Gặp những cán bộ công đoàn, nữ công, công nhân tiêu biểu

08:09, 22/07/2014

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã lựa chọn, biểu dương 85 công nhân, viên chức, lao động, cán bộ nữ công, cán bộ công đoàn đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua của các cấp công đoàn, có những đóng góp tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Nhân dịp này, P.V Báo Thái Nguyên lược ghi ý kiến, kinh nghiệm của một số đại diện tiêu biểu...

Quan tâm chăm lo cho đoàn viên công đoàn

Phạm Thị Hảo, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Sơn Cẩm, Phú Lương.

 

Năm học 2013 - 2014 là năm thứ 11 tôi làm Chủ tịch Công đoàn. Do đặc thù của đơn vị là 100% đoàn viên công đoàn là nữ, vì vậy, tôi luôn chú trọng, quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Cùng với đó, hằng năm, Công đoàn Nhà trường đều phát động đoàn viên thực hiện tốt các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” gắn với các phong trào thi đua của ngành như “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhờ đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ từ chất lượng đội ngũ giáo viên đến chất lượng giáo dục toàn diện. Chúng tôi cũng quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách trong Nhà trường và đặc biệt là thường xuyên động viên, thăm hỏi các đoàn viên công đoàn có chồng, con là bộ đội đóng quân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh để các cô yên tâm công tác.

 

Dân chủ trong hoạt động công đoàn

Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên.

 

Với vai trò là người đứng đầu tổ chức công đoàn của Công ty, phương châm chỉ đạo của tôi là “cùng bàn, cùng làm”, đảm bảo nguyên tắc dân chủ trong mọi hoạt động. Điều đó thể hiện rõ nhất trong việc xây dựng các quy chế của Công đoàn Công ty trong việc đảm bảo an toàn lao động, thăm hỏi các trường hợp ốm đau, khen thưởng công nhân lao động, hoạt động kiểm tra, giám sát...  Tất cả những quy chế này Công đoàn đều dựa trên ý kiến, đề xuất của người lao động. Nhờ vậy, 100% các quy chế đều được đoàn viên nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện. Ngoài vai trò là Chủ tịch Công đoàn, tôi còn là một nhân viên kinh doanh. Tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình để tăng doanh thu cho Công ty, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ năm 2008 đến nay, tôi luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhiều năm liền được nhận Bằng khen Lao động sáng tạo của Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn ngành Công Thương Việt Nam.

 

 

Làm công tác nữ công phải luôn thấu hiểu chị em

Trần Thị Bôn, Trưởng ban Nữ công, Sở Tài Nguyên và Môi trường.

 

Là Trưởng Ban Nữ công của đơn vị có 8 công đoàn thành viên với 92 cán bộ nữ, tôi đã có những tham mưu tốt cho công đoàn cơ sở, cho lãnh đạo đơn vị, quan tâm đúng mức đối với CNVC, lao động nữ, đúng với quy định của Bộ luật Lao động. Đặc biệt, với tư cách là một người làm công tác nữ công, thấu hiểu sự phấn đấu vươn lên của chị em, tôi đã tham mưu cho công đoàn cơ sở, lãnh đạo đơn vị thực hiện có kết quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ; phát triển đảng viên nữ. Hằng năm, Ban Nữ công đều tổ chức tốt các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” phù hợp với tình hình của đơn vị. Hai năm vừa qua tôi đã tham mưu cho Công đoàn, cơ quan, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vận động đoàn viên đóng góp, hỗ trợ xây dựng nhà cho 1 cán bộ nữ. Với những nỗ lực của bản thân, 5 năm liền (2008-2013), tôi đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; các năm 2011, 2012, 2013, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2010, 2012, được nhận Bằng khen của Bộ Tài Nguyên & Môi trường, UBND tỉnh.

 

Đa dạng hóa tổ chức các phong trào

Trần Thị Quế, Trưởng Ban Nữ công Công ty cổ phần Giấy xuất khẩu.

 

Một trong những yếu tố tạo nên thành công trong hoạt động nữ công của Công ty chính là phương pháp hoạt động với sự đa dạng trong tổ chức các phong trào. Do đặc điểm của đơn vị là sản xuất, kinh doanh, không thể “tham” hết phong trào cùng một lúc, nên trong cách điều hành hoạt động nữ công, tôi luôn “phân chia” thành từng đợt, từng nhóm để ai cũng được tham gia vào sinh hoạt tập thể một cách thiết thực và có hiệu quả cao. Năm nào cũng vậy, đến ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) tôi đều đề xuất với công đoàn cơ sở, lãnh đạo Công ty tổ chức gặp mặt, tặng quà, động viên chị em. Đối với chị em có nhu cầu về vốn phát triển kinh tế gia đình, tôi tham mưu cho Công đoàn đứng ra tín chấp cho chị em vay vốn. Những trường hợp cán bộ nữ ốm đau hoặc gia đình có việc hiếu, hỷ, Ban Nữ công đều cử chị em đến động viên, giúp đỡ. Từ đó tạo mối gắn bó giữa các chị em trong đơn vị, các chị em đều coi Công ty như ngôi nhà thứ hai của mình để nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

  

Góp phần bảo đảm an toàn lưới điện

Đoàn Văn Điễn, thợ điện bậc 7/7, Điện lực T.P Thái Nguyên.

 

Tôi và các đồng nghiệp ở Đội 5 được Điện lực thành phố giao nhiệm vụ quản lý đường dây và trạm biến áp, trong đó có 21km đường dây 0,4kv; 5 km đường dây 22kv với 7 trạm bán lẻ gồm 2.100 khách hàng. Để bảo đảm an toàn lưới điện phục vụ khách hàng, tôi thường xuyên đi kiểm tra đường dây, chú ý quan sát nên đã nhiều lần phát hiện tại một số điểm nối phát nhiệt, tôi đã báo cáo và đưa ra đề xuất kịp thời về cách khắc phục với lãnh đạo đơn vị. Nhiều năm nay, tuyến đường dây và trạm biến áp tôi phụ trách không xẩy ra sự cố đáng tiếc. Công việc mỗi ngày được giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng sang ngày hôm sau. Hằng tháng, tôi thực hiện phúc tra (đo công suất) tại các chỉ số công tơ có biểu hiện bất thường để điều chỉnh ngay. Tôi cũng đã phát hiện được một số trường hợp câu móc điện trên địa bàn, lập biên bản truy thu, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân cách sử dụng điện an toàn. Tôi luôn nhắc nhở mình phải luôn nghiêm túc trong công việc, hoàn thành tốt hiệm vụ chuyên môn và sẵn sàng truyền đạt lại cho lớp trẻ những kiến thức, kinh nghiệm về nghề nghiệp để làm việc an toàn, hiệu quả.

 

Sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Phạm Xuân Sơn, Đội trưởng Đội vệ sinh số 5, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên.

 

Đội vệ sinh số 5 do tôi phụ trách có 9 lao động. Hằng ngày chúng tôi làm nhiệm vụ xử lý 150 tấn rác sinh hoạt tại bãi rác khe Đá Mài (Tân Cương, T.P Thái Nguyên). Đội chia 3 ca làm việc, mỗi ca 3 người, trong trường hợp ngày mưa, cả đội cùng có mặt tại bãi rác 24/24 giờ để hỗ trợ nhau việc san gạt rác, xử lý sinh học, khử mùi hôi phân tán.  Trước đây, do thực hiện việc chôn lấp rác theo phương pháp đổ lấn, nên bị phát tán mùi khó chịu, nhân dân quanh vùng bất bình. Vì thế tôi đã suy nghĩ rất nhiều và nảy ra sáng kiến xử lý rác bằng cách đổ phân lô, khi rác dày 2m, rộng 2.000m2, cho lấp 1 lượt đất dày 20cm. Bằng cách làm này, đã hạn chế được sự phát tác mùi khó chịu của rác thải. Đặc biệt sau khi xử lý rác thải, Đội chúng tôi còn phải làm nhiệm vụ đón nước rỉ rác về khu xử lý hóa chất. Trước đây, công việc này phải sử dụng đến 6 loại hóa chất khác nhau, nhưng không hiệu quả. Năm 2012, tôi đề xuất với Công ty, đề nghị cho sửa chữa, lắp đặt lại hệ thống xử lý đón nước ở bãi rác thải. Đề xuất của tôi được Công ty chấp nhận, hệ thống xử lý nước thải trở nên hoàn thiện hơn. Thay vì 6 loại hóa chất trước đây, chúng tôi chỉ sử dụng 3 loại hóa chất, nhưng hiệu quả được như mong muốn, nước bãi rác trước khi trả lại môi trường bảo đảm an toàn, không có mùi hôi và trong. Sáng kiến này của tôi được Hội Môi trường Việt Nam và Công ty đánh giá cao, giảm chi phí tiền hóa chất xử lý nước thải mỗi năm từ 3,2 tỷ đồng xuống còn 2,4 tỷ đồng/năm.