Hỗ trợ về nhà ở cho người có công ở Phú Bình: Nhiều khó khăn cần được giải quyết

15:04, 20/07/2014

Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Quyết định số 22), năm 2014, huyện Phú Bình được phê duyệt 557 hộ, trong đó có 245 hộ xây mới, 312 hộ sửa chữa nhà ở. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, đến nay toàn huyện có gần 250 hộ đã và đang triển khai làm nhà. Tuy nhiên, việc thực hiện Quyết định này của huyện cũng đang gặp phải một số khó khăn, cần sớm được quan tâm giải quyết…

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Phú Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22, trong đó, Trưởng ban là 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện; từng thành viên trong Ban được phân công phụ trách địa bàn các xã, thị trấn. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách qua các hội nghị, địa phương còn thường xuyên tuyên truyền trên Đài TT-TH huyện và trên các cụm loa FM ở từng thôn, xóm để người dân nắm được các chế độ chính sách có liên quan cũng như quy trình bình xét… Cùng với đó là thực hiện niêm yết công khai danh sách những người được nhận hỗ trợ để nhân dân theo dõi, giám sát.

 

Việc thực hiện Quyết định số 22 được triển khai trong 2 năm (2013 và 2014). Trong năm 2013, Phú Bình có 86 hộ được nhận hỗ trợ, trong đó có 26 hộ xây mới, 60 hộ sửa chữa và đều đã hoàn thành theo kế hoạch, được Ban Chỉ đạo của xã nghiệm thu theo các trình tự quy định. Các nhà xây mới cũng như sửa chữa đều đảm bảo các quy định, có diện tích từ 30m2 trở lên, chất lượng vật tư, vật liệu đạt yêu cầu, đảm bảo “3 cứng” (mái, tường, nền cứng). Nhiều hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể tự tổ chức xây dựng, sửa chữa đã được Ban Chỉ đạo huyện và xã tổ chức huy động các nguồn lực từ các đoàn thể, quần chúng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để quyên góp, ủng hộ kinh phí, giúp đỡ ngày công cũng như tổ chức thực hiện.

 

Có thể nói, kết quả đạt được trong việc thực hiện Quyết định số 22 của huyện Phú Bình thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp phải một số khó khăn, do đó đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn trên 300 hộ chưa tiến hành việc xây, sửa nhà ở. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những nguyên nhân như thời điểm này đang là mùa mưa bão, nhiều hộ chưa có đủ điều kiện về kinh tế nên cần có thêm thời gian để tích lũy, thì việc nhiều hộ dân đã hoàn thiện việc sửa chữa nhà từ năm 2013 nhưng đến nay mới chỉ nhận được 50% số tiền hỗ trợ cũng đã có những tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân.

 

Đồng chí Dương Văn Hòa, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22 của huyện cho biết: Theo quy định, những hộ xây nhà mới được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, còn sửa chữa là 20 triệu đồng/hộ. Toàn bộ 86 nhà được phê duyệt trong năm 2013 của huyện đều đã hoàn thành theo kế hoạch. Tuy nhiên đến nay, mới có các hộ xây mới được nhận đủ tiền hỗ trợ của Nhà nước, còn những hộ sửa chữa thì mới nhận được 50% (tức là 10 triệu đồng/hộ). Trên thực tế, theo Quyết định số 2517 ngày 27-11-2013 của UBND tỉnh thì huyện mới chỉ nhận được 1.120 triệu đồng để hỗ trợ 50% kinh phí cho các hộ xây mới và sửa chữa nhà. Vì thế, UBND huyện đã phải tạm ứng 520 triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện để hỗ trợ 50% số còn lại cho hộ xây mới, còn những hộ sửa chữa nhà thì vẫn còn bị nợ lại một nửa. Điều này khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, trong số đó có không ít hộ đã phải đi vay lãi ngân hàng hoặc người quen.

 

Ông Nguyễn Hồng Căn, ở xóm Bình Định, xã Kha Sơn tâm sự: Ngôi nhà cũ của gia đình tôi được làm từ năm 1969 nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế, mặc dù gia đình tôi nằm trong danh sách các hộ được hỗ trợ năm 2014 nhưng tôi vẫn quyết định làm nhà từ cuối năm 2013. Với số tiền nợ công thợ và mua vật liệu xây dựng hơn 50 triệu đồng, tôi mong muốn sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. Được biết, gia đình ông Căn thuộc diện hộ nghèo, ngoài số tiền vay nợ làm nhà, vợ chồng ông đang phải vay ngân hàng 20 triệu đồng để làm bếp. Đáng nói hơn, ông Căn lại mới bị tàn tật, sức khỏe suy giảm, không còn khả năng đi lại, 4 tháng nay phải trông chờ vào tiền hỗ trợ người tàn tật hàng tháng của Nhà nước.

 

Ngoài việc các hộ đã xây, sửa xong nhà nhưng chậm nhận được tiền hỗ trợ thì còn một khó khăn khác mà huyện Phú Bình cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh đang gặp phải, đó chính là toàn huyện vẫn còn 254 hộ sau khi tiến hành rà soát năm 2013 đã phát sinh mới (trong đó có 110 hộ xây mới, 144 hộ sửa chữa). Nguyên nhân do việc quy định đối tượng được nhận hỗ trợ theo Quyết định có chỗ không rõ ràng, cụ thể, khiến một số xã hiểu không đầy đủ nên đã không tiến hành kê khai hết; thêm vào đó, việc rà soát được thực hiện trong thời gian ngắn, có địa phương, sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo còn thiếu quyết liệt.

 

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo huyện đã tiến hành lập và gửi danh sách những hộ phát sinh mới về Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22 của tỉnh từ đầu tháng 4-2014. Tuy nhiên đến nay, huyện vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức của tỉnh có đồng ý với danh sách đó hay không để huyện có căn cứ trả lời các xã và người dân. Trước thực trạng này, mong rằng tỉnh sẽ sớm phê duyệt chính thức danh sách các hộ được nhận hỗ trợ bổ sung của năm 2014, đồng thời có các biện pháp để thực hiện kịp thời việc hỗ trợ theo quy định đối với những hộ đã thực hiện việc xây và sửa xong nhà ở.