Cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã công bố xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em. Theo đó, trong 2 năm (2012 - 2013), tỉnh Thái Nguyên liên tiếp đứng thứ 3 và thứ 4 cả nước về thực hiện quyền trẻ em. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị cùng các ban, ngành chức năng trong công tác này.
Hơn 1 năm trước, cháu Nguyễn Văn Hà, 10 tuổi, ở xã Tiên Phong (Phổ Yên) mồ côi cả cha và mẹ. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành LĐTBXH, cháu Hà chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh sống. Ở đây, cháu được sinh hoạt chung với hơn 30 trẻ em có hoàn cảnh tương tự, được đến trường học tập như 10 trẻ khác trong độ tuổi đến trường đang sống ở Trung tâm. Năm học tới, Hà sẽ là học sinh lớp 4 của trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (T.P Thái Nguyên). Cũng như Hà, cháu H.T.Y ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) mồ côi cả cha và mẹ. Cháu Y bị lây HIV từ mẹ mình và hiện cháu đã chuyển qua giai đoạn AIDS. Không có người nuôi dưỡng, hơn 1 năm trước cháu Y được đưa về sống tại Trung tâm trong tình trạng sức khỏe yếu vì mắc nhiều chứng bệnh nhiễm trùng cơ hội. Sau hơn 1 năm sống tại đây, cháu đã được chăm sóc, điều trị khỏi các bệnh nhiễm trùng cơ hội đồng thời được điều trị bệnh bằng thuốc kháng virus ARV.
Không giống như hai trường hợp trên, cháu Dương Văn An ở xóm Đa Thần, xã An Khánh (Đại Từ) bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Tháng 4-2013, cháu An đã nhận được sự trợ giúp, kết nối của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh với Chương trình “Trái tim cho em” và được hỗ trợ 48 triệu đồng phẫu thuật tim thành công.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH, hiện nay toàn tỉnh có trên 277.000 trẻ em, trong đó có trên 3.300 em hoàn cảnh đặc biệt. Riêng năm 2013, đã có trên 2.800 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc, chiếm tỷ lệ 85%. Có được kết quả trên là do tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc, trợ giúp trẻ em; đặc biệt là sự đóng góp chung tay của các tổ chức cá nhân trong xã hội với nhiều hoạt động thiết thực dành cho trẻ em. Tỉnh cũng dành hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thăm hỏi, tặng quà hàng nghìn lượt trẻ em trong các ngày lễ; hỗ trợ trẻ em điều trị bệnh; tạo sân chơi, tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động thực hiện quyền trẻ em ở địa phương… Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh và làng trẻ SOS Hà Nội. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho trẻ em được quyền tham gia, bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: đội tuyên truyền măng non, câu lạc bộ phóng viên nhỏ, diễn đàn trẻ em; tổ chức các hội thảo, hội thi, hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao...
Đến nay, toàn tỉnh có 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Xã phường phù hợp với trẻ em; 129/180 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em; số trẻ em được tham gia vào các hoạt động thực hiện quyền trẻ em ở địa phương cũng tăng đều qua các năm và đạt số lượng gần 158 nghìn trẻ em vào cuối năm 2013… Đặc biệt, ngân sách của tỉnh hàng năm dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn duy trì ở mức cao so với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nếu như năm 2011, tỉnh dành trên 1,6 tỷ đồng cho lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em thì con số này năm 2012 là gần 2,85 tỷ đồng và năm 2013 là gần 5,4 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 534 trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, 609 trẻ em khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được hưởng chế độ theo quy định. Trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ phẫu thuật bằng nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí 670 triệu đồng; 375 trẻ em khuyết tật vận động được phẫu thuật miễn phí thông qua tổ chức SAP-VN. Thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp với nhiều nội dung thiết thực: 257 em được phẫu thuật mắt miễn phí, trên 1.100 em được cấp sữa, 40 em được cấp xe lăn, 40 em được cấp xe đạp… Hàng năm, cũng bằng nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em, toàn tỉnh dành từ 500 đến 600 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH) cho biết: Từ những kết quả trên, tỉnh được Bộ LĐTBXH đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác thực hiện quyền trẻ em, đứng thứ 3 và thứ 4 cả nước về thực hiện Quyền trẻ em trong hai năm 2012 và 2013.
Bộ chỉ số xếp hạng 63 tỉnh, thành phố về thực hiện quyền trẻ em được tổng hợp từ 5 chỉ số trung gian, đại diện cho 5 lĩnh vực quan trọng liên quan đến trẻ em, gồm: Mức độ quan tâm của địa phương cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Mức độ chăm sóc sức khỏe trẻ em; Mức độ thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; Mức độ đảm bảo sự tham gia của trẻ em; Mức độ đảm bảo sự phát triển của trẻ em (cả về trí tuệ, thể chất và vui chơi). 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng về thực hiện quyền trẻ em năm 2013 gồm: Long An, T.P HCM, Thái Bình, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
|