Gặp người phụ nữ một thời chăm sóc thương binh ở An dưỡng đường

15:56, 06/07/2014

Trong căn nhà cấp 4 thoáng đãng, sạch sẽ nằm khiêm nhường dưới chân núi Tam Đảo ở xóm Kỳ Linh trong, xã Mỹ Yên (Đại Từ), chúng tôi may mắn được ngồi trò chuyện với cụ Tạ Thị Vệ - một trong những người phụ nữ đã tham gia chăm sóc thương, bệnh binh ở An dưỡng đường thương binh số 2 (An dưỡng đường số 2) thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1947 - 1952). Thời gian trôi qua, những người bạn, người chị cùng thời với cụ Vệ đã về với Tiên tổ. Nay, cụ là nhân chứng duy nhất có thể kể cho chúng tôi nghe về một thời quá khứ khó khăn, vất vả nhưng chan chứa nghĩa tình quân dân.

Cụ Vệ năm nay đã 90 tuổi - cái tuổi không còn đủ minh mẫn để có thể nhớ hết được tất cả mọi chuyện của mấy mươi năm về trước, nhưng có những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong tâm trí cụ Vệ. Nhắc lại chuyện xưa, cụ Vệ bảo: Thương lắm! Nhìn thấy thương binh quằn quại trong đau đớn, người mất chân, người mất tay, người băng trắng đầu… mà thấy mình cũng như đau theo họ. Nhất là hình ảnh có anh bị thương vào bụng, ruột rơi cả ra ngoài, với điều kiện, hoàn cảnh thời đó, chúng tôi cũng chỉ biết chăm sóc hết khả năng mà thôi, chứ không biết làm gì hơn để cứu sống những trường hợp như vậy.

 

Nói đến đây, cụ Vệ dừng lời, đôi bàn tay nắm chặt hai đầu gối để ngăn sự xúc động dâng trào. Qua phút giây lắng đọng, chúng tôi chuyển câu chuyện sang hướng khác: - Thưa cụ, chúng con được biết, cụ ông cũng là một thương binh ở An dưỡng đường số 2 phải không ạ?

 

- Đúng vậy! Ông ấy là Nguyễn Văn Thái, đã mất cách đây hơn chục năm rồi. Ngày đó, chúng tôi quen nhau ở An dưỡng đường số 2, sau đó thương nhau nên thành vợ chồng. Tôi có với ông ấy 5 mặt con, 4 trai, 1 gái, trong đó 3 con trai của chúng tôi cũng tham gia Quân đội. Trong một trận đánh, con trai cả bị thương mất 2 chân. Giờ tôi đang ở với vợ chồng con trai út. Ngày đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, con trai út bị gãy tay nên mới không đi bộ đội.

 

Khi nói về các con, chúng tôi nhận thấy niềm tự hào trong từng câu nói của cụ. Thời gian đã khiến lưng cụ còng gập, mắt mờ, chân chậm nhưng lời nói vẫn khá mạch lạc, minh mẫn. Mỗi câu chuyện cụ Vệ kể đều khiến chúng tôi rất xúc động.

 

Thời đó khi đang ở tuổi đôi mươi, chị Vệ về làm dâu gia đình anh Đặng Văn Tính, người cùng xã Mỹ Yên. Năm con gái của hai người được 3 tuổi thì chị nhận tin dữ, anh Tính đã hy sinh ở mặt trận Hòa Bình. Lúc đó, chị Vệ mới 25 tuổi. Thương con dâu tuổi xuân còn dài, mẹ chồng đã động viên chị Vệ lấy chồng, và đích thân đứng ra lo cưới hỏi cho chị Vệ và anh Thái. Sau khi lấy anh Thái, vì bệnh nặng, anh Thái được Nhà nước ta đưa sang Trung Quốc chữa bệnh. Vò võ hơn 2 năm đợi chờ, không một dòng tin tức, chị Vệ đau khổ nghĩ rằng “chắc số phận mình lại rơi vào cảnh chăn đơn, gối chiếc”. Nhưng số phận đã mỉm cười, anh Thái trở về tìm chị, tình yêu càng nồng nàn, tha thiết sau những tháng năm xa cách. 5 người con lần lượt chào đời là minh chứng cho tình yêu giữa hai người.

 

Cụ Vệ chỉ vào ngăn tủ nhờ chúng tôi lấy ra bức ảnh đen trắng của 2 vợ chồng đã được phóng to lồng vào khung kính cẩn thận. Thời trẻ, cụ Vệ có vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, còn ông Thái có gương mặt cương nghị. Trước lời khen của chúng tôi, cụ Vệ bảo: Tôi thấy thương thì lấy ông ấy thôi, chứ lấy thương binh thì mình phải vất vả hơn rất nhiều. Ngày đó, tôi là Bí thư Hội Phụ nữ xã (nay gọi là Chủ tịch Hội Phụ nữ) nên thường vận động chị em vào An dưỡng đường số 2 chăm sóc, giúp đỡ hàng trăm thương binh từ việc cơm nước, giặt giũ, khâu vá, đến bón từng thìa cháo, miếng cơm. Thương lắm! các anh ăn trong đau đớn, khổ sở, mình cũng chỉ biết làm hết khả năng có thể để giúp các anh vợi đi phần nào.

 

90 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, cụ Vệ không hối tiếc bất cứ việc gì mình đã làm, đã cống hiến. Giờ đây, nhìn thấy 6 người con có cuộc sống ổn định, đầm ấm, quây quần bên nhau là cụ Vệ thấy hạnh phúc, mãn nguyện.

 

Tháng 9-1947, An dưỡng đường số 2 (còn gọi là Trại An dưỡng thương binh) được thành lập ở xóm Đồng Cháy, xã Mỹ Yên (Đại Từ). Đợt đầu, chỉ có 46 thương binh về đây an dưỡng, điều trị, sau đó tăng lên hàng trăm người. Thương binh đa số là các chiến sĩ cảm tử bảo vệ Thủ đô Hà Nội, chống thực dân Pháp. Nhân dân xã Mỹ yên đã hết lòng yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia với thương binh, quyên góp nuôi dưỡng thương binh. Hội Phụ nữ xã còn có phong trào đón thương binh về nhà nuôi, lấy chồng là thương binh, và cụ Tạ Thị Vệ là một trong những người phụ nữ đó.