xe đường dài, chạy tuyến Lạng Sơn - Hà Nội. Em tìm đến ma túy và bị lệ thuộc vào ma túy từ 3 năm nay. Vào đây, em tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày để đọc sách, để mong ngày trở về em không còn là “một thằng nghiện”.

 

Mơ ước của Bằng cũng như hàng nghìn người nghiện Thái Nguyên khi nhận ra lầm lỗi của mình vì ma túy. Nhưng mơ ước có trở thành hiện thực hay không, lại do chính quyết tâm của người cai nghiện. Về chuyện này, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Trung tâm cho biết: Riêng T.P Thái Nguyên đã có trên 2.000 người nghiện ma túy. Trung tâm thường xuyên có lưu lượng hơn 200 người chấp hành cai nghiện, như năm 2013 có 444 người, trong đó có 358 đối tượng cai bắt buộc và 86 đối tượng cai tự nguyện. Hiện tại (tháng 6-2014), Trung tâm có 191 người đang chấp hành cai nghiện ma túy, trong 149 người cai bắt buộc và 42 người cai tự nguyện. Vào Trung tâm, sau khi được điều trị cắt cơn, học viên được tham gia lao động trị liệu như làm mành hạt, cơ khí, chăn nuôi, trồng rau xanh. Mỗi năm các học viên làm ra được hơn 100 triệu đồng từ sản phẩm mành xuất khẩu và sản phẩm cơ khí. Ngoài ra các học viên còn làm ra mỗi năm hơn 1 tấn rau xanh và chăn nuôi lợn xuất bán được hơn 3 tấn. Tiền và rau xanh thu được, Trung tâm sử dụng cải thiện đời sống và bữa ăn hằng ngày cho học viên.

 

Đã có rất nhiều người sau cai nghiện tại Trung tâm đã trở thành con người hoàn thiện, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng cũng có người sau cai nghiện trở về, lại nhanh chóng trở thành gánh nặng cho gia đình vì “chứng nào tật nấy”. Có trường hợp gia đình phải gửi vào Trung tâm với thời gian kéo dài đến 4 năm. Có gia đình cả mấy anh em cùng rủ nhau vào Trung tâm cai nghiện, như: 2 anh em Lê Văn Tứ, Lê Văn Nhất (Đồng Bẩm); Hoàng Đức Dũng, Hoàng Đức Chính (Phan Đình Phùng) và 3 anh em nhà họ Đỗ Bá ở Đồng Bẩm là Dũng, Tùng và Quyết. Ông Hiệp cho chúng tôi biết thêm: Hiện ở Trung tâm, học viên cao tuổi nhất là trường hợp Lý Ngọc Châu, 56 tuổi (Quang Vinh); trường hợp ít tuổi nhất là Nguyễn Văn Hoạt, 20 tuổi (Túc Duyên). Ở nhà, họ có thể làm mình làm mẩy với người thân, nhưng khi vào đây họ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Trung tâm. Còn trường hợp đặc biệt ở Trung tâm là Lê Thanh Bình (Quyết Thắng). Bình vào cai nghiện bắt buộc 2 lần, vào cai nghiện tự nguyện 3 lần. Nhưng lần nào ra cũng bị tái nghiện ngay khi mới bước về đến nhà ít ngày. Giữa tháng 5-2014, Bình đi xe ôm vào thẳng Trung tâm. Bình trình bày với cán bộ: Ở ngoài, cháu không thể chịu đựng được nữa. Cho cháu vào Trung tâm để cai nghiện lại. Vì là “chỗ quen biết”, nên cán bộ Trung tâm đã mời bố mẹ Bình đến để làm thủ tục cho Bình vào cai nghiện.

 

Vào trung tâm  Bình được cách ly bạn xấu, xa được ma túy; gia đình, hàng xóm cũng được bình yên. Bình cũng là người thích đọc sách, báo. Bình bảo: qua đọc sách, báo em biết được nhiều thông tin ngoài xã hội. Do đó khi cai nghiện xong, về nhà em không bị lạc hậu với thời cuộc.

 

Bên chiếc bàn gỗ mộc của phòng đọc sách, báo ở Trung tâm, tôi biết đã có rất nhiều bạn đọc là người đã đến đây cai nghiện, ngồi đọc sách, báo và nghiền ngẫm về phần đời của mình đã uổng hoài vì ma túy. Anh Bùi Anh Tuấn, tổ 10 (Tân Thành) nói với chúng tôi giọng đầy khắc khoải: Ma túy đã gieo vào cuộc đời tôi rất nhiều thứ bệnh, chủ yếu là bệnh nội tạng, xương khớp. Vì thế khi vào Trung tâm cai nghiện, tôi thường dành thời gian đọc các loại sách về y học, qua đó tôi biết cách phòng, chữa bệnh cho chính mình.

 

Trước mặt anh Tuấn là cuốn sách: “350 lời khuyên phòng và chữa bệnh” được đặt ngay ngắn. Tôi biết anh đã đọc cuốn sách này chậm rãi để nghĩ suy, để biết về bệnh của mình. Đó là thứ tâm bệnh anh mắc phải do những ngày đi làm vàng nơi bờ bãi, để bây giờ đã lên thiên chức ông trong gia đình, người đời vẫn gọi bằng 2 từ “thằng nghiện”.

 

Nhìn anh Tuấn, và những người đang cai nghiện tại Trung tâm chăm chú đọc sách, ai nấy hiền lành như những học trò trong giờ làm bài tập. Họ đã tìm được ở trang sách nhưng luân lý đạo đức, lẽ sống tốt ở đời. Họ đọc sách để nguôi quên tháng ngày lầm lỗi, và tự khai mở cho bản thân mình nghĩ suy minh mẫn hơn trong cuộc sống thường ngày.