Theo số liệu của Chi cục THADS huyện Đại Từ, tính từ ngày 1-10-2013 đến ngày 31-5-2014 án chuyển kỳ sau của huyện là 513 việc, trong đó có 188 việc có điều kiện thi hành; 325 việc không có điều kiện thi hành.
Bản án số 13/DSST ngày 6-5-2004 của Tòa án Nhân dân huyện Đại Từ tuyên được nhiều người biết đến, vì 10 năm nay việc thi hành án (THA) đối với bản án nêu trên không thể thực hiện được vì đương sự cho rằng bản án Tòa tuyên không đúng với thực tế. Vụ việc được tóm tắt như sau: Chị Nguyễn Thị Hải là con dâu của bà Trương Thị Loan. Năm 1995 chồng chị Hải chết, chị đã bỏ con cho bà Loan nuôi và đi khỏi nơi cư trú. Năm 2002 chị Hải quay về định bán đất trước đây đã ở nhưng bà Loan không cho với lý do là đất của bà Loan mua, chị Hải là con dâu, sau khi chồng chết lại bỏ con cái, không trông nom cai quản nhà đất. Nhưng khi giải quyết đơn tranh chấp, Tòa lại tuyên cho chị Hải được sở hữu mảnh đất, vì vậy bà Loan không chịu thi hành bản án mà cho con trai là anh Đỗ Văn Tuấn xây dựng nhà trên mảnh đất mà Tòa giải quyết thuộc quyền sở hữu của chị Hải. Cơ quan THADS huyện Đại Từ đã nhiều lần tổ chức các cuộc hòa giải, Ban Chỉ đạo THADS huyện Đại từ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để giải quyết, nhưng đến nay bản án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trên đây chỉ là một trong nhiều bản án khó thi hành trên địa bàn huyện Đại Từ vướng mắc từ nhiều năm nay. Lý giải về số vụ việc không có điều kiện thi hành còn cao, ông Vi Văn Hạnh, Phó Chi cục trưởng THADS huyện Đại Từ cho rằng: Có khá nhiều bản án biết chắc đương sự không có khả năng THA nhưng theo luật định, Tòa án vẫn tuyên dẫn đến công tác THA rất khó thực thi. Trong số này, có trên 90 việc liên quan đến án ma túy. Ngoài ra những bản án tuyên, bị can sau khi mãn hạn tù cũng không có tài sản gì nên không có khả năng thực hiện trách nhiệm án dân sự. Bên cạnh đó, những vụ án ly hôn, hầu hết đương sự sau khi Tòa tuyên án thường bỏ đi khỏi nơi cư trú nên rất khó THA. Đơn cử như Bản án số 01/DSST ngày10/1/2005, Tòa án Nhân dân huyện Đại Từ giải quyết việc ly hôn giữa chị Trần Thị Ngọc và anh Lê Quốc Ngọ (chị Ngọc là nguyên đơn) nhưng sau khi bản án có hiệu lực, chị Ngọc lại không sinh sống ở địa phương mà chuyển đến nơi khác ở, chị Ngọc cũng không có tài sản gì ở địa phương nên chấp hành viên không thi hành được bản án…
Báo cáo kiểm điểm công tác THA của huyện Đại Từ cũng đã chỉ ra nguyên nhân, ngoài những bản án có ý kiến trái chiều khó thi hành thì sự phối hợp giữa cơ quan THADS huyện và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đôi lúc chưa đồng bộ, hiệu quả, năng lực trách nhiệm của chấp hành viên THA còn hạn chế. Để giải quyết án tồn trong thời gian tới, ông Hạnh cho biết thêm: Chúng tôi sẽ thường xuyên chỉ đạo Chấp hành viên đi xác minh, xác minh lại, nếu những vụ việc đủ điều kiện THA mà đương sự còn chây ỳ không thi hành, thì cơ quan THADS huyện tiếp tục phối hợp với các cấp, chính quyền tăng cường biện pháp giáo dục, thuyết phục để đương sự tự nguyện THA, nếu đương sự không thi hành, bắt buộc chúng tôi phải thực hiện cưỡng chế. Đối với những bản án liên quan đến ma túy chúng tôi đang xác minh lại, nếu bản án đủ điều kiện xét miễn giảm thì sẽ lập hồ sơ xét miễn giảm thi hành án theo luật định. Tuy nhiên, đối với những vụ việc phức tạp như Bản án số 13/DSST ngày 6-5-2004 của Tòa án Nhân dân huyện Đại Từ tuyên (như nêu ở trên) chúng tôi vẫn còn lúng túng chưa biết giải quyết bằng cách nào?
Đề cập đến công tác giải quyết THADS tồn tại của huyện Đại từ ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng cục THADS tỉnh chỉ đạo: Chi cục THADS huyện cần rà soát kỹ việc không đủ điều kiện thi hành đối với án ma túy để phân loại án miễn giảm theo luật định. Ngoài ra, thường xuyên tham mưu với Ban Chỉ đạo THADS huyện Đại từ kiên quyết áp dụng mọi biện pháp, kể cả biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết đối với đương sự có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Đối với những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, khi thực hiện thi THADS cũng cần cân nhắc kỹ. Ngoài việc thực hiện đúng pháp luật cũng phải xét đến hoàn cảnh thực tế để giải quyết vụ việc “thấu tình đạt lý”, thực hiện THADS phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân đang chịu trách nhiệm THA .