“Mỗi lần nhìn thấy con lớn lên trong cảnh khờ khạo, la hét ầm ĩ, nghịch ngợm vô thức mà lòng tôi thắt lại”. Chị Nguyễn Thanh Tâm (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) đau lòng nói về cậu con trai 2 tuổi mắc bệnh tự kỷ.
Chị Tâm chia sẻ: Hè năm 2012, tôi đưa con đến gửi tại Trường Mầm non 19-5, T.P Thái Nguyên, thấy các cô giáo nói lại là con có biểu hiện khác so với các bạn, cần đưa cháu đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tôi chủ quan nghĩ rằng con không mắc bệnhtự kỷ, mà cho là cô giáo đối xử thiếu công bằng, gây khó khăn với gia đình. Năm 2013, cháu tròn 2 tuổi, tôi đưa cháu ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ kết luận: “Cần theo dõi tự kỷ”. Mặc dù vậy gia đình chị vẫn cho rằng đó là do cháu chậm nói nên chủ quan và bỏ lỡ cơ hội để chữa bệnh cho con. Giờ đây, bệnh tự kỷ của con trai chị đã hiện rõ hơn. Lúc thì cháu hờn dỗi, lúc thì đập phá, la hét. Chị tuyệt vọng và cảm thấy bế tắc. “Có những lúc tôi bế tắc, tôi tự trách mình tại sao khi thấy con có biểu hiện khác thường lại không đi khám ngay. Chính tôi đã bỏ lỡ thời gian can thiệp vàng của con.” -Chị Tâm ngậm ngùi.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5, T.P Thái Nguyên cho biết: Đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào kết luận xác đáng vì sao tình trạng trẻ mắc bệnh tự kỷ và rối nhiễu tâm trí (bệnh tự kỷ) lại có xu hướng ngày càng tăng lên. Qua sàng lọc, số trẻ có biểu hiện tự kỷ hàng năm, Nhà trường tạm đưa ra một nguyên nhân dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh tự kỷ là vì gia đình thiếu kỹ năng, thời gian chăm sóc trẻ chưa khoa học. Bởi gần 70% số cháu mắc chứng bệnh tự kỷ đều thuộc diện gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng cha mẹ lại rất ít thời gian chăm con và thường phó thác công việc này cho người giúp việc; 90% số trẻ tự kỷ này đều “nghiện” xem ti vi, chơi máy tính, điện thoại... rời các thiết bị này ra, gần như các cháu mất phương hướng, phản xạ kém... Được biết, từ năm học 2012-2013 đến nay, Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để thăm khám, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu về bệnh tự kỷ để chủ động hợp tác ngăn ngừa và điều trị kịp thời. Theo thống kê mỗi năm học, có gần 10% số trẻ nhập học mắc chứng tự kỷ. Năm học 2011-2012, qua kiểm tra phân loại trẻ nhập Trường (12-18 tháng tuổi) có 18/290 cháu mắc chứng tự kỷ; năm học 2012-2013 có 21/300 cháu, năm 2013-2014, tăng lên 27/300 cháu.
Sau khi được các chuyên gia tâm lý, các điều dưỡng viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tư vấn điều trị và chăm sóc đặc biệt, gia đình có trẻ tự kỷ đã nhận thức đúng đắn về bệnh, nên đã có sự hợp tác tích cực hơn với Nhà trường, với giáo viên. Cô Lê Hải Yến và cô Trần Bảo Khánh là nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, hằng ngày đảm nhận công việc đến Trường Mầm non 19-5 T.P Thái Nguyên trị liệu, chăm sóc cho 5 trẻ tự kỷ, cho biết: Trẻ tự kỷ có những biểu hiện rất thái quá, như có cháu chỉ thích leo cửa sổ suốt ngày không có cảm giác mệt mỏi; có cháu chỉ thích lá cờ đỏ, nên có thể ngồi nhìn lá cờ hàng buổi được. Có lần qua cửa sổ lớp học, cháu thấy lá cờ của cơ quan khác đang bay, thế là chạy một mạch vượt ra ngoài đường hướng về phía lá cờ... Các cô phải tổ chức vây chặn mới đưa cháu về lớp được. Cô Yến và cô Khánh luôn tìm ra những liệu pháp tâm lý phù hợp nhất để hướng trẻ trở lại trạng thái cân bằng và hòa nhập với tập thể lớp. Được biết, hằng năm, qua các đợt trị liệu tâm lý, chăm sóc đặc biệt, đã có từ 10-15 trẻ có tiến triển tốt. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị nào để điều trị loại bệnh này. Để trẻ không tái mắc chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí rất cần những liệu pháp chăm sóc về tâm lý, đặc biệt sự quan tâm, chăm sóc của gia đình đúng cách.
Trao đổi với chúng tôi về công tác chăm sóc trẻ tự kỷ, đồng chí Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chia sẻ: Trẻ bị bệnh tự kỷ thường biểu hiện khi 7-8 tháng tuổi, nếu được phát hiện sớm và can thiệp ngay từ đầu thì hiệu quả sẽ cao, bởi liệu pháp điều trị tâm lý, điều chỉnh hành vi và nhận thức lúc này sẽ dễ hơn. Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh tự kỷ mà chỉ có thuốc giảm tăng động, giảm tính hung hăng, điều trị cảm xúc và tăng tính tập trung. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện mới chỉ có Trường Mầm non 19-5 T.P Thái Nguyên là thực hiện khiểm tra trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm trí và tự kỷ để tư vấn gia đình biện pháp chăm sóc. Nếu như các bậc phụ huynh và nhà trường quan tâm hơn nữa, chắc chắn công tác chăm sóc trẻ em sẽ được toàn diện hơn.