Khi nội lực được phát huy

06:32, 19/07/2014

Nếu ai có thời gian xa quê, nay trở lại mảnh đất Đại Từ đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn về hệ thống đường giao thông nông thôn nơi đây.

5 năm trước, những cái tên xã như: Quân Chu, Ký Phú, Phú Lạc, Hoàng Nông, Minh Tiến, Phúc Lương… mới chỉ nghe thôi cũng khiến nhiều người ái ngại, khi nghĩ tới quãng đường lầy lội, ghồ ghề, thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa bão. Nhưng từ khi những con đường đó được “khoác” trên mình tấm áo mới, đã giúp đi lại của người dân thuận lợi góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

Có mặt tại tuyến đường giao thông liên xã Mỹ Yên - Khôi Kỳ - Hoàng Nông - La Bằng - Phú Xuyên dài hơn 12,6km, chúng tôi được đồng chí Lưu Văn Toán, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: “Công trình có tổng mức đầu tư gần 35 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, còn nhân dân hiến đất và tự giải phóng mặt bằng. Để tuyến đường được nhanh chóng thi công, gần 500 hộ dân của 5 xã hưởng lợi đã hiến trên 10ha đất”. Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Cao Bình, xóm Đồng Tiến, xã La Bằng tâm sự: Con đường vào xóm tôi nhiều năm trong tình trạng ghập ghềnh, khó đi, khiến cho việc tiêu thụ chè bị ảnh hưởng không nhỏ. Khi xã triển khai chủ trương làm tuyến đường này, bản thân tôi xác định đây là cơ hội để nhân dân trong xóm có đường giao thông đi lại thuận lợi, phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế nên tôi đã vận động gia đình hiến trên 54 m2 đất thổ cư làm đường.

 

Rạng rỡ nét mặt, anh Hoàng Văn Thìn, Trưởng xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn chia sẻ: Bây giờ người dân xóm Vân Long không còn phải chịu cảnh “chưa mưa đã lội, chưa nắng đã bụi mù” rồi. Sau một thời gian chờ đợi, tuyến đường bê tông nội xóm dài 1km vừa được thi công xây dựng với tổng kinh phí trên 350 triệu đồng, trong đó gần 40 hộ dân hiến trên 6 nghìn m2 đất làm đường. Không riêng gì anh Thìn, trên khuôn mặt từ người già đến con trẻ nơi đây lộ rõ niềm vui. Công trình có sự giám sát chặt chẽ từ cộng đồng nên thời gian thi công nhanh, cơ bản đảm bảo khối lượng, chất lượng công trình.

 

 

Nhờ sự hưởng ứng tích cực của người dân, trong 3 năm (từ 2011-2013), toàn huyện Đại Từ đã huy động được gần 600 tỷ đồng để đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng trên 300km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, năm 2014, huyện đã làm được trên 78km đường giao thông nông thôn, phân bổ kịp thời 9.400 tấn xi măng của tỉnh cho các xã, thị trấn từ chương trình hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn năm 2014. Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm, nhu cầu làm đường giao thông trong dân vẫn còn cao, huyện mong muốn tỉnh bổ sung thêm 10.000 tấn xi măng trong năm nay và ứng trước 10.000 tấn xi măng của năm 2015 thì cơ bản các xã của huyện Đại Từ sẽ đạt tiêu chí về đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc chỉ đạo xây dựng mới các công trình giao thông, huyện còn chú trọng đến công tác duy tu, bảo trì các tuyến giao thông. Không những vậy, huyện Đại Từ còn thực hiện nhiều biện pháp trong đó chú ý đến việc khai thác nguồn lao động dồi dào tại các địa phương, các nguyên vật liệu tại chỗ để giảm bớt các chi phí, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng công trình.

 

 

Đồng chí Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Thực ra, bây giờ chúng tôi không cần vận động bà con cũng tự đăng ký làm đường giao thông, bởi vì người dân đã thấu hiểu nỗi khổ khi phải đi lại trên những con đường lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa hè; người dân đã nhận thức được mình là người đóng góp tiền bạc nhưng cũng chính họ là người trực tiếp hưởng lợi từ những công trình đó nên dù đóng góp ít hay nhiều, thậm chí có gia đình phải đi vay mượn mới đủ tiền đối ứng nhưng người dân vẫn hào hứng và vui vẻ. Điều quan trọng là mọi việc làm đều phải được thực hiện theo đúng quy chế dân chủ, dân được biết, được làm, được bàn và kiểm tra, công khai, minh bạch trong các khoản thu - chi tài chính… Khi người dân đã tin tưởng, ủng hộ thì làm việc gì cũng thuận lợi.